Thị trường tuần tới: Thị trường tăng trưởng chậm, trái phiếu biến động, chờ CPI

Thị trường tuần tới: Thị trường tăng trưởng chậm, trái phiếu biến động, chờ CPI

Diệu Linh

Diệu Linh

Junior Editor

10:22 14/07/2025

Thị trường chứng khoán toàn cầu tạm dừng, nhưng không trước khi để lại dấu vết rõ ràng của một đợt tăng trưởng quá nóng đang nguội dần dưới bóng tối của sự leo thang chiến tranh thương mại.

Chứng khoán lưỡng lự, trái phiếu bất an

Đà tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu đã chững lại, để lại những dấu hiệu rõ ràng về một chu kỳ tăng trưởng đang nguội dần trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang. Chỉ số S&P 500, sau chuỗi phiên đóng cửa ở mức cao kỷ lục, đã tạm ngừng leo dốc khi Tổng thống Trump tái khởi động chiến dịch áp thuế, lần này nhắm trực tiếp vào hàng hóa từ Canada với mức thuế 35%, đồng thời đe dọa áp thêm 20% lên nhiều đối tác khác. Cảm nhận được bước ngoặt trong xu hướng, các nhà giao dịch bắt đầu rút bớt động năng.

Giống như một bộ máy vận hành trơn tru đột ngột gặp trục trặc, thị trường chứng khoán trở nên chao đảo trong khi lợi suất trái phiếu tăng mạnh đặc biệt ở các kỳ hạn dài, khi nhà đầu tư bắt đầu định giá lại nguy cơ lạm phát từ vòng thuế quan mới. Thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ cũng có phản ứng dù vốn thường là thị trường ít biến động nhất, với lợi suất bật tăng phản ánh lo ngại rằng lạm phát kéo dài đang âm thầm trở lại, len lỏi qua những kẽ hở trong câu chuyện hạ nhiệt giá cả vốn đang rệu rã.

Trong một diễn biến khác, USD trở lại tâm điểm với đà tăng nhẹ được thúc đẩy bởi cả dòng tiền trú ẩn và lợi suất hấp dẫn. Đà phục hồi của USD đã kéo theo chuỗi suy yếu kéo dài của đồng Bảng Anh, vốn đang chịu áp lực từ sự đình trệ tăng trưởng tại Anh. Đồng thời, CÂD sụt giảm khi phải đối mặt trực tiếp với các mối đe dọa từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Trên thị trường cổ phiếu, tâm lý chung là mỏi mệt. Gần 400 mã trong chỉ số S&P chìm trong sắc đỏ, dù các cổ phiếu công nghệ lớn tiếp tục là điểm tựa giúp hạn chế đà giảm. Nvidia, với vị thế dẫn đầu nhóm vốn hóa lớn, vẫn giữ vững đà tăng khi nhu cầu về công nghệ AI chưa hề hạ nhiệt.

Tuy nhiên, dấu hiệu chững lại đang hiện rõ. Các nhà đầu tư hưng phấn đang tạm dừng lấy hơi sau một chuỗi tăng dựng đứng, chờ đợi mùa báo cáo kết quả kinh doanh vào tuần tới, dẫn đầu bởi sáu ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, để đánh giá sức khỏe thực sự của thị trường. Dù kỳ vọng vào doanh thu quý 2 là khá lạc quan, giới phân tích thừa nhận rằng nhiều ngành có thể sẽ chịu tác động từ sự không chắc chắn liên quan đến thuế quan, làm chậm tiến độ đầu tư và bào mòn biên lợi nhuận.

Biến động thị trường, kỳ lạ thay, gần như vắng bóng. Chỉ số VIX giảm xuống dưới 16, trong khi khối lượng giao dịch vào các phiên giảm giá vẫn thấp, dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư không thực sự bán ra vì hoảng loạn, hoặc có thể vì họ đang quá tự tin. Tuy nhiên, thị trường đã tăng quá nhanh, quá mạnh; lịch sử cho thấy những đợt tăng kiểu parabol như vậy thường chững lại trước khi tiếp tục đi lên.

