Chính sách thuế quan và đàm phán Mỹ-Iran đẩy giá dầu tăng nhẹ

Trà Giang
Junior Editor
Sau tuần giao dịch đầy biến động, giá dầu thô toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi nhẹ, nhưng vẫn vận động trong biên độ hẹp khi nhà đầu tư đánh giá lại tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và khả năng xuất khẩu dầu của Iran sẽ tăng trở lại.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, dầu Brent tăng nhẹ 0.2% lên trên ngưỡng 65 USD/thùng, trong khi dầu WTI ổn định quanh mức 62 USD/thùng. Tâm lý thị trường phần nào ổn định sau khi Phố Wall lấy lại sắc xanh, kết thúc một tuần trước đó bị bao phủ bởi làn sóng lo ngại từ chính sách thuế quan không đoán định của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Theo ông Huang Wanzhe – chuyên gia phân tích thị trường tại Dadi Futures, “tâm lý vĩ mô đang có dấu hiệu ổn định trở lại, và giá dầu đang trên hành trình phục hồi chậm rãi. Khi tác động định giá của làn sóng thuế quan đầu tiên đã phản ánh phần lớn vào thị trường, giới đầu tư giờ đây đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, nơi tác động thực sự đến nhu cầu tiêu thụ sẽ là yếu tố chính, đặc biệt nếu không có cú ‘quay xe’ nào từ phía chính sách.”
Tính từ đầu tháng, giá dầu Brent đã giảm gần 10 USD/thùng – mức giảm phản ánh rõ nỗi lo của thị trường về nguy cơ suy thoái toàn cầu, vốn sẽ làm suy yếu nhu cầu năng lượng, đặc biệt tại hai thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trước tình hình đó, nhiều tổ chức quốc tế đã đồng loạt điều chỉnh hạ triển vọng nhu cầu dầu, trong khi các ngân hàng đầu tư lớn lần lượt hạ dự báo giá dầu. Đáng chú ý, áp lực dư cung có khả năng gia tăng sau khi liên minh OPEC+ bất ngờ tuyên bố tăng sản lượng sớm hơn kế hoạch – động thái khiến thị trường càng thêm lo ngại về tình trạng thừa cung trong bối cảnh cầu đang yếu.
Giá dầu Brent hồi phục sau biến động mạnh
Trong khi đó, tình hình địa chính trị tiếp tục tạo ra biến số mới cho thị trường. Cuối tuần qua, Mỹ và Iran đã nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân cấp cao – lần đầu tiên kể từ năm 2022. Hai bên mô tả các cuộc gặp là “mang tính xây dựng” và đồng ý sẽ gặp lại trong vòng đàm phán kế tiếp tại Rome vào thứ Bảy tuần này. Nếu kết quả tích cực, thị trường có thể chứng kiến khả năng Iran được phép gia tăng xuất khẩu dầu – điều sẽ ảnh hưởng mạnh đến cán cân cung-cầu trong trung hạn. Tuy vậy, các nhà phân tích cảnh báo rằng tiến trình này vẫn còn nhiều rủi ro và hiện tại vẫn chưa có cam kết cụ thể nào được đưa ra.
“Cuộc gặp cuối tuần qua chưa mang lại thông tin mang tính bước ngoặt, nhưng vòng đàm phán tiếp theo sẽ rất đáng theo dõi để đánh giá liệu Iran có thể thực sự quay lại thị trường với công suất đáng kể hay không,” ông Huang nhận định thêm.
Về phía nhu cầu, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vừa điều chỉnh giảm dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu trong hai năm tới với mức cắt giảm khoảng 100.000 thùng/ngày – một động thái nối tiếp sau báo cáo điều chỉnh giảm của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA). Ngân hàng JPMorgan Chase & Co. cũng không nằm ngoài xu hướng khi vừa hạ dự báo giá dầu Brent trong năm 2025 xuống mức trung bình 66 USD/thùng, phản ánh tâm lý thị trường đang thiên về kịch bản nhu cầu yếu hơn kỳ vọng ban đầu.
Thêm vào đó, đường cong kỳ hạn của dầu Brent đang cho thấy tín hiệu thị trường tiếp tục lo ngại về nguồn cung dư thừa. Cụ thể, cấu trúc thị trường đã rơi vào trạng thái contango, tức là giá của các hợp đồng gần hạn thấp hơn giá của hợp đồng xa hạn – một mô hình giá mang tính chất giảm giá trong tương lai. Chênh lệch giữa hai hợp đồng Brent giao tháng 12 gần nhất đã duy trì trạng thái contango kể từ tuần trước.
Tổng hòa các yếu tố địa chính trị, chính sách và triển vọng cầu-sản lượng cho thấy giá dầu đang bước vào giai đoạn “trung lập căng thẳng” – nơi thị trường có thể sẽ tiếp tục dao động mạnh trước khi xác lập xu hướng rõ ràng. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư sẽ tập trung theo dõi các diễn biến từ vòng đàm phán Mỹ-Iran tại Rome và bất kỳ điều chỉnh chính sách nào từ OPEC+ hoặc phía Hoa Kỳ.
Bloomberg