Trung Quốc tuyên bố nâng thuế bổ sung lên hàng hóa Mỹ lên 125%
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang khi Bắc Kinh vừa công bố quyết định nâng mức thuế bổ sung lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ lên 125%, so với mức 84% trước đó. Mức thuế mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 12/4.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra lúc này là: liệu con số có còn quan trọng? Dù là 125% hay thậm chí 200%, thì thực tế quan hệ thương mại Mỹ - Trung hiện đã gần như đóng băng hoàn toàn. Hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp hai nước được dự báo sẽ tạm ngưng cho tới khi căng thẳng hạ nhiệt – nếu có.
Vấn đề cốt lõi lúc này không còn là mức thuế, mà là ai sẽ nhượng bộ trước – giữa Trung Quốc, Tổng thống Trump, hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Và với động thái mới nhất, Trung Quốc đang phát đi thông điệp rõ ràng rằng họ không phải là bên sẽ lùi bước.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm hiện đã tăng lên mức 4.91% trong ngày – đặt ra câu hỏi liệu Tổng thống Trump có "nhường" thêm lần nữa như hôm thứ Tư, hay Fed sẽ phải ra tay để hỗ trợ thị trường trái phiếu?
Chứng khoán châu Âu giữ vững đà tăng đầu phiên
Các chỉ số chính tại châu Âu mở cửa trong sắc xanh hôm nay, nối tiếp đà phục hồi sau phiên giao dịch đầy biến động trong tuần:
- Eurostoxx tăng 1.0%
- DAX (Đức) tăng 1.0%
- CAC 40 (Pháp) tăng 1.0%
- FTSE 100 (Anh) tăng 0.7%
- IBEX (Tây Ban Nha) tăng 0.5%
- FTSE MIB (Ý) tăng 0.7%
Các thị trường chứng khoán châu Âu đã bỏ lỡ đà tăng mạnh vào ngày thứ Tư, buộc phải “bù đắp” phần nào trong phiên hôm qua. Tuy nhiên, tâm lý thị trường phiên thứ Năm lại phần nào tiêu cực, khiến diễn biến chung khá giằng co. Bước sang hôm nay, thị trường có phần "dễ thở" hơn khi tâm lý thận trọng tạm thời nhường chỗ cho dòng tiền quay trở lại, hỗ trợ sắc xanh lan rộng trong khu vực. Trong khi đó, HĐTL chỉ số S&P 500 của Mỹ tăng 0.6%, cho thấy thị trường Mỹ cũng đang biến động nhẹ khi bước vào phiên giao dịch mới. Tuy nhiên, xét về bức tranh toàn cảnh, vẫn chưa có tiến triển đáng kể nào trong đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tiếp tục là yếu tố rủi ro treo lơ lửng trên thị trường toàn cầu.
Tây Ban Nha: Dữ liệu CPI cuối cùng tháng 3 ổn định
Cơ quan thống kê Tây Ban Nha vừa công bố dữ liệu CPI cuối cùng tháng 3, cho thấy:
- Dữ liệu CPI: +2.3% so với cùng kỳ năm ngoái (Trước đó: +3.0%; Sơ bộ: 2.3%)
- Dữ liệu HICP: +2.2% so với cùng kỳ năm ngoái (Trước đó: +2.9%; Dự đoán: 2.2%)
Lạm phát cơ bản theo năm được xác nhận ở mức 2.0%, giảm so với mức 2.2% trong tháng 2 – đây là tín hiệu tích cực đối với ECB. Tuy nhiên, tất cả dữ liệu này đều được ghi nhận trước khi các biện pháp thuế quan mới được ban hành, nên cần theo dõi thêm trong thời gian tới. Trước mắt, điều này không ảnh hưởng đến kế hoạch cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tuần sau.
Lịch kinh tế hôm nay có gì?
Trong phiên châu Âu hôm nay, không có nhiều dữ liệu đáng chú ý ngoài chỉ số CPI cuối cùng của Tây Ban Nha, tuy nhiên thị trường được cho là sẽ bỏ qua dữ liệu này trong bối cảnh hiện tại.
Tâm điểm chuyển sang phiên Mỹ, với hai dữ liệu chính được công bố là chỉ số PPI tháng 3 và chỉ số tâm lý người tiêu dùng Đại học Michigan tháng 4. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định các số liệu này khó tạo ra tác động lớn bởi chúng đều phản ánh tình hình kinh tế trước ngày 2/4, không còn phù hợp với diễn biến hiện tại.