Chiến lược gia tại Phố Wall đang dần rũ bỏ tâm trạng ảm đạm hồi tháng Tư, khi mục tiêu giá bắt đầu được điều chỉnh tăng, dù còn dè dặt. Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn bao trùm. Một số nhà đầu tư bi quan cảnh báo rằng kỳ vọng lợi nhuận đang bị đẩy lên quá cao trong khi bức tranh kinh tế vĩ mô còn nhiều rủi ro chéo đến từ hiệu ứng thuế quan. Nếu mùa lợi nhuận sắp tới không đủ mạnh để biện minh cho định giá cao ngất, thị trường có thể bước vào giai đoạn "nghiền", nơi lợi nhuận khó kiếm và rủi ro mất mát lại tăng.

Trong thế giới trái phiếu, tình hình cũng không đơn giản hơn. Chỉ số MOVE, đo lường kỳ vọng biến động lợi suất, giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2022. Các phiên đấu giá trái phiếu 10 và 30 năm diễn ra mạnh mẽ, cho thấy cầu vẫn ổn định ngay cả khi tranh luận về lạm phát đang nóng dần. Dù vậy, Cục Dự trữ Liên bang vẫn giữ thế trung lập, dõi theo chỉ số CPI như một kim chỉ nam. Báo cáo lạm phát vào thứ Ba tới được xem là cực kỳ quan trọng, bởi nhiều khả năng các tác động ban đầu của thuế quan sẽ bắt đầu thấm vào dữ liệu; và vì vậy, lợi suất cũng như Đô la đang được điều chỉnh trước thềm mùa hè.

Hiện tại, thị trường giống như một du thuyền sang trọng di chuyển trên vùng nước gợn sóng. Cánh buồm vẫn căng gió, nhưng thủy thủ đoàn hiểu rằng một cơn bão có thể nổi lên bất kỳ lúc nào. Những nhà đầu tư lạc quan vẫn đang cầm lái, nhưng các nhà đầu tư bi quan chưa rút lui, họ lặng lẽ theo dõi từ các thuyền cứu sinh, chờ đợi thời cơ khi gió đổi chiều.

Mọi ánh mắt đổ về dữ liệu CPI

Cả thị trường đang giữ nhịp thở chờ báo cáo CPI vào thứ Ba, dữ liệu này là một bước ngoặt quan trọng trên con đường đầy rẫy bất trắc của lộ trình chính sách tiền tệ: từ hy vọng cắt giảm lãi suất vào mùa thu, đến những ngờ vực khi lạm phát có dấu hiệu bám trụ. Sự kiên nhẫn của Fed cũng đang được thử thách.

Sau giai đoạn tạm lắng, Tổng thống Trump đã bất ngờ tái triển khai các biện pháp thuế quan, nhắm vào hơn 20 quốc gia, với mức thuế đỉnh lên đến 50% đối với đồng, dự kiến có hiệu lực từ 1/8. Nếu áp dụng toàn diện, chính sách này sẽ đưa mức thuế trung bình của Mỹ lên khoảng 18%, mức cao nhất kể từ đạo luật Smoot-Hawley năm 1934, một môi trường hoàn toàn không thuận lợi cho chính sách nới lỏng tiền tệ.

Lạm phát hàng hóa đến nay vẫn chưa bùng phát, nhưng sự yên ả này có thể chỉ là nhất thời. Hiệu ứng từ thuế quan thường xuất hiện chậm, bị làm mờ bởi dự trữ hàng tồn, hợp đồng dài hạn và chiến lược phòng ngừa. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hóa và sản xuất, đã hấp thụ chi phí để duy trì thị phần. Tuy nhiên, nếu thuế quan kéo dài, lớp đệm này sẽ mỏng dần.

Fed đang trong thế quan sát và diễn giải, chưa rõ có bao nhiêu cú sốc đã được tính vào giá, và bao nhiêu còn ẩn trong chuỗi cung ứng. Biên bản họp FOMC tháng Sáu cho thấy triển vọng lạc quan hơn với tăng trưởng và lạm phát, cùng với rủi ro suy thoái giảm dần. Kỳ vọng lạm phát trên thị trường tăng nhẹ nhưng vẫn ổn định, hù hợp với khảo sát mới nhất của Fed New York, cho thấy kỳ vọng lạm phát một năm đã giảm tháng thứ hai liên tiếp.

Nhưng bên dưới lớp bình ổn này là nỗi lo âm ỉ. Dữ liệu của Fed New York cho thấy lạm phát kéo dài ở các danh mục thiết yếu như y tế, giáo dục, thuê nhà, thực phẩm và năng lượng, đều đang quay về mức đỉnh trong đại dịch, gợi mở nguy cơ lạm phát cấu trúc khó xóa bỏ.

