Giá sản xuất Trung Quốc giảm mạnh, áp lực gia tăng lên chính sách hỗ trợ

Giá sản xuất Trung Quốc giảm mạnh, áp lực gia tăng lên chính sách hỗ trợ

Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

11:20 09/07/2025

Giảm phát giá sản xuất của Trung Quốc chạm mức thấp nhất trong gần hai năm, làm dấy lên kỳ vọng hỗ trợ kinh tế mới.

Tình trạng giảm phát trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng 6, đánh dấu mức suy giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 7 năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu đến từ nhu cầu trong nước yếu và môi trường thương mại toàn cầu ngày càng bất ổn, đặc biệt dưới áp lực từ cuộc chiến thuế quan leo thang do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng. Diễn biến này đang tạo thêm áp lực lên các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhằm đưa ra thêm các biện pháp kích thích nền kinh tế.

Trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhẹ sau năm tháng liên tiếp giảm, mức tăng này vẫn rất khiêm tốn do thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm và các tác động tiêu cực từ thuế quan Mỹ vẫn hiện hữu. CPI tháng 6 tăng 0.1% so với cùng kỳ năm ngoái, đảo chiều so với mức giảm 0.1% trong tháng 5, và vượt nhẹ dự báo không đổi từ các nhà kinh tế trong khảo sát của Reuters. Theo bà Đổng Lệ Quyên – chuyên gia thống kê tại Cục Thống kê Quốc gia (NBS), sự gia tăng CPI chủ yếu nhờ giá hàng tiêu dùng công nghiệp phục hồi. Tuy nhiên, trên cơ sở hàng tháng, CPI vẫn giảm 0.1%, đúng như kỳ vọng.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) – thước đo biến động giá tại các nhà máy – giảm mạnh 3.6% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, sâu hơn mức giảm 3.3% của tháng 5 và tồi tệ hơn dự báo giảm 3.2%. Đây là mức giảm lớn nhất trong gần hai năm qua. Bà Đổng cho biết, nhiều ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu đang chịu sức ép về giá cả, và sự bất ổn trong thương mại toàn cầu đã làm suy yếu kỳ vọng của doanh nghiệp đối với xuất khẩu.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc cũng tiếp tục giảm trong tháng 6, tháng thứ ba liên tiếp ghi nhận sự suy yếu – dù mức giảm chậm lại – với đơn hàng xuất khẩu mới và tình hình việc làm đều ở trạng thái yếu.

Ông Zichun Huang, nhà kinh tế về Trung Quốc tại Capital Economics, dự báo rằng nhu cầu sẽ tiếp tục suy yếu vào cuối năm, trong bối cảnh xuất khẩu giảm tốc và tác động từ các gói hỗ trợ tài khóa dần phai nhạt.

Trên thị trường tài chính, phản ứng đối với loạt dữ liệu kinh tế này diễn ra khá dè dặt. Chỉ số Shanghai Composite tăng 0.3%, trong khi chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 0.7%, trong bối cảnh giới đầu tư vẫn bị chi phối bởi các động thái thương mại mới từ Mỹ.

Tình trạng nhu cầu tiêu dùng yếu tiếp tục là trở ngại lớn với nền kinh tế Trung Quốc. Trong nỗ lực thúc đẩy doanh số, nhiều doanh nghiệp buộc phải hạ giá sản phẩm, khiến chính quyền Trung Quốc phải lên tiếng cảnh báo, kêu gọi chấm dứt cuộc đua giảm giá khốc liệt trong các ngành như ô tô.

Lĩnh vực thương mại điện tử cũng cho thấy tín hiệu tiêu dùng ảm đạm. Hai “ông lớn” Alibaba và JD.com đã triển khai nhiều chương trình trợ giá mạnh trong những tháng gần đây nhằm thúc đẩy lĩnh vực giao hàng nhanh – dấu hiệu rõ rệt của cuộc cạnh tranh gay gắt để giành lấy phần còn lại trong sức mua yếu.

Tuy nhiên, phía Capital Economics lưu ý rằng xu hướng tăng nhẹ trong giá tiêu dùng có thể phản ánh tác động của các chương trình thúc đẩy tiêu dùng như "đổi mới hàng hóa cũ". Ông Huang nhận định, nếu tác động từ chương trình này mờ nhạt dần, lạm phát cơ bản có khả năng sẽ quay đầu giảm vào cuối năm.

Trong tháng 6, lạm phát lõi – không bao gồm thực phẩm và nhiên liệu – đã tăng lên 0.7% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong vòng 14 tháng. Ông Lynn Song, nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại ING, cho rằng đồng nhân dân tệ mạnh hơn gần đây cùng với tình trạng lạm phát thấp kéo dài sẽ mở ra cơ hội cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục cắt giảm lãi suất.

“Dù dữ liệu hoạt động gần đây cho thấy sự suy yếu nhẹ, nhưng chưa đến mức tạo ra cảm giác cấp bách rõ rệt,” ông Song nói. “Chúng tôi hiện dự đoán đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào quý IV năm nay.”

Reuters

Broker listing

Cùng chuyên mục

Donald Trump có thể áp thuế với EU cao hơn Anh
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Donald Trump có thể áp thuế với EU cao hơn Anh

Donald Trump sắp đạt thỏa thuận thương mại với EU, áp mức thuế cao hơn so với Anh – quốc gia từng bị coi là lép vế sau Brexit. Trong khi Anh nhanh chóng giành được ưu đãi, EU lại đối mặt nguy cơ bị áp thuế tới 50% nếu không đạt được thỏa thuận trước tháng 8.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