Kinh tế Mỹ: Giữ nhịp tăng trưởng trước làn sóng xoay chuyển do chính sách thuế quan

Kinh tế Mỹ: Giữ nhịp tăng trưởng trước làn sóng xoay chuyển do chính sách thuế quan

Trà Giang

Trà Giang

Junior Editor

14:15 01/05/2025

Mặc dù GDP Mỹ quý I/2025 ghi nhận mức tăng trưởng âm, nhưng các chỉ số tiêu dùng và đầu tư vẫn cho thấy nền kinh tế đang giữ được sức bật trước khi tác động từ làn sóng thuế quan mới của ông Trump thực sự lan rộng trong quý II.

Trong lĩnh vực tài chính, việc phân tích nền kinh tế đôi khi giống như xem một quảng cáo “trước và sau” của sản phẩm chống lão hóa – ai cũng chờ đợi bức ảnh “sau” để thấy hiệu quả thật sự, nhưng trong khi dữ liệu chưa kịp phản ánh tác động chính sách mới, điều duy nhất giới phân tích có thể làm là nhìn thật kỹ vào bức ảnh “trước” và đưa ra những dự đoán có cơ sở.

Hiện tại, chính sách đang “định hình lại” nền kinh tế Mỹ là loạt thuế quan mới với cường độ cao do Tổng thống Donald Trump khởi động trở lại từ ngày 2/4 – ngay ngày đầu tiên của quý II/2025. Khác với các đợt áp thuế trước đây, lần này quy mô và tốc độ triển khai đều mạnh tay hơn, gây ra những tác động dây chuyền đến chuỗi cung ứng, tâm lý doanh nghiệp và chiến lược nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, báo cáo GDP quý I vừa công bố lại mang đến một bất ngờ tích cực: nền kinh tế trong “bức tranh trước” vẫn đang giữ nhịp tăng trưởng tương đối vững chắc, bất chấp những rủi ro đang hình thành ở phía trước.

Tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ trong quý I/2025 ghi nhận mức giảm nhẹ 0.3% – con số thoạt nhìn có vẻ đáng lo ngại. Tuy nhiên, sự sụt giảm này phần lớn là do yếu tố kỹ thuật trong phương pháp tính GDP: mức nhập khẩu tăng vọt đã kéo chỉ số tăng trưởng giảm tới 4.8 điểm phần trăm. Do GDP chỉ phản ánh phần giá trị được tạo ra trong nước, hàng hóa nhập khẩu – vốn không được sản xuất tại Mỹ – sẽ bị trừ ra để tránh tính trùng trong tiêu dùng và đầu tư.

Nếu đúng là doanh nghiệp và người tiêu dùng đã tăng cường nhập khẩu hàng hóa trước khi loạt thuế quan mới có hiệu lực trong quý II, thì đây chỉ là hiện tượng "cầu kéo trước thời hạn" – một sai lệch tạm thời trong dữ liệu, không phản ánh sự suy yếu nền tảng của nền kinh tế.

Bên dưới lớp vỏ dữ liệu tổng thể, các chỉ số cốt lõi lại cho thấy nền kinh tế vẫn đang giữ được sức bền. Tiêu dùng hộ gia đình thực – động lực chiếm khoảng 70% GDP Mỹ – tăng 1.8%, phản ánh việc người tiêu dùng vẫn duy trì mức chi tiêu ổn định, bất chấp kết quả ảm đạm từ các cuộc khảo sát gần đây về niềm tin tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ.

Biểu đồ tăng trưởng GDP theo quý (2022-2025)

Điểm nổi bật nhất trong báo cáo quý này chính là khoản đầu tư tư nhân tăng vọt tới 22% theo tốc độ năm – một con số đáng kinh ngạc trong bối cảnh chính sách tiền tệ vẫn đang neo ở vùng lãi suất cao. Mổ xẻ kỹ hơn, phần lớn mức tăng này đến từ việc các doanh nghiệp đẩy mạnh mua sắm thiết bị máy tính – riêng hạng mục này đã đóng góp gần 1 điểm phần trăm vào GDP. Có nhiều dấu hiệu cho thấy động thái này xuất phát từ lo ngại về rào cản thuế quan, khiến doanh nghiệp gấp rút mua hàng trước thời hạn. Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua vai trò ngày càng lớn của nền kinh tế trí tuệ nhân tạo trong việc thúc đẩy nhu cầu đầu tư công nghệ. Câu hỏi mấu chốt là: đâu là phần tăng trưởng mang tính thời điểm, và đâu là động lực dài hạn thực sự? Câu trả lời sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cách nhìn nhận về độ bền vững của đà phục hồi kinh tế hiện nay.

