MUFG - Asia FX: Thông báo đánh thuế của Trump kéo USD gây áp lực lên các đồng tiền châu Á

Diệu Linh
Junior Editor
Quan điểm tử bộ phận phân tích của MUFG.

Các thông báo thuế quan gần đây của Tổng thống Trump tiếp tục thúc đẩy đà tăng của USD. Cặp tỷ giá USDJPY đã tăng khoảng 2% trong tuần trước, vượt mốc 147.00. Cuối tuần qua, ông Trump thông báo mức thuế 30% đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 nếu EU không đề xuất các điều khoản thương mại có lợi hơn. Động thái này được xem là một phần trong chiến lược gây sức ép thương lượng, tạo dư địa cho các cuộc đàm phán song phương trong vòng hai tuần tới.
Về phía EU, khối này được cho là đang xem xét các biện pháp đáp trả và có thể hợp tác với các nền kinh tế khác cùng chịu ảnh hưởng để đưa ra phản ứng chung. Tuy nhiên, chưa rõ liệu tình hình sẽ leo thang thành một chu kỳ trả đũa mới giữa hai bên, hay dẫn đến một lộ trình hạ nhiệt căng thẳng. Cùng lúc, Mỹ cũng áp thuế 30% lên hàng hóa Mexico từ 1/8, với điều khoản miễn trừ dành cho các sản phẩm đáp ứng quy định USMCA.
Song song đó, chính quyền Trump được cho là đang cân nhắc khả năng sử dụng hoạt động cải tạo trụ sở của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) như một cơ sở pháp lý để loại bỏ Chủ tịch Jerome Powell. Dù chưa có căn cứ rõ ràng cho hành động này, thông tin này càng làm nổi bật sức ép chính trị ngày càng tăng đối với Fed nhằm thúc đẩy cắt giảm lãi suất quyết liệt hơn.

Về ngắn hạn, các đồng tiền châu Á đang chịu áp lực sau loạt tuyên bố thuế quan mới từ Mỹ. Tuy nhiên, kỳ vọng thị trường về khả năng Fed giảm lãi suất và các mối lo ngại ngày càng rõ ràng về bức tranh tài khóa của Mỹ có thể hạn chế đà tăng của đồng USD. Điều này có thể mang lại hỗ trợ cho các đồng tiền châu Á trong trung hạn, nhất là nếu các cuộc đàm phán thương mại song phương với Mỹ giúp đạt được một số thỏa hiệp về thuế. Dù vậy, nguy cơ vẫn tồn tại nếu Mỹ tiếp tục hiện thực hóa các mức thuế đối ứng đã công bố, điều có thể làm suy yếu triển vọng tăng trưởng toàn cầu cũng như triển vọng cho các đồng tiền khu vực.
Trong tuần qua, TWD và KRW là hai đồng tiền kém hiệu suất nhất trong nhóm các đồng tiền châu Á lớn, mỗi đồng mất giá khoảng 1% so với USD. Ringgit Malaysia theo sau với mức giảm 0.7%, trong khi đồng Đô la Mỹ ghi nhận đà tăng trên diện rộng, phản ánh sức mạnh ngắn hạn duy trì vững chắc.
Tại Singapore, cặp tỷ giá USDSGD đã tăng 0.5% lên 1.2800 trong tuần trước, di chuyển đồng bộ với xu hướng tăng chung của đồng USD. Tuy nhiên, dữ liệu GDP quý II khả quan hơn dự báo có thể tạo lực đỡ cho SGD. Cụ thể, ước tính sơ bộ cho thấy GDP tăng 1.4% theo quý trong quý II, đảo ngược mức giảm đã điều chỉnh là 0.5% trong quý I và vượt dự báo đồng thuận là tăng 0.8%. Nhờ đó, Singapore đã tránh được suy thoái kỹ thuật. Động lực tăng trưởng đến chủ yếu từ ngành xây dựng (+4.4% theo quý), cùng với đà xuất khẩu và sản xuất được cải thiện. Tính theo năm, GDP tăng 4.3% trong quý II, so với mức tăng điều chỉnh là 4.1% trong quý I. Tuy nhiên, triển vọng cho nửa cuối năm có thể gặp nhiều thách thức hơn, khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có khả năng chậm lại, và các rủi ro liên quan đến việc áp thuế cao hơn với các đối tác thương mại chính từ 1/8 vẫn hiện hữu. Những yếu tố này có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa tiêu cực đến nền kinh tế phụ thuộc thương mại như Singapore, đặc biệt với vai trò trung tâm trung chuyển của nước này.

MUFG