Swissquote Bank: Sự lạc quan của thị trường ngày càng xa vời với thực trạng kinh tế

Diệu Linh
Junior Editor
Quan điểm từ bộ phận phân tích của Swissquote Bank.

Thương mại và thuế quan
Phản ứng của thị trường trước các đe dọa thuế quan cuối tuần qua (lần này là mức thuế 50% đối với hàng xuất khẩu từ Mexico và châu Âu sang Mỹ) nhìn chung vẫn mang màu sắc hy vọng: rằng các mức thuế này sẽ không trở thành hiện thực. Thị trường tiếp tục giao dịch dựa trên giả định rằng các vòng đàm phán sẽ giúp giảm mức thuế xuống khoảng 15% hoặc thấp hơn, đặc biệt là đối với châu Âu.
Kết quả là các thị trường chứng khoán châu Âu chỉ ghi nhận mức giảm rất nhẹ, với chỉ số Stoxx 600 đóng cửa gần như đi ngang, vẫn giữ trên đường trung bình động 50 ngày. Tại Mỹ, các chỉ số chủ chốt thậm chí còn tăng điểm, với S&P 500 chỉ cách đỉnh lịch sử vài điểm, bất chấp việc Liên minh châu Âu đe dọa trả đũa bằng thuế lên tới 84 tỷ USD hàng hóa Mỹ, bao gồm ô tô, rượu bourbon và máy bay Boeing. Thị trường dường như không bận tâm.
Một điểm sáng hiếm hoi là Nvidia được cho phép tiếp tục bán dòng chip H20 tại Trung Quốc, giảm bớt lo ngại về hoạt động kinh doanh trong khu vực này. Thêm vào đó, Trung Quốc công bố số liệu tăng trưởng và sản xuất công nghiệp vượt kỳ vọng trong sáng nay. Tuy nhiên, ngoài những yếu tố này, bức tranh chung vẫn khá ảm đạm, mặc dù vậy, hợp đồng tương lai cổ phiếu vẫn duy trì sắc xanh.
Trái phiếu chính phủ
Ở chiều ngược lại, thị trường trái phiếu chính phủ đang phát ra tín hiệu cảnh báo rõ ràng khi lợi suất dài hạn tiếp tục tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu 30 năm của Nhật Bản đã tăng gần 18 bps vào thứ Hai và tiếp tục leo lên 3.20% vào sáng nay cũng là mức đỉnh lịch sử. Giới đầu tư đang chuẩn bị cho kịch bản Đảng Dân chủ Tự do (LDP) bảo toàn đa số trong cuộc bầu cử Thượng viện vào Chủ Nhật, điều có thể mở đường cho các gói kích thích tài khóa lớn hơn, làm gia tăng lo ngại về mức nợ công vốn đã mong manh của Nhật Bản.
Lưu ý thêm: Chính phủ Nhật Bản từng thông báo cắt giảm nguồn cung trái phiếu dài hạn trong tháng trước nhằm hạ nhiệt làn sóng bán tháo, song áp lực vẫn chưa giảm bớt. Lợi suất tăng tại Nhật Bản đang gây hiệu ứng lan tỏa sang thị trường trái phiếu phương Tây, khi lợi suất trái phiếu 30 năm của Mỹ dao động quanh mốc tâm lý 5%, còn chỉ số lợi suất 10 năm tại châu Âu đã vượt mốc 2.70%.
Sự gia tăng lợi suất thường là tin xấu đối với tâm lý rủi ro toàn cầu, bởi chi phí vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng lên. Thế nhưng, một lần nữa, thị trường dường như vẫn thờ ơ.
Rủi ro đang chất chồng
Các rủi ro đang gia tăng: nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát tại Mỹ tăng tốc do thuế quan, áp lực lên lợi nhuận doanh nghiệp, mức nợ không bền vững tại nhóm G7, rủi ro chính trị, rủi ro địa chính trị… Ngay cả trong trường hợp ông Trump tạm thời giảm căng thẳng, các chính sách hiện tại kết hợp với chi phí vay tăng sẽ sớm hay muộn tạo ra những hệ quả kinh tế rõ rệt.