Một yếu tố khác đóng góp đáng kể vào mức tăng GDP quý I – nhưng lại gây nhiều tranh cãi – là sự gia tăng tồn kho doanh nghiệp, với mức đóng góp hơn 2 điểm phần trăm. Tuy nhiên, theo chú thích từ Cục Phân tích Kinh tế (BEA), phần lớn dữ liệu tồn kho này không đến từ số liệu thực tế, mà dựa trên mô hình ước tính, trong đó có điều chỉnh theo đợt nhập khẩu tăng mạnh trong tháng 3. Hàng nhập khẩu là chỉ số có thể đo đếm chính xác qua luồng hàng tại cảng biển và sân bay, nhưng tồn kho lại là một biến số nội suy, mang tính giả định nhiều hơn thực chứng. Điều này tạo ra độ nhiễu lớn khi đánh giá sức tiêu thụ thực tế trong nền kinh tế – liệu người tiêu dùng đang chi tiêu mạnh mẽ hơn những gì số liệu phản ánh, hay tồn kho tăng thực sự là biểu hiện của việc cầu đang yếu đi? Câu trả lời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách giới hoạch định chính sách điều chỉnh chiến lược trong thời gian tới.

Về lạm phát, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (core PCE) – thước đo được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) theo dõi sát sao – đã hạ nhiệt nhẹ so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn ở mức 2,6%/năm, cao hơn mục tiêu 2%. Với bức tranh tăng trưởng cho thấy tiêu dùng vẫn ổn định, đầu tư tư nhân đang mạnh lên và lạm phát chưa về đích, Fed hiện chưa có nhiều lý do thuyết phục để bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ. Thị trường kỳ vọng sẽ có bốn lần giảm lãi suất, mỗi lần 25 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm, nhưng với chỉ sáu cuộc họp còn lại, khả năng Fed hành động sớm đang trở nên mong manh hơn.

Dữ liệu GDP quý I có thể được coi là “bức ảnh trước” – ghi nhận nền kinh tế trước khi làn sóng thuế quan mới bắt đầu có hiệu lực từ đầu quý II. Tuy nhiên, những tín hiệu từ đầu quý II – đặc biệt sau ngày 2/4 – đã bắt đầu hé lộ “bức ảnh sau”. Theo báo cáo từ Visa, tổng giá trị thanh toán trên hệ thống của họ tại Mỹ trong quý I tăng 6%, phù hợp với xu hướng những quý gần đây. Thậm chí trong ba tuần đầu tháng 4 – tức sau thời điểm thuế có hiệu lực – chi tiêu vẫn ghi nhận tăng nhẹ. Giám đốc điều hành Visa nhận định:

“Chúng tôi chưa quan sát thấy dấu hiệu nào cho thấy chi tiêu đang suy yếu. Dù tốc độ tăng khác nhau giữa các nhóm thu nhập – với nhóm thu nhập cao tăng mạnh hơn cả – tất cả các phân khúc đều cho thấy sự ổn định, tương tự các quý trước. Một số lĩnh vực như du lịch hàng không và lưu trú có phần chậm lại, nhưng tổng thể cả chi tiêu thiết yếu và không thiết yếu vẫn ở mức cao.”

Tuy nhiên, sự ổn định đó có thể chỉ là giai đoạn tạm lắng trước biến động. Người tiêu dùng hiện vẫn chưa cảm nhận rõ rệt các tác động từ thuế – chưa phải đối mặt với giá cao hơn hay tình trạng thiếu hàng. Còn phía doanh nghiệp, phần lớn vẫn đang tiêu thụ lượng hàng tồn kho nhập từ trước khi thuế áp dụng, chưa phải ra quyết định khó khăn như chuyển chi phí sang người tiêu dùng, cắt giảm sản phẩm nhập khẩu, hay tái cơ cấu chuỗi cung ứng. Nhưng “khoảng đệm” này sẽ không kéo dài mãi. Khi hàng tồn kho dần cạn và giá nhập khẩu mới bắt đầu phản ánh đầy đủ chi phí thuế quan, “bức ảnh sau” của nền kinh tế Mỹ – và khả năng chịu đựng thực sự của người tiêu dùng – sẽ hiện rõ hơn.

