Lý giải nguyên nhân thị trường chứng khoán sẽ không thể duy trì mạnh mẽ trong năm 2021
Giá cao hơn có nghĩa là kỳ vọng lợi nhuận thấp hơn trong trung hạn

Năm 2020 đã chứng kiến một trong những cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc nhất trong nhiều thập kỷ và đối với một số quốc gia, chẳng hạn như Vương quốc Anh, cuộc suy thoái hàng năm lớn nhất kể từ đầu những năm 1700.
Đây cũng là cú sốc kinh tế quan trọng thứ hai “xuất hiện hiếm hoi” tấn công nền kinh tế toàn cầu chỉ trong vòng 12 năm. Nhưng mặc dù cuộc suy thoái hiện tại sâu hơn cuộc suy thoái sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thì nó cũng rất khác biệt.
Cuộc suy thoái này là kết quả của một cuộc khủng hoảng sức khỏe với tác động mạnh và đột ngột lên sản lượng nhưng nhanh chóng bị đảo ngược. Nó có thể sẽ kết thúc sớm hơn và ít gây ra thiệt hại về cấu trúc hơn khi việc đi lại phục hồi với việc triển khai vắc-xin Covid-19.
Theo nghĩa này, cuộc suy thoái lần này có thể được coi là một rủi ro sự kiện. Hầu hết các thị trường giá xuống (bear market) là theo chu kỳ, chủ yếu được thúc đẩy bởi lãi suất tăng và lạm phát. Một số khác có thể xuất phát suy thoái cấu trúc, gây ra bởi sự mất cân bằng kinh tế và bong bóng tài sản kéo dài sau nhiều năm dư thừa và thường liên quan đến khủng hoảng ngân hàng và / hoặc bất động sản.
Trong lịch sử, các thị trường giá xuống theo chu kỳ thường có chiều sâu không khác biệt với rủi ro sự kiện gây ra như vụ thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1987, nhưng mất khoảng gấp đôi thời gian để phục hồi. Các thị trường giá xuống do suy thoái cấu trúc, như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hay sự bùng nổ của bong bóng Nhật Bản vào cuối những năm 1980, còn sâu hơn nhiều, thậm chí mất nhiều thời gian hơn để hồi phục.
Tuy nhiên, dù cho bất cứ điều gì kích hoạt thị trường giá xuống, hầu hết các đợt phục hồi của cổ phiếu bắt đầu trong thời kỳ suy thoái khi lợi nhuận của công ty vẫn giảm. Giai đoạn đầu tiên ban đầu của một thị trường tăng giá mới, hay chúng tôi gọi là giai đoạn hy vọng, có xu hướng rất mạnh và được dẫn dắt bởi định giá tăng khi các nhà đầu tư bắt đầu phản ánh vào giá một sự phục hồi trong tương lai, như chúng ta đã thấy kể từ tháng 3 năm nay.
Khi sự phục hồi đó bắt đầu xuất hiện, chúng tôi chuyển sang xem xét giai đoạn tăng trưởng dài hơn, khi phần lớn thu nhập và tăng trưởng cổ tức được tạo ra. Lợi nhuận từ cổ phiếu sau đó có xu hướng chậm lại. Chúng tôi dự kiến thị trường sẽ chuyển sang giai đoạn này vào năm tới khi thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) toàn cầu tăng khoảng 35%.

Tuy nhiên, có một số khác biệt giữa giai đoạn hy vọng hiện tại và hầu hết các lần xảy ra trước đây. Chỉ số MSCI Toàn cầu hiện đã phục hồi 65% kể từ mức thấp nhất tháng 3 và chỉ trong tháng 11, sau tin tức tích cực về vắc xin, thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng 13% - mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 1975.
Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng lên 100 tỷ USD, khoảng 115% GDP toàn cầu - mức cao nhất kể từ đỉnh điểm trước khủng hoảng tài chính năm 2007.
Nhưng quy mô phục hồi này không phải là chưa từng có và có sự tương đồng đáng kể với giai đoạn sau khi chạm đáy vào năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính, khi chỉ số MSCI World tăng 68% trong cùng khoảng thời gian.
Tuy nhiên, điều kiện tại thời điểm đáy năm 2009 rất khác so với hiện nay. Mặc dù cuộc suy thoái lần này sâu hơn, nhưng sự sụt giảm của giá cổ phiếu trong cuộc khủng hoảng tài chính là lớn hơn, trung bình khoảng 60% (tương đương với mức trung bình của thị trường giá xuống do khủng hoảng cấu trúc trong lịch sử), so với mức giảm khoảng 30% trong năm nay (tương đương với mức trung bình của thị trường giá xuống do rủi ro sự kiện).
Theo đó, ở thời điểm đáy của cuộc khủng hoảng tài chính, tổng vốn hóa của các công ty thuộc S&P 500 gấp gần 8 lần so với lợi nhuận tương lai (chỉ số P/E). Đáy định giá trong tháng 3 này là 13 lần và hệ số P/E forward hiện tại là 22 lần.
Hơn nữa, khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở Mỹ và Đức là 3.9%, trong khi hiện tại chỉ là 0.9% ở Mỹ và 0.60% ở Đức, và một phần ba tổng nợ chính phủ và một phần tư tổng số nợ xếp hạng tín nhiệm cao có lợi suất âm. Hơn nữa, nợ trên GDP của Hoa Kỳ là 60% trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và hiện là trên 100%.
Tốc độ và nhịp độ phục hồi hiện tại từ đáy vào tháng 3 có liên quan rất nhiều đến sự hỗ trợ của chính sách, cả về chính sách tài khóa và tiền tệ. Bên cạnh việc chi tiêu tài khóa cao hơn, các ngân hàng trung ương đã đẩy lãi suất trở lại mức 0 (và một số ở mức âm).
Chỉ đạo mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương cho thấy hầu hết trong số họ sẽ giữ nguyên lãi suất, có lẽ cho đến đầu năm 2025. Với tốc độ tăng trưởng mạnh hơn đẩy kỳ vọng lạm phát lên từ mức thấp kỷ lục, mặt bằng lãi suất thực - lãi suất danh nghĩa trừ lạm phát - đã chuyển sang âm sâu.
Tuy nhiên, cuối cùng, mức định giá ban đầu cao hơn trong thị trường giá xuống này, thiếu dư địa cho lãi suất và lợi suất trái phiếu giảm và gánh nặng nợ cao hơn nhiều so với thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính, cho thấy rằng trong trung hạn, đà tăng của thị trường chứng khoán sẽ suy yếu. Cơ hội thực sự sẽ nằm trong cái gọi là “alpha” - chọn ra những cổ phiếu tốt và tệ tương đối trong từng thị trường và ngành, thay vì đầu tư “beta” của chỉ số.