Thị trường hiện đang hướng sự chú ý đến đàm phán thuế quan với Trung Quốc, diễn biến lợi suất trái phiếu TPCP Mỹ kỳ hạn dài, cùng khả năng Fed hoặc Tổng thống Donald Trump có phản ứng chính sách trong thời gian tới.
19:30 (giờ Việt Nam) – Chỉ số PPI tháng 3 của Mỹ
- Dữ liệu PPI y/y: Dự báo +3.3% (trước đó: +3.2%)
- Dữ liệu PPI m/m: Dự báo +0.2% (trước đó: 0.0%)
- Dữ liệu PPI lõi y/y: Dự báo +3.6% (trước đó: +3.4%)
- Dữ liệu PPI lõi m/m: Dự báo +0.3% (trước đó: -0.1%)
Dữ liệu này có xu hướng ít tác động tới thị trường trong ngắn hạn vì là số liệu trễ.
21:00 (giờ Việt Nam) – Chỉ số tâm lý người tiêu dùng sơ bộ tháng 4 của Đại học Michigan
- Dự báo: 54.5 (trước đó: 57.0)
Chỉ số này phản ánh tình hình tài chính cá nhân và kỳ vọng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, được đánh giá là một trong những chỉ báo hàng đầu về xu hướng tiêu dùng, thậm chí quan trọng hơn cả chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Conference Board.
Gần đây, tâm lý người tiêu dùng sụt giảm mạnh do lo ngại về lạm phát và tác động của chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Đặc biệt, kỳ vọng lạm phát dài hạn đang tiếp tục tăng mạnh trong các cuộc khảo sát gần đây.
Lịch phát biểu của quan chức NHTW hôm nay (giờ Việt Nam):
- 16:45 – Bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB (quan điểm trung lập - có quyền bỏ phiếu)
- 20:00 – Bà Susan Collins, Chủ tịch Fed Boston (quan điểm trung lập - có quyền bỏ phiếu)
- 21:00 – Ông Alberto Musalem, Chủ tịch Fed St. Louis (quan điểm trung lập - có quyền bỏ phiếu)
- 23:00 – Ông John Williams, Chủ tịch Fed New York (quan điểm trung lập - có quyền bỏ phiếu)
Lạm phát tại Đức trong tháng 3 tiếp tục hạ nhiệt
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chình thức tăng 2.2% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với ước tính sơ bộ và thấp hơn mức 2.3% của tháng trước.
Trong khi đó, chỉ số HICP, thước đo được sử dụng để so sánh giữa các quốc gia EU, cũng tăng 2.3% so với cùng kỳ, giảm từ mức 2.6% ghi nhận trong tháng 2. N
hững diễn biến này cho thấy áp lực lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang dần dịu bớt, mở ra kỳ vọng thận trọng về khả năng điều chỉnh chính sách từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong thời gian tới.
ICYMI - Thành viên hội đồng quản trị Harley-Davidson từ chức, nêu 'quan ngại nghiêm trọng' về công ty
Một thành viên hội đồng quản trị của Harley-Davidson đã từ chức sau khi bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về định hướng của công ty, khiến cổ phiếu giảm 11% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm.
Jared Dourdeville, đại diện cho cổ đông lớn thứ hai là H Partners, cho biết trong thư gửi hội đồng rằng Harley đang đối mặt với “sự cạn kiệt văn hóa” do làn sóng lãnh đạo rời đi và chính sách làm việc từ xa.
Ông cũng kêu gọi Giám đốc điều hành Jochen Zeitz cùng hai thành viên hội đồng khác từ chức.
Theo Harley, Dourdeville rời vị trí trước một cuộc họp hội đồng đã lên lịch nhằm thảo luận các vấn đề ông nêu, và sau khi bỏ phiếu phản đối quyết định không bổ nhiệm ứng viên CEO do ông đề xuất.
Đầu tuần này, Harley thông báo Zeitz sẽ nghỉ hưu vào năm 2025 và sẽ tiếp tục điều hành cho đến khi tìm được người kế nhiệm.
Trong bối cảnh gặp khó khăn trong việc thu hút người lái xe trẻ, Harley hiện tập trung vào các dòng xe Touring lợi nhuận cao và các mẫu xe tùy chỉnh nhằm tiếp cận nhóm khách hàng giàu có.
