BOJ dự kiến sẽ cân nhắc việc cắt giảm mua trái phiếu khi thời điểm tăng lãi suất đến gần

BOJ dự kiến sẽ cân nhắc việc cắt giảm mua trái phiếu khi thời điểm tăng lãi suất đến gần

Tạ Thị Giang

Tạ Thị Giang

Junior Analyst

15:11 12/06/2024

BOJ dự kiến sẽ thực hiện các bước thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới, bao gồm cắt giảm mua trái phiếu và tăng lãi suất.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) dự kiến sẽ thảo luận về việc cắt giảm mua trái phiếu trong cuộc họp chính sách kết thúc vào thứ Sáu. Một số nhà đầu tư cho rằng ngân hàmg đang đặt nền móng cho việc tăng lãi suất vào tháng tới.

Theo tất cả trừ một nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát, thống đốc Kazuo Ueda và các thành viên hội đồng quản trị của ông sẽ giữ lãi suất chính sách ở mức từ 0 đến 0.1% vào cuối cuộc họp kéo dài hai ngày của họ. Đa số dự đoán hội đồng quản trị sẽ cắt giảm mua trái phiếu từ khoảng 6 nghìn tỷ yên (38.6 tỷ USD) mỗi tháng.

Đầu tháng này, những người nắm rõ tình hình cho biết BOJ có thể sẽ cân nhắc xem đây có phải là thời điểm thích hợp để giảm tốc độ mua trái phiếu hay không.

Hoạt động mua trái phiếu của BOJ giảm xuống mức thấp nhất trong thập kỷ

Việc cắt giảm mua trái phiếu sẽ đánh dấu bước đi rõ ràng đầu tiên của BOJ hướng tới thắt chặt định lượng, sau khi ngân hàng này chuyển hướng khỏi chương trình kích thích kinh tế khổng lồ vào tháng 3 và bắt tay vào con đường bình thường hóa chính sách. Mặc dù BOJ tuyên bố không nhắm mục tiêu vào tỷ giá hối đoái, nhưng sự thay đổi trong việc mua trái phiếu hoặc một tín hiệu “hawkish” rõ ràng có thể sẽ giúp giảm bớt áp lực dai dẳng lên đồng Yên.

Trước cuộc họp của BOJ, dữ liệu lạm phát Mỹ công bố vào thứ Tư dự kiến sẽ cho thấy lạm phát giảm so với tháng trước (tháng 5). Vài giờ sau khi công bố dữ liệu này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn. Tuy nhiên, sự chú ý của các nhà đầu tư sẽ đổ dồn vào việc liệu Chủ tịch Jerome Powell có đưa ra tín hiệu về việc giảm lãi suất vào cuối năm 2024 hay không, sau khi dữ liệu việc làm của tuần trước vượt xa ước tính của các nhà phân tích.

Izuru Kato, nhà kinh tế trưởng tại Totan Research, nhận định: "BOJ đang ở thế khó. Quy mô mua trái phiếu hiện vẫn rất lớn. Nếu họ quá thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất, điều này có thể khiến đồng Yên giảm giá. Ngược lại, nếu họ quá quyết liệt, lợi suất trái phiếu có thể tăng vọt."

Nhiệm vụ tìm kiếm sự cân bằng của Thống đốc Ueda lần này đi kèm với áp lực cao hơn bình thường. Tại cuộc họp báo sau cuộc họp hồi tháng 4, những bình luận của Thống đốc cho thấy ông không quá lo ngại về đồng Yên. Điều này khiến đồng Yên Nhật giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm, buộc Bộ Tài chính phải thực hiện can thiệp tiền tệ lớn nhất từ trước đến nay.

Yuichi Kodama, nhà kinh tế trưởng tại Meiji Yasuda Research, cho biết: “Nếu Ueda không làm gì để ngăn chặn đồng Yên tiếp tục suy yếu sau cuộc họp báo gần đây của ông khiến đồng tiền này giảm giá nhanh hơn, thì niềm tin của các chính trị gia dành cho ông ấy sẽ bị lung lay.”

Sau dữ liệu việc làm của Mỹ tuần trước, đồng Yên đã giảm vào thứ Hai, dao động quanh mức 157 Yên đổi 1 USD.

BOJ nắm giữ một lượng lớn trái phiếu chính phủ Nhật Bản

Mặc dù BOJ tuyên bố họ không còn coi việc mua trái phiếu là một công cụ chính sách tiền tệ, nhưng các nhà giao dịch thị trường đang ngày càng tập trung vào các hoạt động mua trái phiếu thường xuyên của họ, đặc biệt là sau khi ngân hàng trung ương gây chấn động thị trường vào ngày 13 tháng 5 bằng việc giảm mua trái phiếu. Sau đó, lần đầu tiên kể từ năm 2013, BOJ gặp phải tình trạng thiếu người bán trong hoạt động mua trái phiếu vào ngày 23 tháng 5. Điều này cho thấy tình trạng cung - cầu trên thị trường đã chín muồi để BOJ giảm quy mô mua trái phiếu.