Vì vậy, CPI tháng Sáu không còn là một cột mốc thường lệ. Giá dầu đã tăng hơn 10% trong tháng, trong khi giá xăng vẫn ổn định, làm mất đi một động lực chính hỗ trợ Fed. Đồng thời, lạm phát dịch vụ, trọng tâm của Fed, cho thấy dấu hiệu bám trụ. Các chỉ số giá trong khảo sát ISM cũng cho thấy xu hướng giá đầu vào vẫn cao, làm con đường hạ nhiệt thêm chật hẹp.

Theo ước tính tổng hợp từ các nhà kinh tế, CPI tháng 6 dự kiến tăng 0.29% so với tháng trước, với lõi tăng 0.26%, cao hơn rõ rệt so với mức 0.08% và 0.13% của tháng 5. So với cùng kỳ năm trước, CPI tổng thể sẽ đạt 2.6%, lõi đạt 2.9%.

Nếu con số công bố vượt kỳ vọng, đặc biệt là ở nhóm hàng hóa hoặc thuê nhà, Fed có thể buộc phải điều chỉnh lại kỳ vọng lộ trình. Hiện hợp đồng tương lai quỹ liên bang đang định giá 70% khả năng giảm lãi suất vào tháng 9, nhưng xác suất này đang mong manh. CPI nóng hơn có thể không chỉ trì hoãn chu kỳ cắt giảm mà còn đẩy lợi suất dài hạn lên cao hơn khi kỳ vọng lạm phát bị định giá lại.

Hiện tại, thị trường vẫn hy vọng Fed sẽ bỏ qua những tín hiệu nhiễu ngắn hạn và duy trì quỹ đạo. Nhưng nguy cơ đang gia tăng rằng lạm phát, tưởng chừng đã bị kiểm soát, vẫn còn vài lá bài chưa lật. Thứ Ba sẽ là lúc ngã ngũ.

Cắt giảm thuế quan trên bàn đàm phán thương mại Mỹ - Ấn Độ

Vũ điệu thương mại Trump–Modi đang dần định hình khi Washington chuyển sang cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Ấn Độ trong chiến dịch áp thuế toàn cầu. Tuy nhiều nước châu Á như Việt Nam, Philippines, Lào và Myanmar đã chịu mức thuế từ 20–40%, Ấn Độ dường như đang đi theo một con đường ngoại giao khéo léo hơn, hướng tới thỏa thuận thuế quan dưới 20%, tránh được cú đánh kinh tế mạnh như các đồng minh khác.

Đây không chỉ đơn thuần là một cuộc đàm phán thương mại, mà còn là bước đánh giá chiến lược địa chính trị. Ấn Độ từ lâu đã được xem là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và giờ đây New Delhi đang tận dụng cơ hội từ sự hỗn loạn thương mại, không bị nhận được “thư thuế quan” đe dọa tức thì như nhiều nước, họ đang theo đuổi một giải pháp mang tính thỏa hiệp: một tuyên bố chung thận trọng, thay vì một hành động đối đầu rõ rệt

Tín hiệu ngầm trong chính sách là: Ấn Độ muốn vượt lên các đối tác BRICS, tránh hiểm họa thuế quan và định vị mình là một đối tác ưu tiên của Mỹ tại khu vực Ấn Độ–Thái Bình Dương. Mặc dù Trump từng chỉ trích “vai trò BRICS”, các mối đe dọa đó hiện dường như mang tính khẩu hiệu hơn là hành động thực tế .

Về mặt thương mại sâu rộng, phía Ấn Độ đang theo đuổi chiến lược “giảm thuế” theo từng bước: mục tiêu đạt mức dưới 20% (từ mức 26% ban đầu), sử dụng thời gian đàm phán để phản đối các yêu cầu nhạy cảm như GMO hay quy định về dược phẩm. Washington, trong khi đó, chưa đòi hỏi gấp và dường như hài lòng với việc giữ Ấn Độ ở trạng thái trung lập, ít nhất trong giai đoạn hiện tại

Nếu thỏa thuận được ký, Ấn Độ sẽ trở thành một trong số ít quốc gia, cùng với Anh và Việt Nam, đạt được hiệp định thương mại dưới thời Trump, đây là tín hiệu rõ ràng cho các nhà đầu tư rằng trong thời đại phân cực, Ấn Độ đang lọt vào “vùng được ưu tiên” của chiến lược toàn cầu Trung Quốc+1.