Tóm tắt tin tức phiên Á: Tài sản Mỹ bị bán tháo vì lo ngại thuế quan và ổn định tài chính
Trong phiên giao dịch châu Á, tâm lý thị trường toàn cầu chao đảo khi lo ngại về tác động kinh tế từ thuế quan của Trump gia tăng, kết hợp với những nghi ngại mới xoay quanh tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Một bài viết từ Bloomberg lan truyền rộng rãi đã làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể bị chính trị hóa nếu Trump trở lại, trong khi áp lực từ các giao dịch basis trade sử dụng đòn bẩy cao càng làm tình hình thêm căng thẳng.
Kết quả là làn sóng bán tháo trái phiếu Mỹ đã đẩy lợi suất 10 năm vọt lên 4.48% – mức tăng tuần mạnh nhất kể từ 2001 – còn lợi suất 30 năm chạm 4.95%, cao nhất kể từ 1982.
Đường cong lợi suất dốc lên rõ rệt, cho thấy thị trường đang bắt đầu định giá lại rủi ro lạm phát và bất ổn vĩ mô.
Đồng đô la Mỹ sụt giá mạnh, chỉ số DXY giảm xuống dưới 100 lần đầu tiên kể từ tháng 7/2023; USD/JPY tiến gần mốc 143, EUR/USD vượt 1.1350, trong khi CHF, GBP, AUD, NZD và CAD đều tăng giá.
Cùng lúc, chứng khoán Trung Quốc quay đầu giảm, chấm dứt chuỗi tăng ba phiên sau khi Mỹ công bố mức thuế lên hàng hóa Trung Quốc đã chạm 145%, làm dấy lại nỗi lo về một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Theo cập nhật, Mỹ hiện đang áp thuế 145% với Trung Quốc, 25% với hàng hóa ngoài USMCA từ Canada và Mexico, 10% với phần lớn các quốc gia còn lại, và 25% với các mặt hàng như ô tô, thép và nhôm – đi kèm một khoảng “tạm hoãn” 90 ngày trước khi leo thang tiếp mức thuế 10% toàn cầu.
Tesla đã ra mắt phiên bản Cybertruck “Long Range” mới tại Mỹ với giá 69,990 USD
Tesla vừa chính thức ra mắt phiên bản mới của dòng xe bán tải điện Cybertruck tại thị trường Mỹ mang tên Cybertruck Long Range RWD, với mức giá khởi điểm từ 69.990 USD. Đây là phiên bản dẫn động cầu sau (RWD) sử dụng một động cơ, được định vị là lựa chọn giá rẻ hơn so với hai phiên bản hiện có là Dual Motor AWD và Cyberbeast (Tri-Motor AWD).
Dù có mức giá thấp hơn, phiên bản mới vẫn được trang bị tầm hoạt động dài hơn, nhưng hệ thống treo bị cắt giảm và ít tính năng hơn nhằm tối ưu chi phí.
Với động thái này, Tesla đang mở rộng danh mục Cybertruck để tiếp cận nhiều nhóm khách hàng hơn, đặc biệt là những người muốn trải nghiệm mẫu xe mang tính biểu tượng này với chi phí dễ chịu hơn.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Lutnick cam kết làm "bùng nổ" nền kinh tế Mỹ
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Lutnick cam kết sẽ thúc đẩy một cuộc bùng nổ kinh tế, mở đường cho điều mà ông gọi là "thời kỳ hoàng kim" sắp tới.
Những tuyên bố đầy lạc quan này được giới phân tích xem như một tín hiệu ngầm rằng Washington có thể tiếp tục theo đuổi chính sách kích thích mạnh mẽ, tiềm ẩn rủi ro làm suy yếu đồng USD.
Trong bối cảnh đó, không ít nhà đầu tư đang coi phát biểu của Lutnick là lời nhắc nhở nên duy trì chiến lược bán USD và tăng cường nắm giữ vàng – tài sản truyền thống để phòng ngừa lạm phát và bất ổn tiền tệ.
PBOC, BoJ và BoK nhóm họp thảo luận tác động của thuế quan từ Trump đối với kinh tế toàn cầu
Phó Thống đốc PBoC đã tham dự Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 tại Kuala Lumpur. Trong vai trò đồng chủ tịch cơ chế Hợp tác Tài chính ASEAN+3, ông đã chủ trì phiên thảo luận về các vấn đề tài chính khu vực.
