Kinh tế Châu Á chao đảo trước đòn thuế quan mới từ Tổng thống Trump

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Các nền kinh tế châu Á đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ quyết định tăng thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi đồng nội tệ và thị trường chứng khoán khu vực này rơi vào áp lực bán tháo.

Mức thuế quan mới được đánh giá là quyết liệt hơn dự kiến, làm gia tăng rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Đồng nhân dân tệ Trung Quốc cùng với đô la Úc và đô la New Zealand – những đồng tiền nhạy cảm với tăng trưởng kinh tế – đều lao dốc. Trong khi đó, đồng yên Nhật lại bật tăng nhờ vai trò là kênh trú ẩn an toàn. Nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm tài sản an toàn, đẩy giá trái phiếu Úc và New Zealand lên cao. Thị trường chứng khoán cũng không nằm ngoài vòng xoáy: chỉ số Nikkei 225 và hợp đồng tương lai S&P 500 đồng loạt giảm điểm, trong khi vàng tiếp tục lập đỉnh mới.
Các chuyên gia nhận định như thế nào?
Nick Twidale, chuyên gia phân tích trưởng tại AT Global Markets, Sydney:
“Quyết định thuế quan này quyết liệt hơn so với kỳ vọng. Nhật Bản và phần lớn châu Á đều chịu ảnh hưởng tiêu cực. Tôi cho rằng chứng khoán khu vực hôm nay sẽ lao dốc, cùng với hầu hết các đồng tiền trong khu vực, ngoại trừ đồng yên có thể tiếp tục tăng do là tài sản trú ẩn an toàn.
Nhà đầu tư sẽ tìm kiếm cơ hội trong các cổ phiếu phòng thủ, như những doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, nên nhóm này có thể ít bị ảnh hưởng hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn có quan điểm tiêu cực đối với thị trường chứng khoán nói chung.
Một số đồng tiền châu Á khác, như VND, có thể biến động mạnh. Nếu xuất hiện áp lực bán tháo, thanh khoản thị trường sẽ gặp vấn đề. Hiện tại, tổng mức thuế quan đối với Trung Quốc đã lên tới 54%, điều này không có lợi cho thương mại toàn cầu và cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường Đông Nam Á.”
Jung In Yun, CEO Fibonacci Asset Management Global Pte., Singapore:
“Thị trường châu Á sẽ biến động mạnh khi giá cổ phiếu bị tác động. Các công ty trong ngành dịch vụ thiết yếu như tiện ích và viễn thông sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn. Nhưng thực tế, khi biến động quá lớn do ảnh hưởng từ tỷ giá hối đoái, dòng vốn ngoại thường rút khỏi khu vực, gây áp lực giảm mạnh lên giá cổ phiếu. Đó là điều chúng ta có thể thấy trong ngắn hạn.”
Carol Kong, chuyên gia chiến lược tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, Sydney:
“Mức thuế quan lần này cao hơn chúng tôi dự báo. Phản ứng thị trường cho thấy đây là một động thái mạnh hơn cả kỳ vọng của nhà đầu tư. Tôi dự đoán các đồng tiền trú ẩn an toàn sẽ tiếp tục được hỗ trợ, thậm chí còn tăng cao hơn nữa.
Yếu tố tiếp theo có thể khiến các đồng tiền trú ẩn mạnh lên và các đồng tiền rủi ro suy yếu chính là các biện pháp trả đũa từ các chính phủ khác, điều có thể dẫn đến việc Mỹ tăng thuế hơn nữa.”
Mahjabeen Zaman, trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối tại Ngân hàng ANZ:
“Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu suy yếu, USD thường có xu hướng mạnh lên, nhưng mức độ tác động sẽ khác nhau giữa các nền kinh tế.