Tuy nhiên, đây vẫn là một canh bạc. Thuế quan vừa là công cụ đàm phán vừa là vũ khí thông tin. Dù phản ứng thị trường vẫn còn kiểm soát, hệ quả cho chuỗi cung ứng và dòng vốn có thể rất lớn: nếu Ấn Độ thành công, một đợt dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Ấn Độ có thể xảy ra. Ngược lại, nếu Trump đảo chiều hoặc đàm phán đổ vỡ phút cuối, Ấn Độ có thể rơi vào vòng xoáy tăng thuế nghị trường .

Hiện tại, tình hình vẫn tích cực. Một tuần đầy biến động kinh tế, nhưng Ấn Độ đang khéo léo né tránh những cú sốc mạnh nhờ ngoại giao khôn ngoan, kinh tế linh hoạt và bảo vệ lằn ranh đỏ trong các lĩnh vực nhạy cảm.

Rủi ro bầu cử đè nặng lên JPY khi căng thẳng thuế quan leo thang

JPY đang tiến vào cuối tuần như một võ sĩ mệt mỏi, bầm dập, không phản ứng, và rõ ràng vắng mặt khỏi vai trò tài sản an toàn quen thuộc. JPY ghi nhận hiệu suất tệ nhất trong nhóm G10 trên cả khung tuần và tháng. Các dấu hiệu cho thấy đây không chỉ là câu chuyện về lợi suất hay do USD đang tái định vị,nó ngày càng mang tính chất chính trị.

Sự tăng vọt ban đầu của USD/JPY sau báo cáo việc làm ngày 3 tháng 7 là dễ hiểu, dù có phần phóng đại. Thị trường đã chuẩn bị cho một con số yếu, và mặc dù dữ liệu không quá nổi bật, đà tăng nhẹ bất ngờ đã giúp định giá lại lợi suất và thúc đẩy sức mạnh của USd. Nhưng động cơ thực sự đến vào thứ Hai, khi Nhật Bản nhận được một trong những lá thư thuế quan chính thức đầu tiên từ Washington: một mức thuế chung 25% rõ ràng cho tất cả hàng hóa chưa được bao phủ bởi các mức thuế đặc thù theo ngành, ô tô là một mục bao gồm rõ ràng.

Từ đó, những rắc rối của JPY càng sâu sắc. Các nhà giao dịch mua bắt đáy JPY nhanh chóng chịu sụt giá khi dòng tiền chuyển dịch, không phải trong hoảng loạn, mà trong sự cam chịu. Việc tháo gỡ vị thế mua Yên theo thời gian thực đang được thúc đẩy bởi rủi ro chính trị nội địa cũng nhiều như bởi áp lực thương mại bên ngoài.

Chiến lược của chính phủ Ishiba, kiên quyết đòi miễn trừ ô tô trước khi đồng ý với các điều khoản bao quát hơn, là táo bạo, có lẽ quá táo bạo. Tokyo muốn điều mà Vương quốc Anh đã có: giới hạn 10% và miễn trừ ngành. Nhưng họ đang chơi rắn với một chính quyền Mỹ không thường chớp mắt và có ít động lực để linh hoạt khi các đối tác khác đã chấp nhận thỏa thuận với các điều khoản bất lợi hơn. Sự mạo hiểm đó đang đẩy thêm bất ổn vào thị trường tiền tệ vốn đã định giá vị thế phòng thủ trước CPI tuần tới của Mỹ.

Điều đã thay đổi là lịch chính trị đột nhiên trở thành vấn đề. Cuộc bầu cử Thượng viện ngày 20 tháng 7, thường chỉ là tiếng ồn nền đối với thị trường toàn cầu, giờ đây trở thành tâm điểm. Chính phủ Ishiba đang treo lơ lửng tại Hạ viện, và các con số ở Thượng viện không truyền cảm hứng tự tin. Với chỉ 50 ghế cạnh tranh cần thiết để giữ đa số và dự báo cho thấy liên minh cầm quyền chỉ thiếu một chút để đạt được điều đó, nguy cơ sụp đổ chính phủ, hoặc ít nhất là một sự từ chức ép buộc, đang hiện hữu.

