Canh bạc thương mại: Trump và chiến lược thuế quan đối ứng

Huyền Trần
Junior Analyst
Chính sách thương mại tưởng chừng phi lý của Trump có thể trở thành một chiến lược nếu ông từ bỏ học thuyết thâm hụt và theo đuổi nguyên tắc đối ứng. Với cách tiếp cận hợp tác và đàm phán thực chất, Mỹ có thể thúc đẩy thương mại công bằng và tạo nên bước ngoặt lịch sử.

“Đây không phải là một cuộc đàm phán,” Peter Navarro - cố vấn cấp cao về thương mại và sản xuất của Tổng thống Donald Trump - tuyên bố trên Financial Times ngày 7 tháng 4. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau, chính Trump lại nói điều ngược lại. Ngoại trừ Trung Quốc và mức thuế “cơ bản” 10%, tổng thống đã tạm thời rút lại chính sách thương mại cứng rắn trong vòng 90 ngày. Không phải vì ông vừa khiến thị trường chứng khoán sụt giảm, làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của trái phiếu chính phủ Mỹ hay đẩy nền kinh tế đến gần bờ vực suy thoái — mà theo lời ông, là bởi các quốc gia đang lần lượt xếp hàng để đề xuất những thỏa thuận thương mại “tuyệt vời” với Mỹ. “Đó vốn là chiến lược của ông ấy từ đầu,” Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent khẳng định.
Nhưng đây không phải chuyện để đem ra đùa cợt. Tình hình đang trở nên nghiêm trọng hơn, và những thiệt hại cũng đang tích lũy dần theo thời gian. Việc chế giễu sự yếu kém đến mức khó tin của chính quyền hiện tại không giúp giải quyết vấn đề. Dù vậy, nhận định của Bessent lại mang đến một góc nhìn đáng để suy nghĩ: nếu giả sử toàn bộ sự hỗn loạn này thật ra là một chiến lược — hoặc ít nhất có thể được định hình thành một chiến lược — thì câu hỏi đặt ra là:
Chiến lược đó sẽ dẫn đến đâu? Liệu kết quả cuối cùng có thể mang lại lợi ích?
Khả năng xảy ra điều đó là rất thấp — nhưng không phải là hoàn toàn không có.
Vẫn còn một lối thoát khỏi nguy cơ hỗn loạn kinh tế toàn cầu — một kết quả mà Trump có thể gọi là chiến thắng, và quan trọng hơn với ông, là điều chưa có tổng thống nào làm được trước đây. Để đạt được điều đó, Trump cần từ bỏ một nửa tư duy thương mại hiện tại và tập trung toàn lực vào nửa còn lại. Những sự thay đổi mâu thuẫn như vậy có thể phi lý với người bình thường, nhưng lại không hề xa lạ với vị tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
Phần sai lầm — thậm chí là nguy hiểm — trong chính sách của chính quyền Trump nằm ở cái gọi là học thuyết Navarro về thâm hụt thương mại. Phần hợp lý hơn là nguyên tắc “đối ứng” trong thương mại. Nếu Nhà Trắng từ bỏ học thuyết sai lầm đó và tập trung vào nguyên tắc còn lại, họ vẫn có thể chuyển hướng từ hỗn loạn sang một kết quả chấp nhận được.
Theo học thuyết Navarro (theo cách hiểu phổ biến), Mỹ đang bị bất lợi trong mọi mối quan hệ thương mại mà nước này chịu thâm hụt. Họ cho rằng tất cả thâm hụt thương mại đều do các nước khác dựng rào cản thuế quan hoặc phi thuế khiến hàng hóa Mỹ không thể cạnh tranh. Ví dụ, một quốc gia xuất khẩu bơ sang Mỹ chỉ có thể được xem là “công bằng” nếu dùng toàn bộ tiền thu được để mua hàng Mỹ. Trong lối tư duy này, những yếu tố như tài nguyên thiên nhiên, mức thu nhập, thị hiếu người tiêu dùng, lợi thế so sánh, dòng vốn quốc tế và nhiều yếu tố kinh tế khác hoàn toàn bị bỏ qua trong việc lý giải cán cân thương mại.
