Liệu đồng USD có phải là mục tiêu tiếp theo trong làn sóng cải tổ của Trump?

Liệu đồng USD có phải là mục tiêu tiếp theo trong làn sóng cải tổ của Trump?

Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

10:59 21/02/2025

Giới tài chính đang xem nhẹ nguy cơ của một cuộc đại chuyển dịch đột ngột trong trật tự tài chính toàn cầu dưới thời Tổng thống Donald Trump, với đồng USD là trung tâm điểm. Mặc dù số liệu lạm phát gần đây gây bất ngờ, đồng USD đã thoái lui khỏi đỉnh cao hậu bầu cử và chạm đáy hai tháng so với rổ tiền tệ chủ chốt vào đầu tuần này.

Diễn biến này có lẽ đã phần nào xoa dịu vị tổng thống, người từng nhiều năm liền gay gắt chỉ trích tác động xói mòn của đồng đô la quá mạnh đối với nền công nghiệp Mỹ. Song xét theo mọi chuẩn mực, đồng USD vẫn đang ở vị thế mạnh mẽ. Thời kỳ EUR/USD ổn định quanh mốc 1.30 và GBP/USD ở ngưỡng 1.60 nay đã thuộc về dĩ vãng, thay vào đó là mức tỷ giá EUR/USD 1.04 và GBP/USD 1.26. Chỉ số DXY đã tăng tới 15% trong một thập kỷ qua.

Từ trước đến nay, thị trường vẫn tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ có những hành động cực đoan nhằm hạ giá đồng tiền. Tuy nhiên, sau một tháng dưới sự điều hành của vị tân Tổng thống, đã đến lúc phải xem xét lại niềm tin này. Rõ ràng các chuẩn mực và truyền thống không còn là rào cản đối với Trump trong các lĩnh vực khác. Về mặt địa chính trị, giới ngoại giao và chuyên gia chính sách đối ngoại đã phải học bài học cay đắng này. Những liên minh được dày công vun đắp qua nhiều thập kỷ đã bị đẩy sang một bên, trong cái mà những người ủng hộ Trump gọi là cuộc theo đuổi hòa bình cao thượng tại Ukraine.

Trong nước, chính quyền Trump mới thậm chí còn gây nhiều xáo trộn hơn. Trump đã trao quyền cho người giàu nhất hành tinh, Elon Musk, can thiệp sâu vào guồng máy chính phủ liên bang, nơi các cộng sự theo chủ nghĩa tự do của ông đang ráo riết tháo dỡ mọi cơ chế. Ngay cả Cục Hàng không Liên bang cũng không thoát khỏi làn sóng cắt giảm ngân sách. Trên thị trường tài chính, các nhà đầu tư đang chứng kiến điều này với thái độ vừa bối rối vừa tán thành.

Chứng khoán Mỹ vừa thiết lập một đỉnh cao lịch sử mới trong tuần này. Phải chăng các nhà đầu tư TPCP đang lo ngại về thách thức đối với những cơ chế kiểm soát và cân bằng thiết yếu tại trung tâm quyền lực? Dường như không phải vậy. Dù một số nhà quản lý dự trữ toàn cầu lớn đang tỏ ra bất an - thể hiện qua việc rút lui khỏi TPCP sau ngày bầu cử và đổ xô vào vàng nhưng cơn sốc giá trái phiếu đầu năm nay đã dần lắng xuống. Không có dấu hiệu nào của khủng hoảng, dù là tài khóa, lạm phát hay bất kỳ hình thái nào khác. Thực tế cho thấy thị trường trái phiếu đang đồng thuận với việc cắt giảm chi tiêu liên bang, bất kể Musk và Ban Hiệu quả Chính phủ của ông thực hiện bằng cách nào.

Tóm lại, hiện tại, giới đầu tư đang xem những xáo trộn, phá vỡ chuẩn mực và làm suy yếu liên minh của chính quyền Trump 2.0 đơn thuần như một vở kịch chính trị, không phải điều đáng để bận tâm. Trên thị trường ngoại hối, lập trường chính sách của Tổng thống cũng chưa tạo được tiếng vang. Một số thông điệp về vấn đề này khá mơ hồ. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent phát biểu trên Fox News tuần trước rằng chính sách đồng USD mạnh của Mỹ không đồng nghĩa với việc các quốc gia khác được phép theo đuổi chính sách tiền tệ yếu. Đây khó có thể xem đây là tín hiệu rõ ràng để bán tháo đồng USD. Tuy nhiên, quan điểm của Trump cho rằng sức mạnh đồng USD đang tạo lợi thế không công bằng cho các đối tác thương mại. Điều này được khẳng định qua một bài luận được công bố năm ngoái bởi cố vấn Tổng thống Stephen Miran, cho thấy các nhà kinh tế thân cận với Tổng thống cũng chia sẻ cùng quan điểm.