Các cuộc thăm dò bầu cử chỉ ra sự suy giảm sự thống trị của LDP tại các khu vực một ghế nơi họ vốn mạnh về mặt lịch sử. Một kết quả dưới 50 có thể không chỉ làm bất ổn chính quyền mà còn làm nghi ngờ khả năng của Nhật Bản trong việc nhanh chóng đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Sự bất ổn đó, kết hợp với kỳ vọng suy giảm về việc thắt chặt chính sách mạnh mẽ của BoJ, đang dẫn đến một sự hiệu chỉnh rủi ro JPY.

Đối với nhà giao dịch FX, chiến lược hiện tại nên là: giữ các vị thế phòng thủ USD/JPY, vì rủi ro-biến-thưởng đang nghiêng về phía JPY mất giá thêm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong trung hạn, nếu LDP giữ được đa số và đàm phán thương mại Mỹ–Nhật đạt tiến triển, Yên hoàn toàn có thể phục hồi trở lại vai trò an toàn — nhưng trong bối cảnh đầy “ổ gà”, không phải một chuyến đi thẳng.

Hãy theo dõi sát cuộc bầu cử Thượng viện ngày 20/7: đây chính là chất xúc tác chính đáng kể, thậm chí hơn cả những phát ngôn mới của Powell tuần tới.

Cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào ngày 20 tháng 7 tới đây đang trở thành một bước ngoặt quan trọng không chỉ đối với chính quyền của Thủ tướng Shigeru Ishiba mà còn đối với đồng Yên Nhật (JPY). Nếu liên minh cầm quyền thất bại trong việc duy trì đa số tại Thượng viện, cả hai viện của Quốc hội Nhật Bản sẽ rơi vào tình trạng bất ổn chính trị, dẫn đến sự suy yếu đáng kể của chính quyền hiện tại. Mặc dù không có quy định chính thức yêu cầu Thủ tướng từ chức, nhưng trong thực tế, sự thay đổi chính trị thường dẫn đến việc chuyển giao quyền lực. Một Thủ tướng thiếu sự ủng hộ mạnh mẽ từ Quốc hội sẽ khó có thể thực hiện các chính sách hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ đang ở giai đoạn nhạy cảm.

Trong trường hợp Thủ tướng Ishiba từ chức, bà Sanae Takaichi, Bộ trưởng Bộ An ninh Kinh tế và là người thừa kế tư tưởng của cố Thủ tướng Shinzo Abe, có thể trở thành ứng cử viên sáng giá kế nhiệm. Bà Takaichi được biết đến với quan điểm ủng hộ chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ và cam kết duy trì chính sách Abenomics. Nếu bà lên nắm quyền, thị trường có thể dự đoán rằng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được nới lỏng, điều này có thể gây thêm áp lực giảm giá đối với đồng Yên Nhật.

Tình hình chính trị bất ổn đã phản ánh rõ rệt trong diễn biến của đồng Yên. Thị trường không chỉ phản ứng với các quyết định về thuế quan hay thiếu vắng đột phá trong đàm phán thương mại Mỹ-Nhật, mà còn đang chuẩn bị cho khả năng chính sách tài chính và đối ngoại của Nhật Bản có thể bị xáo trộn nghiêm trọng. Điều này đặc biệt quan trọng khi các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ đang bước vào giai đoạn quyết định.

Thêm vào đó, thời gian để đạt được thỏa thuận thương mại đang dần cạn kiệt. Với việc các nhà đàm phán thương mại chủ chốt của Mỹ như Scott Bessent và Howard Lutnick dự kiến có mặt tại Osaka vào tuần tới cho các sự kiện liên quan đến Triển lãm Thế giới, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy tiến triển trong việc giải quyết vấn đề thuế quan. Nhật Bản có thể sẽ hành động thận trọng trong các cuộc đàm phán, đặc biệt là khi cuộc bầu cử Thượng viện đang đến gần. Nếu chính quyền Ishiba từ chức hoặc bị buộc phải hình thành một liên minh rộng rãi và không ổn định, quá trình đàm phán thương mại sẽ càng trở nên khó khăn hơn, và đồng Yên có thể phải đối mặt với thêm áp lực giảm giá.