Các chủ đề chính bao gồm:
- Tác động của thuế quan Mỹ đối với kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực
- Tăng cường sáng kiến đa phương hóa CMIM – cơ chế hỗ trợ thanh khoản khu vực tương tự IMF
- Nâng cao vai trò của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO)
- Thắt chặt điều phối chính sách và cải thiện mạng lưới an toàn tài chính khu vực
Hội nghị đã thông qua các cơ chế pháp lý cho phép đầu tư bằng đồng RMB trong khuôn khổ CMIM, mở ra bước tiến quan trọng trong quốc tế hóa đồng tiền này.
Ngoài ra, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tổ chức cuộc họp ba bên riêng, tập trung vào hợp tác kinh tế – tài chính trong bối cảnh toàn cầu bất ổn.
Phó Thống đốc Xuan tái khẳng định Trung Quốc sẽ duy trì chính sách tiền tệ “nới lỏng vừa phải” nhằm ổn định thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Ông cũng có các cuộc gặp song phương với quan chức cấp cao từ Hàn Quốc và Singapore, nhằm trao đổi về rủi ro toàn cầu và tác động cụ thể tới từng nền kinh tế.
Đồng USD, trái phiếu và chứng khoán Mỹ đều bị bán tháo mạnh trong phiên giao dịch sáng tại châu Á
Đây là một phiên đầy biến động khi lo ngại dồn dập từ cả mặt trận thuế quan và chính sách tiền tệ.
Hồi tháng 3, thị trường từng đặt ra câu hỏi quan trọng: Liệu Trump có đang âm thầm thực hiện những bước đầu trong kế hoạch nhằm sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell và các thành viên độc lập khác? Một Fed bị chính trị hóa có làm suy yếu vị thế của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu?
Và vấn đề này lại một lần nữa nổi lên trong phiên giao dịch đêm qua tại Mỹ, khi thị trường bắt đầu tính toán thêm rủi ro liên quan đến khả năng mất độc lập của Fed, yếu tố đang ngày càng được quan tâm cùng với lo ngại xoay quanh thuế quan và cuộc chiến thương mại.
Dưới đây là thông tin đang được chia sẻ rộng rãi trong giới tài chính:
WSJ: Mỹ và Trung Quốc đang bước vào một chương mới trong cuộc chiến kinh tế, và tất cả đều sẽ chịu thiệt
- Tổng mức thuế mà chính quyền Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc đã lên tới 145%. Dù vẫn có khả năng được đàm phán lại, nhưng tác động của việc này trong ngắn hạn đang rất rõ rệt.
- Dấu hiệu của sự đình trệ trong dòng chảy thương mại trị giá 582 tỷ USD giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng rõ ràng.
- Nhiều nhà máy tại Mỹ đã hủy đơn đặt hàng.
- Doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc bắt đầu cho công nhân nghỉ việc tạm thời do thiếu đơn đặt hàng.
- Một doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị nhà bếp có trụ sở tại California cho biết họ có thể phải cắt giảm phần lớn trong số nhân viên hiện tại.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường: Bắc Kinh đang nỗ lực kích thích tiêu dùng nội địa
- Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen bày tỏ lo ngại rằng hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế có thể sẽ được “chuyển hướng” sang thị trường châu Âu.
- Trong cuộc gọi với Thủ tướng Lý Cường tuần này, bà cho biết EU sẽ “không dung thứ” cho hành vi như vậy.
- Thủ tướng Lý Cường đáp lại rằng rủi ro này không tồn tại, vì Trung Quốc sẽ đẩy mạnh tiêu dùng trong nước để tiêu thụ sản phẩm thay vì xuất khẩu.
Sự phục hồi kinh tế tại Trung Quốc sẽ là một diễn biến tích cực được thị trường toàn cầu hoan nghênh.