Tác động thực tế của thuế quan có thể chưa thể hiện rõ trong các số liệu kinh tế tháng 4, nhưng những tín hiệu từ chuỗi cung ứng đã bắt đầu phát ra cảnh báo. Theo Financial Times, cảng Los Angeles – cửa ngõ thương mại lớn nhất cho hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ – dự kiến lượng tàu cập cảng trong tuần bắt đầu từ ngày 4/5 sẽ giảm tới 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu từ Vizion, nền tảng theo dõi container, cũng cho thấy số lượng đơn đặt chỗ container 20 feet từ Trung Quốc đến Mỹ tính đến giữa tháng 4 đã giảm tới 45% so với cùng kỳ năm 2024 – một mức sụt giảm đáng báo động.

Nói cách khác, cú sốc từ chính sách thuế quan đang lặng lẽ tiến đến như một con tàu container – chậm rãi nhưng nặng nề – và nếu không có điều chỉnh kịp thời, hệ lụy có thể lớn hơn nhiều so với những gì đang được phản ánh trong số liệu vĩ mô hiện tại.

Tổng thể, quý I/2025 đang mang dáng dấp của một “bức ảnh trước” đầy ấn tượng: tiêu dùng vẫn duy trì vững chắc, đầu tư tư nhân tăng bùng nổ, lạm phát hạ nhiệt và tăng trưởng GDP bị bóp méo phần lớn vì yếu tố kỹ thuật từ nhập khẩu tăng mạnh. Nhưng kể từ tháng 4, khi loạt thuế quan bắt đầu phát huy hiệu lực, nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào giai đoạn “bức ảnh sau” – nơi các đường nét của tăng trưởng thực chất sẽ bị bóp méo bởi những cú vặn từ chính sách thương mại. Nếu không có điều chỉnh định hướng kịp thời, viễn cảnh kinh tế Mỹ trong mùa hè tới có thể sẽ mang màu sắc u ám hơn nhiều so với bức tranh rực rỡ đầu năm.

Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

BoJ loay hoay với chính sách lãi suất giữa cơn địa chấn thuế quan từ Trump: Mục tiêu lạm phát tiếp tục xa vời
Trà Giang

Trà Giang

Junior Editor

BoJ loay hoay với chính sách lãi suất giữa cơn địa chấn thuế quan từ Trump: Mục tiêu lạm phát tiếp tục xa vời

Chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng hồi tháng 1, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda vẫn còn thể hiện sự tự tin. Trong cuộc họp báo khi đó, ông tuyên bố: “Chúng tôi nhận định rằng thị trường tài chính và vốn quốc tế nhìn chung vẫn ổn định kể từ sau khi ông Trump tái đắc cử.”
Thị trường dầu chưa hồi phục sau tháng 4 ảm đạm khi OPEC+ chuẩn bị tăng sản lượng
Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

Thị trường dầu chưa hồi phục sau tháng 4 ảm đạm khi OPEC+ chuẩn bị tăng sản lượng

Giá dầu đi ngang sau khi trải qua đợt sụt giảm theo tháng mạnh nhất kể từ năm 2021, trong bối cảnh xuất hiện dấu hiệu cho thấy liên minh OPEC+ dưới sự chỉ đạo của Ả Rập Saudi có thể đang bước vào chu kỳ mở rộng sản lượng kéo dài, làm gia tăng lo ngại về tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại đối với nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.
Vàng tiếp tục thăng hoa bất chấp thách thức từ nền kinh tế!
Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

Vàng tiếp tục thăng hoa bất chấp thách thức từ nền kinh tế!

Thị trường vàng tiếp tục chuỗi tăng trưởng ấn tượng trong năm 2025, ghi nhận tháng tăng thứ tư liên tiếp khi tháng 4 khép lại với cột mốc giá mới đối với kim loại quý này. Hợp đồng tương lai tháng 6 đóng cửa ở ngưỡng 3,300.80 USD/ounce, tương đương mức tăng 4.52% (142.70 USD) trong tháng vừa qua.
Thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc: Cổ phiếu công nghệ dẫn dắt đà tăng và thúc đẩy hợp đồng tương lai
Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

Thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc: Cổ phiếu công nghệ dẫn dắt đà tăng và thúc đẩy hợp đồng tương lai

Hợp đồng tương lai của chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 đều ghi nhận mức tăng tối thiểu 0.9% trong phiên giao dịch thứ Năm, được thúc đẩy bởi đà tăng giá mạnh mẽ của Microsoft. và Meta Platforms sau khi công bố kết quả kinh doanh vượt trội. Microsoft báo cáo doanh thu vượt dự báo, trong khi Meta cũng vượt ước tính doanh thu của giới phân tích, cho thấy nhu cầu người dùng vẫn chưa bị ảnh hưởng đáng kể bởi các biện pháp thuế quan.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