Đồng yên nhiều khả năng sẽ là đồng tiền có hiệu suất tốt nhất do được coi là tài sản trú ẩn an toàn. Trong khi đó, đô la Úc, đô la New Zealand và euro – vốn là các đồng tiền nhạy cảm với chu kỳ kinh tế – sẽ chịu ảnh hưởng năng nề hơn.
Ngoài ra, tác động của thuế quan sẽ khác nhau tùy vào mức độ phụ thuộc thương mại của mỗi nền kinh tế. Chẳng hạn, EU có thể chịu ít ảnh hưởng hơn so với Úc và New Zealand. Các đồng tiền thuộc nhóm G10 như đô la Úc và đô la New Zealand chủ yếu bị chi phối bởi tâm lý rủi ro của thị trường, trong khi đồng bảng Anh có thể ít bị ảnh hưởng hơn so với euro do mức thuế áp dụng khác nhau.”
Brad Bechtel, trưởng bộ phận ngoại hối tại Jefferies Financial Group, New York:
“Mức thuế này chắc chắn là một yếu tố tiêu cực đối với thị trường. Nó cũng có thể đẩy lạm phát tại Mỹ tăng cao, trừ khi USD tăng mạnh đáng kể.
Hiện tại, thị trường chủ yếu phản ứng tiêu cực với USD do thuế quan, nhưng nếu những chính sách này duy trì trong thời gian dài, tăng trưởng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng và nhiều ngân hàng trung ương có thể phải nới lỏng chính sách tiền tệ.”
Lynn Song, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại ING Bank:
“Lần tăng thuế này sẽ không thay đổi kịch bản cơ bản của chúng tôi, trong đó Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) không có ý định phá giá nhân dân tệ để đối phó với thuế quan, mà vẫn sẽ duy trì mục tiêu ổn định tỷ giá.
Lý do chính là nếu PBoC cố tình phá giá nhân dân tệ, điều đó có thể kích hoạt các biện pháp tăng thuế tiếp theo từ Mỹ, đồng thời làm mất đi những lợi ích của chính sách ổn định tiền tệ mà Trung Quốc đã duy trì trong những năm qua. Chúng tôi dự báo nhân dân tệ sẽ dao động trong khoảng 7,00-7,40 trong năm nay.”
Billy Leung, chiến lược gia đầu tư tại Global X ETFs, Sydney:
“Đối với Trung Quốc, nguy cơ trả đũa từ Bắc Kinh sẽ quay trở lại tâm điểm, điều này gây áp lực lên nhân dân tệ và các đồng tiền thị trường mới nổi. Với thị trường ngoại hối và trái phiếu châu Á, xu hướng rủi ro sẽ gia tăng đáng kể.”
Brendan McKenna, chuyên gia kinh tế thị trường mới nổi tại Wells Fargo, New York:
“Sẽ rất thú vị khi theo dõi cách PBOC phản ứng. Tôi không nghĩ họ sẽ để đồng nhân dân tệ mất giá quá mạnh, nhưng áp lực lên tỷ giá chắc chắn sẽ gia tăng.”
Marito Ueda, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tại SBI Liquidity Market, Tokyo:
“Nhật Bản có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ trong ngành ô tô, điều này sẽ khiến Nhật gặp khó khăn trong đàm phán với Washington. Do đó, đồng yên đang được mua vào như một tài sản trú ẩn an toàn.
Với lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ giảm do tâm lý rủi ro, chứng khoán Nhật Bản có thể giảm mạnh trong ngày hôm nay, đồng thời đồng yên có thể tiếp tục tăng giá.”
Tatsuya Ujita, quản lý danh mục cấp cao tại Nomura Asset Management, Tokyo:
“Tại Nhật Bản, các nhà xuất khẩu, đặc biệt là ngành ô tô, sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đợt tăng thuế này và có thể sẽ thu hút nhiều sự chú ý trên thị trường tín dụng trong nước. Nhiều doanh nghiệp trong ngành này đã huy động lượng lớn vốn thông qua phát hành trái phiếu.”
Bloomberg