Tài sản nào liệu sẽ tỏa sáng trong năm 2022 sắp tới?

Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Chứng khoán, vàng, bitcoin, hàng hóa - tài sản nào sẽ tỏa sáng trong năm 2022

Việc giá hàng hóa tạo đỉnh và lợi suất TPCP Mỹ đi xuống đang phát đi tín hiệu về rủi ro giảm phát trong năm 2022 sắp tới. Mối quan tâm lớn nhất của thị trường lúc này đó là liệu thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và tài sản rủi ro nói chung có thể tiếp tục duy trì đà tăng trước áp lực thu hẹp nới lỏng của Fed. Hãy cùng chúng tôi đưa ra những dự báo cho năm 2022 thông qua 5 biểu đồ dưới đây:
1. Diễn biến cung tiền là yếu tố then chốt
Diễn biến của các loại tài sản trong năm 2022 nhiều khả năng sẽ phụ thuộc vào khả năng đảo ngược xu hướng tăng của cung tiền tại Mỹ. Liệu rằng cung tiền sẽ tiếp tục duy trì xu hướng mở rộng hay sẽ đảo chiều trong năm tới? Chúng tôi nghiêng về kịch bản đầu tiên và điều này sẽ thuận lợi cho giá vàng, đặc biệt nếu như thị trường chứng khoán bước vào xu hướng điều chỉnh.
2. Vàng vẫn đang chờ một yếu tố xúc tác để tỏa sáng
Thị trường hiện đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất trở lại trong năm tới khi lãi suất Fed fund future đã tiến tới mức 1% vào cuối năm 2022. Trong khi đó, kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008, Fed đã mất tới khoảng 7 năm để bắt đầu tăng lãi suất trở lại vào năm 2015. Lịch sử đã chỉ ra rằng yếu tố có thể ngăn cản kế hoạch này của Fed là một sự đảo chiều của thị trường chứng khoán. Biểu đồ dưới đây cho thấy chỉ số S&P 500 cách đường trung bình 60 tháng ở mức cao nhất trong 2 thập kỷ qua. Trong khi đó, giá vàng vẫn đang tích lũy trong một xu hướng tăng và chờ đợi một yếu tố kích hoạt để trở lại mức kháng cự 2,000 USD/Oz.
3. Bitcoin: Đơn giản là đi theo xu hướng
Từ việc vốn là một tài rủi ro, bitcoin đang dần tiến hóa để trở thành một dạng tài sản tích trữ kỹ thuật số trong giai đoạn hiện nay. Nhu cầu và sự chấp nhận của nó đang ngày một tăng lên và dường như vẫn còn đang ở giai đoạn sơ khai, trong khi nguồn cung lại càng thu hẹp. Câu hỏi quan trọng nhất đối với bitcoin vào cuối năm 2021 đó là liệu nó có đang tăng trưởng quá nóng hay không. Biểu đồ dưới đây cho thấy giá của bitcoin hiện vẫn đang định giá vừa phải khi so sánh với đường trung bình 50 tuần. Nên nhớ rằng giá bitcoin đã từng cao hơn khoảng 140% so với đường trung bình 53 tuần vào cuối năm 2020.
Như vậy, mối lo ngại về việc tăng quá nóng đã được giải quyết và giờ sẽ là câu hổi về việc liệu giá đang tích lũy trong xu hướng tăng hay bắt đầu cho xu hướng đảo chiều. Chúng tôi nghiêng về kịch bản đầu tiên với sự hỗ trợ tích cực từ yếu tố cung cầu. Mức giá 100,000 USD/bitcoin có thể sẽ là một mục tiêu khả dĩ.
4. Giá dầu: Sức ép đè nặng lên vai
Sự khác biệt lớn nhất giữa hàng hóa nói chung và dầu nói riêng với bitcoin đó là sự co giãn của nguồn cung, điều sẽ gây áp lực giảm lên giá dầu trong năm 2022. Trong năm 2021, giá dầu WTI đã vượt lên mức xa nhất so với đường trung bình 60 tháng kể từ đỉnh năm 2018. Đây là một tín hiệu xấu cho giá dầu. Xu hướng tăng này đang ngày một đẩy nhanh Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu dầu ròng và khuyến khích sự thay thế bởi phương tiện chạy bằng điện.
Chúng tôi thấy những yếu tố bất lợi về cung cầu đối với giá dầu trong năm 2022 và giá nhiều khả năng sẽ điều chỉnh xuống dưới mức trung bình 60 tháng, hiện đang ở mức khoảng 56 USD/thùng.
5. Hàng hóa trước rủi ro siêu chu kỳ giảm giá
Rủi ro về đảo chiều của giá hàng hóa nói chung có thể sẽ là một xu hướng lớn trong năm 2022. Biểu đồ dưới đây phác họa sớm về khả năng đảo chiều của chỉ số hàng hóa Bloomberg vốn đã tăng rất mạnh kể từ mức đáy 2020 đến nay. Việc giá hàng hóa tăng trong khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các NH Trung Quốc giảm xuống là một sự bất thường nếu nhìn vào diễn biến trong lịch sử. Việc Trung Quốc tiếp tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào năm 2021 (và có thể sẽ còn tiếp diễn trong năm 2022) cùng với xu hướng giảm của lợi suất TPCP Mỹ là những tín hiệu không ủng hộ cho xu hướng tăng của giá hàng hóa.
Trung Quốc vẫn duy trì vai trò nguồn tiêu thụ hàng hóa chính trên toàn cầu kể từ năm 2003 đến nay và việc đồng USD mạnh lên cùng với lãi suất cũng sẽ là một yếu tố bất lợi đối với giá hàng hóa trong năm 2022.
ZeroHedge