Đối với các nhà giao dịch, con đường phía trước đầy rủi ro và không chắc chắn. Nếu liên minh cầm quyền LDP–New Komeito duy trì được đa số, có thể sẽ có một sự điều chỉnh trong tỷ giá USD/JPY khi tình hình chính trị ổn định và hy vọng vào một thỏa thuận thương mại được hồi sinh. Tuy nhiên, nếu liên minh mất đa số và bà Takaichi lên nắm quyền, đó có thể là dấu hiệu cho sự yếu kém mới của đồng Yên.

Thị trường đang phản ánh rằng cuộc bầu cử Thượng viện này không chỉ là một sự kiện chính trị thông thường, mà là một yếu tố quyết định đối với tương lai của đồng Yên Nhật. Do đó, các nhà giao dịch cần theo dõi chặt chẽ diễn biến chính trị tại Nhật Bản, vì nó có thể tác động mạnh mẽ đến tỷ giá USD/JPY trong thời gian tới.

Biểu đồ tuần này: Rủi ro thực thi?

Thị trường dầu mỏ hiện đang đối mặt với một mối đe dọa địa chính trị mới sau khi có thông tin cho rằng Tổng thống Trump đang xem xét áp đặt mức thuế 500% đối với dầu thô Nga. Nếu được thực thi, biện pháp này sẽ tương đương với một lệnh cấm toàn cầu đối với dầu Nga, gây ra những tác động sâu rộng đến thị trường năng lượng toàn cầu. Theo báo cáo từ The Times, Tổng thống Trump đang "nghiên cứu kỹ lưỡng" một dự luật nhằm áp đặt mức thuế này đối với các quốc gia tiếp tục mua dầu Nga, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đây, Tổng thống Trump từng cho rằng mức thuế này là "quá mạnh", nhưng hiện nay ông đang xem xét lại quyết định của mình. Sự thay đổi này phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của ông đối với hành động của Tổng thống Putin và các cuộc tấn công vào dân thường ở Ukraine. Mặc dù mức thuế đề xuất vẫn đang trong giai đoạn thảo luận, nhưng chỉ việc cân nhắc thôi đã làm thay đổi tính toán rủi ro trên thị trường dầu mỏ. Đây không chỉ là một chương mới trong chính sách trừng phạt, mà còn là một thách thức trực tiếp đối với cấu trúc dòng chảy năng lượng toàn cầu.

Mức thuế 500% trên thực tế chính là một lệnh cấm toàn diện. Trong khi Nhà Trắng có vẻ muốn giữ sự linh hoạt trong việc triển khai, khẩu vị của quốc hội đối với các biện pháp trừng phạt đang tăng, làm tăng xác suất rằng ngay cả việc thực thi một phần cũng có thể trở thành luật. Điều này tạo ra rủi ro lớn cho thị trường dầu thô, vốn cho đến nay đã phải theo dõi dư cung vật chất và cả nhu cầu suy yếu.

Hiện nay, thị trường đang mở rộng phạm vi rủi ro sang khả năng thực thi các biện pháp trừng phạt này. Nếu được thông qua, các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với mức thuế cao ngất ngưởng khi xuất khẩu dầu sang Mỹ, điều này có thể dẫn đến sự gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và làm tăng giá năng lượng trên toàn thế giới.

Như vậy, thị trường dầu mỏ hiện đang đối mặt với một tình huống chưa từng có, nơi mà các quyết định chính trị có thể tác động trực tiếp đến cấu trúc và dòng chảy của năng lượng toàn cầu. Các nhà đầu tư và các quốc gia liên quan cần theo dõi chặt chẽ diễn biến này, vì nó có thể định hình lại bản đồ năng lượng thế giới trong thời gian tới.

fxstreet

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Thuế quan, công nghệ bứt phá và thị trường đặt cược vào sự rút lui, không phải sụp đổ

Thuế quan, công nghệ bứt phá và thị trường đặt cược vào sự rút lui, không phải sụp đổ

Thị trường tài chính tiếp tục bứt phá, bất chấp những cơn gió ngược từ chính trị, với động lực chính đến từ nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu. Nvidia là “viên ngọc sáng” trong làn sóng AI, vừa vượt mốc vốn hóa 4 nghìn tỷ USD, đẩy giá cổ phiếu bay cao, vượt lên trên những mối lo về căng thẳng thương mại và các phát biểu cứng rắn từ Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, các biện pháp thuế quan mới từ Trump, từ đồng đến dược phẩm, thậm chí cả Brazil, vẫn tiếp tục được triển khai, nhưng dường như không để lại tác động rõ ràng đến thị trường.
Ngành ô tô Trung Quốc chịu áp lực kép: Dư cung, chiến tranh giá và căng thẳng tài chính

