Tin tức chỉ số Hang Seng: Bắc Kinh cam kết có các biện pháp kích thích có đủ sức kéo chỉ số vượt mốc 24,500?

Diệu Linh
Junior Editor
Cam kết hỗ trợ kinh tế của Bắc Kinh đã thúc đẩy chỉ số Hang Seng, với kỳ vọng tăng vượt kháng cự tại 24,500. Cổ phiếu công nghệ và xe điện tăng mạnh nhờ kỳ vọng kích thích; Alibaba và Tencent tăng lần lượt 1.94% và 1.09%. Thị trường đang chờ đợi dữ liệu thương mại quan trọng, định hướng từ Fed và cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc để xác định xu hướng kế tiếp của Hang Seng.

Chỉ số Hang Seng tăng nhờ kỳ vọng kích thích từ Bắc Kinh và dữ liệu tích cực từ Mỹ
Tâm lý thị trường được cải thiện vào thứ Tư, ngày 9/7, sau khi Bắc Kinh cam kết tăng cường các biện pháp hỗ trợ kinh tế trong bối cảnh thị trường lao động suy yếu và áp lực giảm phát gia tăng. Cam kết này được đưa ra ngay trước thềm cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc – một sự kiện được giới đầu tư chờ đợi. Trong khi đó, nhà đầu tư phần lớn phớt lờ các động thái thuế quan mới nhất từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dữ liệu lao động Mỹ khả quan cùng với triển vọng tích cực từ các hãng hàng không cũng giúp xoa dịu nỗi lo suy thoái tại Mỹ.
Vào thứ Sáu, ngày 11/7, chỉ số Hang Seng tiếp tục đà phục hồi trong phiên giao dịch đầu ngày, dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu xe điện và công nghệ.
Những yếu tố then chốt như dữ liệu thương mại sắp công bố, thông tin về thuế quan và định hướng chính sách tiền tệ sẽ đóng vai trò quyết định liệu Hang Seng sẽ kiểm tra lại vùng hỗ trợ 24,000 hay bứt phá qua kháng cự 24,500.
Chỉ số Hang Seng tăng nhờ kỳ vọng kích thích kinh tế
Thị trường chứng khoán Mỹ nối dài đà tăng vào ngày 10/7 khi lo ngại suy thoái dần lắng dịu, còn nhà đầu tư gia tăng đặt cược vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Chỉ số Dow Jones tăng 0.43%. Trong khi đó, Hang Seng bật tăng 1,31% lên 24,343 điểm trong phiên sáng thứ Sáu (11/7).
Thị trường Trung Quốc đại lục cũng tiếp nối đà tăng từ phiên trước, với chỉ số CSI 300 và Shanghai Composite lần lượt tăng 0.30% và 0.21%.
Cổ phiếu xe điện và công nghệ bứt phá nhờ kỳ vọng kích thích
Kỳ vọng về các gói kích thích mới đã thúc đẩy nhu cầu đối với nhóm cổ phiếu công nghệ và xe điện. Nếu các biện pháp này tập trung vào thị trường lao động và tiêu dùng nội địa, chúng có thể bù đắp phần nào tác động tiêu cực từ thuế quan đối với xuất khẩu. Qua đó, giảm bớt lo ngại về chiến tranh giá và biên lợi nhuận.
Hai ông lớn công nghệ Alibaba (mã 09988) và Tencent (00700) lần lượt tăng 1,94% và 1,09%, góp phần đưa chỉ số Hang Seng TECH tăng 1,30%.
Cổ phiếu xe điện như BYD (01211) và Li Auto (02015) tăng nhẹ lần lượt 0.08% và 0.65%.
Bắc Kinh cam kết kích thích nhằm ổn định thị trường lao động
Ngày 9/7, Bắc Kinh công bố kế hoạch hỗ trợ thị trường lao động nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, sau khi công bố chỉ số PMI khu vực tư nhân và dữ liệu lạm phát tháng 6. Các khảo sát PMI cho thấy tình trạng giảm việc làm vẫn tiếp diễn do nhu cầu xuất khẩu suy yếu, khiến cạnh tranh trong nước gia tăng và gây áp lực lên biên lợi nhuận.
Đáng chú ý, tuyên bố trên được đưa ra ngay trước cuộc họp Bộ Chính trị sắp tới, thời điểm có thể sẽ chứng kiến thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế được triển khai.
Lo ngại suy thoái tại Mỹ giảm bớt nhờ dữ liệu việc làm và triển vọng từ ngành hàng không
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu tại Mỹ giảm từ 232.000 (kết thúc tuần ngày 28/6) xuống còn 227.000 (tuần kết thúc ngày 5/7), phản ánh sức khỏe vững vàng của thị trường lao động Mỹ. Một thị trường lao động ổn định có thể củng cố niềm tin tiêu dùng, đóng góp hơn 60% vào GDP Mỹ.
Ngoài ra, hãng hàng không Delta Airlines đưa ra dự báo lợi nhuận quý III và cả năm vượt kỳ vọng Phố Wall. Giới kinh tế xem kết quả kinh doanh ngành hàng không như thước đo tình hình kinh tế Mỹ, nên dự báo tích cực này góp phần củng cố tâm lý thị trường.
Phân tích kỹ thuật: Kiểm tra kháng cự 24,500 hay quay đầu về hỗ trợ 24,000?
Ngày 11/7, chỉ số Hang Seng giao dịch trên vùng tích lũy tháng 7 và đường trung bình động hàm mũ 50 ngày (EMA), cho thấy động lực tăng vẫn chiếm ưu thế.
Việc Mỹ gỡ bỏ thuế quan hoặc Bắc Kinh công bố thêm kích thích mới có thể đưa chỉ số này trở lại đỉnh ngày 25/6 ở mức 24,533. Nếu đà mua được duy trì, mục tiêu tiếp theo sẽ là mốc cao nhất tháng 3 ở 24,874. Ngược lại, nếu chỉ số giảm dưới 24,000, vùng EMA 50 ngày và mốc 23,500 sẽ là các hỗ trợ tiếp theo.
Triển vọng kỹ thuật chỉ số Hang Seng
- Kháng cự: 24,533 và 24,874
- Hỗ trợ: 24,000, EMA 50 ngày tại 23,613 và mốc 23,500
- Xu hướng ngắn hạn: Tích cực, nhưng phụ thuộc vào dữ liệu thương mại Trung Quốc, chính sách của Fed và động thái từ Bắc Kinh
Nhận định chỉ số Hang Seng: Vượt 24,500 hay quay về 24,000?
Chỉ số Hang Seng hiện giao dịch trên vùng tích lũy và EMA 50 ngày, nhờ kỳ vọng kích thích từ Bắc Kinh và bớt lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ.
Việc Bắc Kinh ưu tiên ổn định thị trường lao động có thể cải thiện tâm lý tiêu dùng và thúc đẩy nhu cầu nội địa. Nếu tiêu dùng cá nhân tăng trở lại, điều này có thể bù đắp ảnh hưởng từ thuế quan của Mỹ và đẩy Hang Seng hướng đến mốc 25,000.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại leo thang và nhu cầu xuất khẩu tiếp tục yếu có thể làm xói mòn lợi nhuận doanh nghiệp Trung Quốc, làm suy yếu hiệu quả các biện pháp ổn định của chính phủ. Nếu cạnh tranh giá ngày càng khốc liệt và tiêu dùng trong nước yếu đi, chỉ số Hang Seng có thể quay đầu giảm dưới 24,000, kiểm tra lại EMA 50 ngày và vùng hỗ trợ 23,500.
fxempire