Trên thực tế, mất cân bằng thương mại tổng thể — tức chênh lệch giữa tổng giá trị nhập khẩu và xuất khẩu của Mỹ — là vấn đề đáng bàn, vì điều này liên quan đến tính bền vững và tác động đến nền kinh tế. (Dù vậy, thuế quan vẫn không phải là giải pháp.) Tuy nhiên, việc quá chú trọng vào thâm hụt thương mại song phương là điều vô lý. Những con số thâm hụt này không phản ánh rào cản thương mại như chính quyền đang cố gắng chứng minh. Đó không phải là lý thuyết kinh tế — mà chỉ là một lập luận sai lệch thiếu cơ sở.
Thế nhưng, dưới sự chỉ đạo của Navarro, các quan chức lại dựa vào thâm hụt song phương để tính toán mức thuế áp đặt trong cái gọi là “Ngày Giải Phóng.” Họ lần lượt đặt câu hỏi: Mức thuế nào sẽ đủ để cắt giảm nhập khẩu từ từng quốc gia, nhằm đưa thâm hụt thương mại song phương về 0? Sau đó, trong một động thái được cho là “nhân nhượng,” họ ấn định mức thuế bằng một nửa con số đó, hoặc 10%, tùy theo mức nào cao hơn. Chính những hàng rào thuế quan mang tính trừng phạt này — đe dọa gây gián đoạn chưa từng có đối với thương mại toàn cầu — đã khiến nhà đầu tư và chính phủ trên toàn thế giới sửng sốt.
Nhà Trắng từng gọi các mức thuế áp lên hàng hóa là “đối ứng.” Nhưng thực chất không phải vậy — không phải chỉ vì cách tính toán sai lệch (dù thực sự đã sai), mà bởi vì, một lần nữa cần nhấn mạnh, thâm hụt thương mại song phương không phản ánh mức độ rào cản thương mại giữa hai nước. Những con số sai lệch đó, cùng với phương pháp tính toán thiếu cơ sở, cần sớm bị loại bỏ.
Tuy nhiên, nguyên tắc đối ứng lại là một tư duy đúng đắn. Nguyên tắc này phản ánh đúng kỳ vọng của công chúng và của cả ông Trump rằng thương mại cần phải công bằng, chứ không chỉ tự do. Như Trump từng nói ngày 2 tháng 4: “ Đối ứng, nghĩa là họ làm gì với chúng ta thì chúng ta cũng sẽ làm vậy với họ.” Thế thì tại sao không hướng đến mục tiêu kết hợp cả hai: Tự do và công bằng?
Việc áp thuế đối ứng là phần dễ nhất. Mỹ hoàn toàn có thể đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho các quốc gia cũng áp dụng mức thuế tương tự với hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chữ “có điều kiện.” Để đạt được điều đó, các thỏa thuận không thể chỉ dừng ở mức thuế mà còn phải xử lý hàng loạt rào cản phi thuế — bao gồm trợ cấp, chính sách tiền tệ và các quy định thương mại liên quan đến lao động, môi trường, an toàn, bảo vệ người tiêu dùng, mua sắm chính phủ, chống độc quyền, sở hữu trí tuệ và nhiều lĩnh vực khác.
Việc đồng bộ hóa hoàn toàn các chính sách này là bất khả thi. Ngay cả mức độ tương thích tương đối cũng sẽ cần tới những cuộc đàm phán phức tạp và kéo dài. Dù vậy, nếu muốn tiến bộ, Trump có thể và nên kiên định với nguyên tắc mà chính ông đã đặt ra: Đối ứng.