Theo dự báo, lượng trái phiếu đáo hạn trong năm nay sẽ lên tới ¥71.4 nghìn tỷ. Điều này có nghĩa là việc mua vào dưới ¥5.95 nghìn tỷ mỗi tháng sẽ dẫn đến xu hướng giảm nắm giữ trái phiếu của BOJ, đây là một kết quả phù hợp với việc thắt chặt định lượng, theo Taro Kimura tại Bloomberg Economics.

"Có thể dự đoán BOJ sẽ tuyên bố bắt đầu giảm mua JGB (Trái phiếu Chính phủ Nhật Bản). Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì họ đã ám chỉ từ lâu về ý định thu hẹp bảng cân đối kế toán của mình", ông nói.

Trong những tuần gần đây, lợi suất của nhiều loại trái phiếu Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ. Một số nhà phân tích kêu gọi BOJ cung cấp thêm hướng dẫn về hoạt động mua trái phiếu sau khi chương trình kiểm soát đường cong lợi suất của ngân hàng kết thúc vào tháng 3. Do nới lỏng quy mô lớn kể từ năm 2013, BOJ hiện đang nắm giữ hơn một nửa tổng nợ công đang lưu hành của Nhật Bản.

BOJ có một số lựa chọn để giảm quy mô mua trái phiếu của mình. Một số nhà kinh tế được khảo sát dự đoán ngân hàng sẽ giảm tốc độ mua vào khoảng 1 nghìn tỷ yên mỗi tháng, trong khi những người khác cho rằng mức giảm có thể nhỏ hơn vào thời điểm bắt đầu. Một số khác lại cho rằng BOJ chỉ đơn giản là sẽ công bố một kế hoạch phác thảo lộ trình giảm mua trái phiếu trong những tháng tới.

Do đồng Yên suy yếu kéo dài, ngày càng có nhiều người kỳ vọng rằng BOJ sẽ tăng lãi suất chính sách vào tháng 7 sau đợt tăng lãi suất đầu tiên của ngân hàng này trong 17 năm vào tháng 3. Giới quan sát BOJ sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc họp trong tuần này để xem liệu có bất kỳ gợi ý nào về việc điều chỉnh lãi suất sớm hay không.

Tháng 7 đang nổi lên như một thời điểm tiềm năng cho việc BOJ tăng lãi suất

1/3 trong số 51 nhà kinh tế được khảo sát cho biết hiện họ dự đoán việc tăng lãi suất sẽ diễn ra vào tháng 7, so với mức 19% trong cuộc khảo sát vào tháng 4. Tỷ lệ những người dự đoán các quan chức sẽ chờ đến tháng 10 đã giảm xuống còn 1/3 so với mức 41% trước đó. Chỉ có một nhà kinh tế dự đoán lãi suất sẽ tăng trong tuần này.

Ryutaro Kono, nhà kinh tế trưởng Nhật Bản tại BNP Paribas SA, cho biết: “Thống đốc Ueda có thể sẽ đưa ra lập trường rằng không loại trừ khả năng tăng lãi suất vào tháng 7. Nhưng nếu ông ấy tỏ ra quá sẵn sàng làm điều đó, lợi suất trái phiếu có thể sẽ tăng vọt cùng với việc giảm mua trái phiếu, vì vậy tôi hy vọng những phát biểu của Thống đốc Ueda sẽ cân bằng hơn.”

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Báo cáo Phân tích: Tiềm năng Tăng trưởng của Nền Kinh tế Hoa Kỳ (Phần 1)
Kiều Hồng Minh

Kiều Hồng Minh

Junior Analyst

Báo cáo Phân tích: Tiềm năng Tăng trưởng của Nền Kinh tế Hoa Kỳ (Phần 1)

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn (hay tiềm năng tăng trưởng) của một nền kinh tế được xác định bởi nhiều yếu tố. Mặc dù ít được quan tâm do tính học thuật cao, dữ liệu này có tầm quan trọng tương đối lớn. Trong một loạt báo cáo gồm năm phần, chúng tôi sẽ đi sâu vào phân phân tích triển vọng và tiềm năng tăng trưởng kinh tế tại Hoa Kỳ.
Những bất ổn thương mại và căng thẳng địa chính trị thúc đẩy đồng USD tăng giá
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Những bất ổn thương mại và căng thẳng địa chính trị thúc đẩy đồng USD tăng giá

Tâm lý thị trường đã có bước ngoặt quyết định theo chiều hướng xấu hơn vào tuần trước, với tâm lý sợ rủi ro chiếm ưu thế trên khắp các loại tài sản. Sự kết hợp giữa tình hình kinh tế xấu đi ở Hoa Kỳ và tình hình bất ổn toàn cầu gia tăng đã làm dấy lên lo ngại rằng khẩu vị rủi ro có thể suy yếu hơn nữa. Cổ phiếu phải đối mặt với áp lực bán mới trong khi lợi suất giảm mạnh.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