Ngành ô tô Trung Quốc chịu áp lực kép: Dư cung, chiến tranh giá và căng thẳng tài chính

Ngành ô tô Trung Quốc đang chịu sức ép lớn từ dư thừa công suất và cuộc chiến giá kéo dài, làm xói mòn biên lợi nhuận và kéo dài chu kỳ thanh toán cho nhà cung cấp. Dữ liệu từ 33 nhà sản xuất cho thấy các chỉ số tài chính chủ chốt đều suy giảm từ năm 2019 đến 2024. Trong khi một số công ty như BYD cải thiện được lợi nhuận, phần lớn doanh nghiệp trong ngành đối mặt với nợ tăng, tồn kho cao và áp lực thanh khoản. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết kiểm soát cuộc đua giảm giá và thúc đẩy tái cấu trúc ngành một cách có trật tự.
Chứng khoán châu Á tăng nhẹ nhờ Nvidia và kỳ vọng Fed hạ lãi suất, thị trường phớt lờ chính sách thuế quan mới của Trump

Chứng khoán châu Á tăng nhẹ nhờ Nvidia và kỳ vọng Fed hạ lãi suất, thị trường phớt lờ chính sách thuế quan mới của Trump

Cổ phiếu châu Á tăng vào thứ Năm nhờ động lực từ Nvidia chạm mốc vốn hóa 4 nghìn tỷ USD và kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Trong khi đó, thị trường phản ứng thờ ơ với các mức thuế mới từ Tổng thống Trump, bao gồm thuế 50% đối với đồng và hàng xuất khẩu từ Brazil. Đồng USD suy yếu, giá dầu giảm nhẹ, còn Bitcoin tiếp tục dao động gần mức đỉnh lịch sử.
Thị trường chứng khoán vẫn "xanh" bất chấp sức ép từ thuế quan, NVIDIA vượt mốc 4.000 tỷ USD

Thị trường chứng khoán vẫn "xanh" bất chấp sức ép từ thuế quan, NVIDIA vượt mốc 4.000 tỷ USD

Trọng tâm của thị trường vẫn đặt vào triển vọng tăng trưởng, khi các ông lớn công nghệ tiếp tục kéo thị trường chứng khoán vượt qua làn khói mờ của bất ổn thương mại. Việc Nvidia bứt phá vượt ngưỡng vốn hóa 4,000 tỷ USD đã tiếp thêm sinh lực cho phe mua, ngay cả khi những tuyên bố cứng rắn mới nhất về thuế quan từ Tổng thống Trump đang đe dọa làm chao đảo tâm lý nhà đầu tư. Tựa như con tàu chủ lực dẫn đầu đoàn hạm, Nvidia tiến thẳng qua sóng gió đầu năm với cánh buồm căng gió—không phải nhờ cường điệu, mà nhờ nhu cầu thực sự, đơn hàng đã được khóa chặt và lực kéo không ngừng từ các khoản đầu tư vào hạ tầng AI.
OPEC+ bỏ dao mổ, cầm đinh ba: Trận chiến thị phần bắt đầu

OPEC+ bỏ dao mổ, cầm đinh ba: Trận chiến thị phần bắt đầu

Thị trường dầu mỏ vật chất đang biến thành một chiến trường khốc liệt, nơi kỷ luật cung cấp bị thay thế bởi cuộc đấu tranh giành thị phần không khoan nhượng. OPEC+ đã bỏ “dao mổ”—công cụ quản lý giá nhẹ nhàng—để cầm “đinh ba”, đâm thẳng vào thị phần bằng sức mạnh cung ứng. Đợt tăng sản lượng gần 550,000 thùng/ngày cho tháng 8 không chỉ đơn thuần là một điều chỉnh—mà là một tuyên bố chiến lược. Nhóm này được dự đoán sẽ đảo ngược toàn bộ mức cắt giảm 2.2 triệu thùng/ngày vào tháng 9, sớm hơn gần một năm so với kế hoạch ban đầu.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