Quan trọng là Mỹ cần nhìn nhận rằng chính mình cũng áp dụng nhiều rào cản phi thuế. Nếu coi các rào cản đó là hợp lý, Mỹ cũng phải sẵn sàng thừa nhận những lý do tương tự từ các đối tác. Ngược lại, khi một quốc gia dựng rào cản quá mức với hàng hóa Mỹ, Washington hoàn toàn có lý do để yêu cầu điều chỉnh. Và đúng như Trump nhận định: Mỹ là một thị trường khá mở, và trong nhiều trường hợp phải đối mặt với nhiều rào cản hơn là rào cản mà Mỹ áp lên nước khác. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Muốn đạt được thương mại công bằng qua nguyên tắc đối ứng thì cần sự thỏa hiệp từ cả hai phía.
Nhà Trắng cũng cần hiểu rằng không phải mọi chính sách đều là rào cản phi thuế. Cố vấn thương mại Navarro và những người cùng quan điểm thường nhấn mạnh vai trò của thuế giá trị gia tăng (VAT) và cho rằng điều này đủ để Mỹ áp thuế cao. Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào VAT và sẽ không từ bỏ hình thức thu thuế này. Trên thực tế, VAT có nhiều ưu điểm, nhưng điều quan trọng trong thương mại quốc tế là: VAT không hề phân biệt đối xử với hàng nhập khẩu.
Các thỏa thuận đối ứng không nhất thiết phải đối ứng theo từng chính sách riêng biệt. Các rào cản phi thuế có thể được quy đổi thành mức thuế tương đương để phục vụ đàm phán. Ví dụ, yêu cầu nội địa hóa trong mua sắm chính phủ có thể được so sánh với chính sách kiểm soát biên giới hoặc giấy phép nhập khẩu. Những phép quy đổi này nên dựa trên tác động thực tế đến chi phí và khối lượng giao dịch, thay vì dựa vào cách tiếp cận thiếu căn cứ như của Navarro — tức chỉ nhìn vào số liệu thâm hụt song phương rồi rút ra kết luận sai lầm.
Một nguyên tắc khác có thể hỗ trợ thúc đẩy thương mại là “công nhận lẫn nhau” — nguyên tắc từng đóng vai trò quan trọng trong thương mại giữa các bang tại Mỹ và cũng là nền tảng giúp hình thành Liên minh châu Âu. Chẳng hạn, Mỹ có thể công nhận một số tiêu chuẩn an toàn sản phẩm của EU, và ngược lại, EU cũng công nhận các tiêu chuẩn tương đương từ phía Mỹ. Đây là cách giúp thương mại trở nên không chỉ công bằng mà còn hiệu quả hơn.
Ngay cả trong kịch bản lý tưởng nhất, phương pháp này cũng không thể đạt đến mức độ hợp tác thương mại sâu rộng như mục tiêu ban đầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đáng tiếc là, dù có Trump hay không, mô hình đa phương này dường như đã sụp đổ không thể cứu vãn. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy thương mại tự do và công bằng thông qua các thỏa thuận song phương dựa trên nguyên tắc đối ứng dù không dễ dàng nhưng vẫn là một con đường khả thi.
Để đi theo hướng này, Nhà Trắng cần gạt bỏ tư tưởng của Navarro và các quan điểm sai lệch của ông. Cần chấm dứt nỗi ám ảnh với thâm hụt thương mại, vì áp thuế trừng phạt không thể xóa bỏ điều đó. Điều quan trọng là phải thay đổi cách tiếp cận: từ chống lại thương mại chuyển sang thúc đẩy thương mại công bằng, từ nâng rào cản ở Mỹ sang yêu cầu đối tác giảm bớt rào cản, từ tư duy áp đặt sang xây dựng hợp tác.
Và để hỗ trợ quá trình này, những người chỉ trích Trump cũng nên tiết chế sự mỉa mai của mình. Hãy cùng lặp lại: Đây chính là chiến lược ông ấy đã tính toán từ đầu. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ ông, thưa ngài Tổng thống.
Bloomberg