Tỷ giá tham chiếu USD/CNY hôm nay: 7.2087
- Dự đoán: 7.3104
- Giá đóng cửa trước đó: 7.3130
Goodmorning from Dubaotiente. Tổng hợp thị trường 10.04: Chứng khoán Mỹ và đồng USD đồng loạt lao dốc do lo ngại về thuế quan vẫn kéo dài, chỉ một ngày sau đợt phục hồi trong phiên hôm trước
Chứng khoán Phố Wall lao dốc trong phiên thứ Năm, khẩu vị rủi ro biến mất trên phố Wall sau làn sóng bắt đáy lớn nhất trong nhiều năm diễn ra trong phiên hôm qua do lo ngại về tác động kinh tế từ cuộc chiến thuế quan gia tăng. Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đều chịu mức giảm mạnh, xóa đi phần lớn mức phục hồi của phiên trước. Tâm lý bi quan gia tăng trước căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh đã làm lu mờ tác động tích cực từ các dữ liệu kinh tế khả quan và tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ – châu Âu. Đà giảm của thị trường diễn ra bất chấp dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 3, phản ánh áp lực lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Thị trường tài chính toàn cầu rơi vào trạng thái hỗn loạn kể từ khi Tổng thống Trump công bố loạt thuế quan diện rộng vào cuối ngày 2 tháng 4. Sau cú “quay xe” giữa tuần – với phiên hồi phục hôm thứ Tư và phiên bán tháo dữ dội hôm thứ Năm – chỉ số S&P 500 hiện vẫn thấp hơn 7.1% so với mức trước thời điểm Mỹ công bố thuế quan đối ứng vào tuần trước. Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 1,014.79 điểm, tương đương 2.50%, xuống còn 39,593.66 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 188.85 điểm, tương đương 3.46%, chốt ở 5,268.05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm mạnh 737.66 điểm, tương đương 4.31%, còn 16,387.31 điểm.
Trên thị trường FX, đồng USD lao dốc sau công bố dữ liệu CPI Hoa Kỳ tháng 3 thấp hơn kỳ vọng, củng cố khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong kỳ họp sắp tới. DXY có thời điểm đã lao dốc xuống 99.7, sau đó hồi phục trở lại, hiện đang ở mức 100.2. USD/CHF giảm 3.89% xuống còn 0.825, mức thấp đáng kể. EUR/USD tăng 2.23%, phản ánh tâm lý cải thiện ở châu Âu sau động thái từ Mỹ. Trước quyết định của Tổng thống Trump tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày, Liên minh châu Âu sẽ tạm thời trì hoãn các biện pháp đáp trả thuế đối với hàng hóa Mỹ, khi các quốc gia trong khối đang nỗ lực xúc tiến các thỏa thuận thương mại song phương với Washington. USD/JPY cũng giảm 2.07%, giao dịch quanh mức 144.66.
Bộ Tài chính Mỹ ghi nhận lực cầu tốt trong phiên đấu giá trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm hôm thứ Năm, nối tiếp thành công của đợt phát hành trái phiếu 10 năm trước đó. Điều này giúp xoa dịu phần nào lo ngại rằng nhà đầu tư có thể quay lưng với trái phiếu Mỹ trong bối cảnh thị trường biến động vì căng thẳng thuế quan. Theo các chuyên gia phân tích, đà tăng nhanh của lợi suất trái phiếu trong tuần qua chủ yếu đến từ hoạt động bán tháo quy mô lớn, khi các quỹ đầu cơ và nhà quản lý tài sản buộc phải đóng vị thế và thanh lý tài sản do áp lực ký quỹ và thua lỗ gia tăng. Thị trường cũng ghi nhận lo ngại ngày càng lớn rằng Trung Quốc - quốc gia nắm giữ trái phiếu Mỹ quy mô lớn - có thể đang giảm tỷ trọng nắm giữ giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm 1 điểm cơ bản, còn 4.386%. Lợi suất trái phiếu 2 năm giảm mạnh 11 điểm cơ bản, còn 3.843%
Trên thị trường hàng hoá, giá dầu quay đầu giảm, xóa sạch đà tăng phiên trước. Dầu WTI giảm $2.28, chốt ở $60.07/thùng. Dầu Brent giảm $2.15, xuống $63.33/thùng Vàng giao ngay tăng 2.6%, lên $3,160.82, sau khi chạm đỉnh lịch sử mới tại $3,217.49, cho thấy nhu cầu trú ẩn tiếp tục gia tăng mạnh.
Giá vàng đạt mức cao kỷ lục 3,217 USD
XAU/USD tăng vọt do USD suy yếu. DXY lao dốc xuyên thủng mốc 100.00
DXY lao dốc xuống dưới 100.00
Đồng USD tiếp tục lao dốc khi áp lực bán gia tăng, sau công bố lạm phát lõi Mỹ tháng 3 giảm mạnh, thấp nhất kể từ năm 2021, củng cố kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong kỳ họp sắp tới