Đối với doanh nghiệp Mỹ, USD giảm hơn 10% trong nửa đầu năm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lợi nhuận khi khoảng 40% doanh thu của S&P 500 đến từ nước ngoài, các khoản doanh thu này khi quy đổi sang USD sẽ tăng lên. Ngược lại, doanh nghiệp châu Âu không nhận được lợi ích tương tự khi đồng Euro và Franc Thụy Sĩ đã tăng giá đáng kể. Tồi tệ hơn, nhiều công ty châu Âu đang lựa chọn hấp thụ chi phí thuế quan để duy trì thị phần tại Mỹ, điều này sớm muộn cũng sẽ phản ánh vào kết quả kinh doanh, nhưng thị trường dường như vẫn chưa phản ánh đầy đủ yếu tố này.
Mùa báo cáo lợi nhuận ngân hàng Mỹ bắt dầu
Các ngân hàng lớn của Mỹ chuẩn bị công bố báo cáo tài chính quý II trong vài giờ và vài ngày tới. Lợi nhuận được dự báo giảm 1% so với cùng kỳ, trong khi cổ phiếu ngành tài chính thuộc S&P 500 đã tăng khoảng 24% kể từ đáy tháng Tư. Việc nới lỏng quy định có thể đóng vai trò hỗ trợ khi giới đầu tư kỳ vọng khả năng cho vay tăng cùng với biên lợi nhuận cải thiện, nhưng mức tăng 24% khó có thể biện minh khi lợi nhuận vẫn giảm. Mặt tích cực, mức giảm 1% trong lợi nhuận đặt ra ngưỡng kỳ vọng thấp, nếu kết quả vượt kỳ vọng, đà tăng có thể tiếp tục bất chấp lợi nhuận giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận chững lại sớm muộn cũng sẽ khiến định giá trở nên khó chấp nhận hơn.
Dù kỳ vọng chung vẫn lạc quan về mùa báo cáo lợi nhuận sắp tới, khoảng cách ngày càng lớn giữa tâm lý thị trường và thực tế kinh tế làm gia tăng nguy cơ điều chỉnh mạnh. Càng phớt lờ các tín hiệu cảnh báo, khả năng điều chỉnh càng cao và càng đau đớn.
Chờ đợi CPI Mỹ
Về mặt vĩ mô, Mỹ sẽ công bố dữ liệu CPI mới nhất hôm nay. Cả chỉ số CPI tổng thể và lõi đều được dự báo tăng tốc từ 0.1% lên 0.3% so với tháng trước trong tháng Sáu, chủ yếu do áp lực từ thuế quan áp lên ô tô, đồ chơi, nội thất và các mặt hàng liên quan. Những bất ngờ tích cực về lạm phát trong thời gian gần đây chủ yếu xuất phát từ việc doanh nghiệp bán ra lượng hàng tồn kho đã được tích trữ trước đó, nhưng nguồn hàng này đang cạn dần và hàng nhập khẩu mới sẽ sớm phản ánh vào giá cả. Nếu CPI không tăng, điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang phải gánh chi phí, và một lần nữa, ai đó sẽ phải trả giá. Người tiêu dùng Mỹ hay nhà xuất khẩu nước ngoài sẽ chịu thiệt tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm về giá của từng loại hàng hóa.
Điều gì đó chắc chắn sẽ phải nhượng bộ, nhưng thời điểm và cách thức vẫn còn là dấu hỏi lớn. Do đó, việc theo dõi sát sao dữ liệu kinh tế, kết quả lợi nhuận và diễn biến lợi suất toàn cầu vẫn cực kỳ cần thiết.
Swissquote Bank SA