Bài luận của Miran như một kho báu chứa đựng những phương thức cực kỳ táo bạo và phi truyền thống mà chính quyền Trump có thể vận dụng để tái cấu trúc hệ thống tài chính. Đặc biệt, ông đề xuất việc gắn kết trực tiếp những đóng góp của các chính phủ nước ngoài vào ngân sách Mỹ với các ưu đãi về thương mại, thậm chí cả về an ninh. Trong bối cảnh đó, việc làm suy yếu đáng kể đồng USD hoàn toàn có thể trở thành một mục tiêu độc lập. "Phố Wall đồng thuận rằng chính quyền Trump không thể đơn phương có bất kỳ biện pháp nào để tăng cường giá trị các đồng tiền đang bị định giá thấp," Miran viết. "Nhưng kết luận này hoàn toàn sai lầm."

Miran đã chạm đúng vào thực tế khi chỉ ra rằng từ trước đến nay, các nhân vật trong thị trường tài chính vẫn thường bật cười trước ý tưởng về một chiến lược nghiêm túc nhằm làm suy yếu đồng USD. Họ lập luận rằng điều này gần như bất khả thi, trừ phi có một trong ba điều kiện: hoặc là Mỹ phải thực hiện cắt giảm lãi suất quyết liệt - điều có thể châm ngòi cho một cơn bão lạm phát không kiểm soát; hoặc phải có một thỏa thuận đặc biệt khiến các quốc gia khác sẵn sàng hy sinh lợi ích quốc gia trước chính sách công nghiệp của Mỹ; hoặc Mỹ phải thiết lập một kho dự trữ khổng lồ để hạ nhiệt đồng USD.

Cách đây nửa năm, tất cả những kịch bản này đều bị xem là phi thực tế. Nhưng giờ đây, liệu bạn có dám đặt cược rằng chúng sẽ không xảy ra? Nếu Trump đã đủ gan góc để đặt NATO vào thế nguy hiểm, ông ấy hoàn toàn có thể làm điều tương tự với những trụ cột của hệ thống tài chính. Sự bình lặng của thị trường dường như đang ngầm chấp nhận rằng những chính sách đối nội và đối ngoại cực đoan, khó lường thực ra cũng chẳng có gì đáng ngại. Giới đầu tư không nên vội vã kết luận rằng một Tổng thống đang tràn đầy quyền lực sẽ đối xử "nhẹ nhàng" với đồng USD.

Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Người tiêu dùng Trung Quốc đang bị đánh giá quá thấp?
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Người tiêu dùng Trung Quốc đang bị đánh giá quá thấp?

Quan điểm rằng Trung Quốc cần tái cân bằng nền kinh tế hướng tới chi tiêu tiêu dùng lớn hơn giờ đã được khẳng định rõ ràng. Hơn một thập kỷ qua, các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và xuất khẩu của Bắc Kinh có những giới hạn trong việc mang lại tăng trưởng cao và bền vững.
Lưới an toàn yếu dần: Căng thẳng tín dụng âm ỉ trong hệ thống ngân hàng Mỹ
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

Lưới an toàn yếu dần: Căng thẳng tín dụng âm ỉ trong hệ thống ngân hàng Mỹ

Giá trị các khoản vay được điều chỉnh tại các ngân hàng Mỹ đã tăng gấp bốn lần trong hai năm, cho thấy áp lực tài chính đang tích tụ bên dưới bề mặt. Dù tỷ lệ nợ quá hạn mới có dấu hiệu chậm lại, phần lớn cải thiện này chỉ đến từ việc điều chỉnh lại điều khoản cho vay. Trong khi đó, quỹ dự phòng của nhiều tổ chức đang mỏng đi đáng kể, làm dấy lên lo ngại về khả năng chống chịu trước những cú sốc kinh tế sắp tới.
Những hệ lụy đáng sợ từ cuộc đấu giá trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 20 năm

Những hệ lụy đáng sợ từ cuộc đấu giá trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 20 năm

Hôm qua chúng ta đã nói về kết quả đáng thất vọng của cuộc đấu giá trái phiếu kho bạc 20 năm trị giá 15 tỷ đô la – tạo ra một trong những sự kiện đáng chú ý nhất năm 2025 và ngay lập tức gợi ra sự so sánh với cuộc đấu giá trái phiếu kho bạc Nhật Bản 20 năm thảm khốc của chính Nhật Bản vào đầu năm nay, gây ra một đợt bán tháo dữ dội đối với cả trái phiếu và cổ phiếu.
Câu chuyện cổ phiếu Mỹ: Không còn “ngon ăn” như trước?
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Câu chuyện cổ phiếu Mỹ: Không còn “ngon ăn” như trước?

Từng được xem là thiên đường đầu tư với sức mạnh từ Big Tech và đồng USD vững chắc, thị trường Mỹ giờ đây đang khiến nhiều nhà đầu tư phải đặt dấu hỏi. Khi cổ phiếu châu Âu bứt phá mạnh mẽ và đồng bạc xanh suy yếu, niềm tin vào “chủ nghĩa đặc biệt” của Mỹ bắt đầu lung lay. Phải chăng thời kỳ hoàng kim của Phố Wall đang dần khép lại?
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