Bức tường thuế quan của Trump đang hình thành quanh các nhà máy Đông Nam Á

Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh chiến lược thương mại cứng rắn bằng cách đe dọa áp thuế cao lên hàng hóa từ loạt quốc gia Đông Nam Á, tạo ra một “bức tường thuế quan” mới quanh các trung tâm sản xuất của khu vực. Mục tiêu là ngăn chặn tình trạng hàng Trung Quốc “chuyển hướng” qua các nước thứ ba để né thuế, nhưng động thái này có thể gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá hàng hóa lên cao và buộc người tiêu dùng Mỹ phải lựa chọn giữa chi tiêu nhiều hơn hoặc từ bỏ sản phẩm nhập khẩu.

Hành động mới nhất trong cuộc chơi căng thẳng thương mại của Donald Trump đang có nguy cơ tạo ra một “bức tường thuế quan” quanh các trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á, khiến giá cả leo thang và buộc người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn, các chuyên gia cảnh báo.
Trước thời hạn chót vào thứ Tư để đạt được các thỏa thuận thương mại với Washington, Tổng thống Mỹ đã phát đi tín hiệu về một loạt thuế quan mới nhắm vào các quốc gia Đông Nam Á – những nơi đã trở thành ngả đường cho các nhà sản xuất Trung Quốc né thuế Mỹ.
Ông đe dọa áp thuế từ 25% đến 40% lên hàng hóa từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Thái Lan – được xem như nỗ lực cuối cùng nhằm buộc các nước này phải ngồi vào bàn đàm phán trước thời hạn mới vào ngày 1 tháng 8.
Tuần trước, Trump công bố rằng Việt Nam – điểm đến lớn nhất của hàng hóa Trung Quốc “chuyển hướng” – đã chấp nhận mức thuế 20% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ, có thể tăng lên 40% nếu là hàng “tái xuất” từ Trung Quốc.
Chính quyền Mỹ kỳ vọng các chính sách thương mại của họ sẽ thu về hơn 300 tỷ USD trước cuối năm, và Trump tuyên bố hôm thứ Tư rằng “tiền lớn sẽ bắt đầu đổ vào từ ngày 1 tháng 8”.
Các nhà kinh tế cho rằng tuy chưa thể dự đoán mức thuế cuối cùng sẽ là bao nhiêu, nhưng hình hài một bức tường thuế quan mới ở châu Á đang dần hình thành và điều này sẽ bóp méo chuỗi cung ứng khu vực cũng như toàn cầu.
Bà Alicia García Herrero, kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis, nhận định vẫn còn thời gian để các quốc gia như Campuchia, Malaysia và Thái Lan đàm phán một thỏa thuận tốt hơn với Washington.
Tuy nhiên, dù mức thuế cuối cùng là bao nhiêu, bà cũng nhấn mạnh rằng chúng sẽ đẩy giá hàng hóa xuất khẩu từ Đông Nam Á tăng lên.
“Chi phí sản xuất ở châu Á sẽ tăng, nhưng nguyên tắc là mức thuế 20% có thể không giống nhau ở tất cả các nước. Tôi không nghĩ rằng nó phải đồng nhất,” bà nói.
Ông Mark Williams, kinh tế trưởng khu vực châu Á tại tổ chức tư vấn Capital Economics đồng ý rằng có thể vẫn còn “sự không đồng nhất đáng kể” về thuế suất giữa các quốc gia và ngành hàng trong khu vực.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng bức tường thuế quan của Trump sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng khu vực, bao gồm cả việc làm chậm lại làn sóng các công ty Trung Quốc dịch chuyển sang các nước ASEAN.
“Một mức thuế tương đối cao đối với các quốc gia có thể thay thế vai trò sản xuất của Trung Quốc sẽ có xu hướng làm chậm lại làn sóng chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc, bởi vì động lực giảm đi khi chênh lệch thuế giữa Trung Quốc và các nền kinh tế sản xuất khác nhỏ hơn,” ông Williams nói.
Nhưng ngay cả khi mức thuế cuối cùng ở mức cao, ông cho rằng chúng vẫn không đạt được mục tiêu của chính quyền là kéo hoạt động sản xuất trở lại nước Mỹ.
“Lựa chọn của người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sẽ là hoặc trả giá cao hơn cho hàng nhập khẩu bị áp thuế, hoặc không mua nữa. Và ở nhiều ngành, sản xuất trong nước Mỹ sẽ không đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu – ngay cả khi đã bị đánh thuế,” ông nhận định.
Quyết định của Trump áp thuế trừng phạt lên các quốc gia “tái xuất” hàng Trung Quốc cũng sẽ là cơ hội lớn cho ngành quản lý chuỗi cung ứng, theo ông Alex Capri, giảng viên cao cấp tại Trường Kinh doanh của Đại học Quốc gia Singapore.
“Các mức thuế mới của Trump sẽ buộc các nhà nhập khẩu phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc đáng tin cậy để tránh bị áp các mức thuế tùy tiện do 'tái xuất'. Điều này sẽ tạo ra một lĩnh vực dịch vụ đang phát triển mạnh liên quan đến công nghệ và quy trình xác minh cần thiết,” ông nói thêm.
Financial Times