Bóng ma suy thoái toàn cầu đè nặng lên đà phục hồi mong manh của đồng USD

Thành Duy
Junior editor
Giữa bối cảnh bất ổn thương mại và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, liệu đà phục hồi non nớt của đồng USD có đủ sức chống chọi trước những cơn gió ngược?

Sự lạc quan về việc Mỹ đảo ngược chính sách thuế quan giúp đồng USD phục hồi
Đồng bạc xanh tiếp tục giao dịch ở mức cao hơn sau khi có dấu hiệu phục hồi trong vài phiên giao dịch gần đây. Điều này đã đẩy chỉ số DXY trở lại gần mốc 100.00, sau khi chạm đáy mới trong năm tại 97.92 vào thứ Hai. Sự phục hồi của đồng USD được thúc đẩy bởi những diễn biến gần đây cho thấy chính quyền Trump đang trong quá trình đảo ngược một số phần gây tranh cãi nhất trong chính sách thương mại của mình. Đồng thời, những bình luận từ Tổng thống Trump đã giúp xoa dịu lo ngại về nguy cơ Nhà Trắng can thiệp vào sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong việc thiết lập chính sách tiền tệ, sau khi ông tuyên bố không có kế hoạch sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell. Những diễn biến này đã phần nào khôi phục niềm tin cần thiết vào quá trình hoạch định chính sách của Mỹ.
Về mặt thương mại, đang có những tín hiệu lạc quan cho rằng Mỹ sẽ nhanh chóng hành động để đảo ngược việc tăng thuế đối với Trung Quốc, vốn đã đạt đến mức "không bền vững" là 145%. Một báo cáo của Wall Street Journal (WSJ) hôm qua cho thấy, thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống còn khoảng 50% đến 65%. Chính quyền Trump cũng đang xem xét một phương pháp tiếp cận phân tầng, tương tự đề xuất của Ủy ban Hạ viện về Trung Quốc năm ngoái, với mức thuế thấp hơn (35%) cho các mặt hàng được Mỹ đánh giá là không đe dọa an ninh quốc gia, và mức thuế cao hơn (ít nhất 100%) cho các mặt hàng được coi là chiến lược đối với lợi ích của Mỹ. Điều này phù hợp với phát biểu của Tổng thống Trump rằng thuế quan "sẽ giảm đáng kể, nhưng không về 0".
Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã phủ nhận việc chính quyền Trump đơn phương đề nghị cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Ông bày tỏ sự lạc quan rằng "vẫn có cơ hội cho một thỏa thuận lớn", và nếu Trung Quốc muốn tái cân bằng nền kinh tế bằng cách thúc đẩy tiêu dùng, thì "hãy cùng nhau thực hiện", nhưng ông muốn thấy kết quả cụ thể và lộ trình rõ ràng. Ông lưu ý rằng dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục nghiêng về sản xuất hơn là tiêu dùng. Một quan chức Nhà Trắng sau đó cũng nhấn mạnh rằng "Tổng thống Trump đã nói rõ: Trung Quốc cần đạt được thỏa thuận với Mỹ". Nhìn chung, những bình luận gần đây từ phía chính quyền Trump cho thấy khả năng thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ được đảo ngược, nhưng chúng vẫn có thể ở mức độ gây gián đoạn đáng kể cho thương mại song phương.
Bên cạnh đó, chính quyền Trump cũng đang tìm cách đưa ra các trường hợp ngoại lệ để giảm thiểu tác động tiêu cực của thuế quan thương mại lên nền kinh tế Mỹ. Gần đây, điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử khác đã được miễn trừ thuế quan. Bloomberg cũng đưa tin rằng các quan chức Mỹ đang xem xét việc giảm một số loại thuế quan nhắm vào ngành công nghiệp ô tô. Báo cáo cho thấy Mỹ có thể miễn trừ ô tô và linh kiện đã chịu thuế khỏi việc phải đối mặt với các khoản thuế bổ sung từ thuế thép và nhôm. Một lựa chọn khác đang được xem xét là miễn hoàn toàn thuế cho các linh kiện ô tô tuân thủ Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Hiện tại, các linh kiện này không phải chịu thuế, nhưng chính quyền Trump đã có kế hoạch đánh thuế vào phần linh kiện không phải của Mỹ nhập khẩu từ Canada và Mexico. Financial Times cũng đưa tin rằng chính quyền Trump có thể miễn trừ thuế 20% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc liên quan đến tranh chấp biên giới về fentanyl. Mặc dù những bước đi tiếp theo nhằm giảm bớt/đảo ngược chính sách thuế quan là những tín hiệu tích cực, nhưng chúng tôi chưa tin rằng những diễn biến gần đây là đủ để hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của đồng bạc xanh vào lúc này.
Đồng USD rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 09/2024 (Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG GMR)
Loạt khảo sát PMI báo hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra
Những tác động tiêu cực của sự gia tăng bất ổn chính sách và lo ngại về gián đoạn từ thuế quan thương mại đã thể hiện rõ trong các khảo sát nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất được công bố tại Châu Âu và Mỹ. Chỉ số PMI tổng hợp tháng 4 đã giảm lần lượt 0.8 điểm xuống 50.1 tại Eurozone, 3.3 điểm xuống 48.2 tại Anh và 2.3 điểm xuống 51.2 tại Mỹ. Việc niềm tin kinh doanh suy giảm trên diện rộng sẽ củng cố dự báo về sự chậm lại của tăng trưởng toàn cầu trong Q2. Điều này phù hợp với dự báo kinh tế toàn cầu cập nhật của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được công bố đầu tuần. Dự báo cơ sở của IMF về tăng trưởng toàn cầu đã được điều chỉnh giảm 0.8 điểm phần trăm cho cả năm 2025 và 2026, xuống lần lượt là 2.8% và 3.0%. Mặc dù dự báo có suy giảm, IMF lưu ý rằng tăng trưởng toàn cầu vẫn cao hơn nhiều so với mức suy thoái. Các mức giảm mạnh nhất được ghi nhận tại Mexico, Canada, Mỹ và Trung Quốc. IMF dự báo tăng trưởng của Mỹ sẽ chậm lại ở mức 1.8% (giảm 0.9 điểm phần trăm) trong năm 2025 và 1.7% (giảm 0.4 điểm phần trăm) trong năm 2026.
Điều này đặt ra một bối cảnh đầy thách thức cho Fed trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Dữ liệu thị trường OIS của Mỹ hiện đang phản ánh kỳ vọng Fed sẽ nới lỏng tổng cộng 83 bps lãi suất trong năm nay, với dự kiến đợt cắt giảm 25 bps tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 6 hoặc tháng 7. Dẫu vậy, với lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục tăng vượt mục tiêu 2% trong năm nay, có lẽ Fed sẽ chỉ đáp ứng những kỳ vọng trên nếu nền kinh tế Mỹ đối mặt với một sự suy thoái nghiêm trọng hơn và thị trường lao động nới lỏng đáng kể. Đồng USD suy yếu một phần phản ánh tác động tiêu cực dự kiến lớn hơn đối với tăng trưởng của Mỹ so với các nền kinh tế lớn khác. Dự báo của IMF về tăng trưởng tại Eurozone cũng được điều chỉnh giảm, nhưng ở mức độ thấp hơn, chỉ 0.2 điểm phần trăm cho cả năm 2025 và 2026. Do đó, đồng bạc xanh có thể nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn trong thời gian tới nếu nền kinh tế Mỹ không suy giảm nhiều như lo ngại, khiến Fed khó có thể cắt giảm lãi suất mạnh như kỳ vọng hiện tại.
MUFG Research