Tin tức chỉ số DAX: DAX lập đỉnh lịch sử nhờ kỳ vọng Fed và triển vọng thỏa thuận thương mại Mỹ–EU

Diệu Linh
Junior Editor
DAX tăng 0.36% lên mức kỷ lục, được hỗ trợ bởi kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất và tâm lý tích cực quanh thỏa thuận thương mại Mỹ–EU. EU và Mỹ có thể hoàn tất một thỏa thuận khung trước thời hạn 1/8 của Tổng thống Trump, góp phần cải thiện tâm lý thị trường. Biên bản họp Fed cho thấy khả năng cắt giảm lãi suất trong quý 3, nâng xác suất cắt giảm trong tháng 9 lên 73% từ mức 64.6%.

DAX hướng tới chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp nhờ kỳ vọng chính sách và tin tức thương mại
Tâm lý tích cực tiếp tục lan tỏa trong phiên sáng thứ Năm khi chỉ số DAX tăng 0.36%, đạt 24,638 điểm – mức cao kỷ lục mới, nhờ được hỗ trợ bởi triển vọng cắt giảm lãi suất từ Fed và kỳ vọng đột phá trong đàm phán thương mại Mỹ–EU. DAX hiện đang trên đà hoàn tất chuỗi tăng bốn phiên liên tiếp.
Theo các nguồn tin khu vực, Liên minh châu Âu (EU) có thể đạt được một thỏa thuận thương mại khung với Mỹ trong những ngày tới – sớm hơn thời hạn 1/8 được Tổng thống Trump đặt ra. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết:
“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền Mỹ để hướng tới một thỏa thuận. Ưu tiên hiện tại là xây dựng một khuôn khổ rõ ràng cho hợp tác tiếp theo.”
Nếu đàm phán thất bại, chính quyền Mỹ có thể áp thuế 20% lên hàng hóa nhập khẩu từ EU, và thậm chí nâng lên 50% tùy vào diễn biến.
Hiệu suất ngành: Cổ phiếu ô tô dẫn dắt đà tăng
Tâm lý lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại đã thúc đẩy dòng tiền vào cổ phiếu ô tô. Mercedes-Benz mở cửa tăng 1,08%, kéo theo đà tăng của BMW, Porsche và Volkswagen.
Cổ phiếu công nghệ cũng ghi nhận diễn biến tích cực, với Infineon Technologies tăng 0.47% và SAP tăng 1%.
Lạm phát Đức và chính sách ECB là tâm điểm chú ý
Thị trường đang chờ đợi số liệu lạm phát cuối cùng của Đức, dự kiến công bố trong ngày. Theo dữ liệu sơ bộ, lạm phát hàng năm của Đức trong tháng 6 giảm còn 2%, so với mức 2,1% của tháng 5.
Nếu dữ liệu điều chỉnh giảm, kỳ vọng về khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nới lỏng chính sách có thể tăng lên – qua đó hỗ trợ thị trường cổ phiếu, đặc biệt là nhóm niêm yết trên DAX. Ngược lại, số liệu cao hơn kỳ vọng có thể khiến ECB giữ lập trường thận trọng hơn, tạo áp lực điều chỉnh cho DAX.
Dù vậy, các diễn biến liên quan đến đàm phán thương mại vẫn là yếu tố chính chi phối xu hướng chỉ số.
Phố Wall tăng điểm nhờ kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất
Thị trường Mỹ khởi sắc trong phiên ngày 9/7 sau khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với Biên bản cuộc họp FOMC tháng 6. Nasdaq Composite tăng 0.94%, trong khi Dow Jones và S&P 500 lần lượt tăng 0.49% và 0.61%.
Mối quan tâm chính của nhà đầu tư chuyển từ thương mại sang chính sách tiền tệ, khi biên bản cho thấy đa số thành viên FOMC ủng hộ việc hạ lãi suất trong thời gian tới. Đáng chú ý, Fed đánh giá tác động của các mức thuế mới đối với lạm phát là tương đối khiêm tốn và có thể chỉ là tạm thời.
Theo công cụ FedWatch của CME, xác suất Fed cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 đã tăng lên 73% (ngày 9/7), từ mức 64.6% một ngày trước đó.
Dữ liệu thất nghiệp Mỹ và định hướng của Fed là yếu tố cần theo dõi
Thị trường đang theo dõi sát sao số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ – một chỉ báo quan trọng cho lộ trình chính sách lãi suất của Fed. Dự báo cho thấy số đơn xin trợ cấp ban đầu có thể tăng từ 233,000 (tuần kết thúc ngày 28/6) lên 235,000 (tuần kết thúc ngày 5/7).
Nếu dữ liệu cao hơn kỳ vọng, kỳ vọng Fed nới lỏng chính sách có thể gia tăng – qua đó hỗ trợ tâm lý thị trường và thúc đẩy chỉ số như DAX. Ngược lại, số liệu tích cực hơn dự kiến có thể khiến nhà đầu tư điều chỉnh lại kỳ vọng cắt giảm lãi suất, gây áp lực lên các tài sản rủi ro.
Mặc dù dữ liệu kinh tế đóng vai trò quan trọng, tuyên bố từ các quan chức Fed và tiến trình đàm phán thương mại Mỹ–EU vẫn là những yếu tố then chốt.
Triển vọng ngắn hạn
Quỹ đạo ngắn hạn của DAX sẽ chịu ảnh hưởng chủ yếu từ ba yếu tố: đàm phán thương mại Mỹ–EU, dữ liệu kinh tế quan trọng và định hướng chính sách từ ngân hàng trung ương.
- Kịch bản tiêu cực: Nếu đàm phán thương mại rơi vào bế tắc, dữ liệu kinh tế vượt kỳ vọng hoặc ngân hàng trung ương phát tín hiệu "diều hâu", DAX có thể giảm về vùng hỗ trợ quanh 24,000 điểm.
- Kịch bản tích cực: Nếu đạt được thỏa thuận thương mại, dữ liệu kinh tế yếu hơn dự kiến và các ngân hàng trung ương phát tín hiệu ôn hòa, DAX có thể tiếp tục hướng lên 24,750 điểm.
Phân tích kỹ thuật chỉ số DAX
DAX tiếp tục duy trì xu hướng tăng mạnh, hiện đang giao dịch cao hơn đáng kể so với các đường trung bình động hàm mũ (EMA) 50 ngày và 200 ngày – cho thấy động lực tăng vẫn rất rõ ràng.
Một đợt bứt phá rõ ràng trên mức 24,650 có thể mở ra cơ hội chạm vùng 24,750.
Nếu áp lực mua được duy trì, chỉ số có thể hướng đến mốc tâm lý quan trọng 25,000.
Ngược lại, nếu DAX giảm xuống dưới 24,500, ngưỡng hỗ trợ tại 24,000 có thể bị thử thách. Trong trường hợp đó, EMA 50 ngày sẽ là vùng quan sát quan trọng.
Chỉ số RSI 14 ngày hiện ở mức 65,72, cho thấy dư địa tăng còn, và DAX có thể chạm vùng 24,750 trước khi tiến vào vùng quá mua (RSI > 70).

Chỉ số DAX – Biểu đồ khung ngày – 100725
Kết luận
Biến động thị trường có thể tăng lên khi nhà đầu tư phản ứng với các tin tức về thương mại, dữ liệu kinh tế và phát biểu từ ngân hàng trung ương.
Nhà giao dịch nên theo dõi chặt chẽ cả yếu tố kỹ thuật lẫn cơ bản, đồng thời tham khảo lịch kinh tế sắp tới để điều chỉnh chiến lược phù hợp.
fxempire