Swissquote Bank: Lại thêm một vòng đàm phán thuế quan, thị trường cần định giá lại rủi ro

Swissquote Bank: Lại thêm một vòng đàm phán thuế quan, thị trường cần định giá lại rủi ro

Diệu Linh

Diệu Linh

Junior Editor

15:16 08/07/2025

Quan điểm từ bộ phận phân tích của Swissquote Bank.

Tình hình thương mại toàn cầu

Chúng ta lại quay trở lại vạch xuất phát trong thảm họa thuế quan của Mỹ, khi Washington bắt đầu gửi thư thông báo mức thuế áp dụng cho từng quốc gia — và các mức thuế này không khác mấy so với những gì đã được công bố vào “Ngày Giải Phóng”. Cụ thể, 25% đối với Hàn Quốc và Nhật Bản, 25% cho Malaysia; 30% với Nam Phi; và 40% đối với Myanmar và Lào.

Chưa có thông tin mới nào về Đài Loan và Ấn Độ, nhưng mức thuế áp cho một số quốc gia châu Á đang rõ ràng nhắm đến Trung Quốc — do lo ngại hành vi chuyển khẩu. Nhìn vào làn sóng công bố đầu tiên, chỉ có một quốc gia dường như thoát khỏi hỗn loạn thuế quan với thiệt hại tối thiểu: Vương quốc Anh, với mức thuế chỉ 10%. Liên minh châu Âu (EU) cũng có khả năng đạt được mức 10% ngay trong tuần này — điều đó sẽ rất đáng hoan nghênh. Nhưng đối với phần còn lại, bức tranh thuế quan không mấy sáng sủa, và đà phục hồi rủi ro suốt ba tháng qua đang bị đe dọa — dù thị trường vẫn bất ngờ lạc quan, phớt lờ những căng thẳng mới mà thuế quan châu Á sẽ gây ra đối với chuỗi cung ứng và giá cả.

Chỉ số S&P 500 giảm 0.70% so với mức cao kỷ lục trong phiên đầu tuần, nhưng hợp đồng tương lai lại tăng điểm nhờ thông tin hạn chót đàm phán thuế mới được lùi đến ngày 1/8. Nikkei giảm trong ngày hôm qua, nhưng đã tăng trở lại hôm nay nhờ kỳ vọng đàm phán sẽ tiếp tục và mức thuế 25% có thể được đảo ngược. Chỉ số Stoxx 600 của châu Âu cũng đóng cửa trong sắc xanh, khi hy vọng EU sẽ đạt được một thỏa thuận thuận lợi.

Tuy nhiên, tất cả điều này có vẻ quá lạc quan một cách vô lý. Việc gia hạn thời hạn đàm phán thực chất không hẳn là tin tốt, mà chỉ làm tăng thêm bất định. Đây lại là một dấu hiệu nữa cho thấy các thời hạn sẽ không được tôn trọng như “ranh giới đỏ”, và các mức thuế trong những ngày và tuần tới cũng không phải bất biến, mà sẽ liên tục bị thay đổi, hết tăng lại giảm, và được sử dụng như một công cụ đe dọa trong mọi tình huống.

Định giá lại rủi ro?

Có lẽ đã đến lúc thị trường phải bắt đầu định giá lại những rủi ro thương mại vốn đã bị loại trừ quá nhanh — dưới cái mác của chiến lược TACO. Trump không có dấu hiệu lùi bước, và lạm phát thì đang gõ cửa. Một lý do khiến áp lực giá do thuế quan trước đó được kiểm soát là vì nhiều công ty đã lựa chọn tự gánh chi phí trong lúc chờ xem liệu đây có chỉ là chiến thuật đàm phán hay không. Nhưng nếu các mức thuế này là lâu dài, và còn thay đổi liên tục, thì các doanh nghiệp sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc điều chỉnh giá bán.

Theo Goldman Sachs, các doanh nghiệp sẽ chuyển khoảng 70% chi phí thuế quan sang người tiêu dùng thông qua giá cả cao hơn.

Vì vậy, khả năng cao một trong các kịch bản sau sẽ xảy ra:

  • Người tiêu dùng chấp nhận mức giá cao hơn, các công ty tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ, lợi nhuận vẫn giữ được, nhưng lạm phát tăng, khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) lo ngại và có thể trì hoãn (hoặc đảo ngược) kỳ vọng cắt giảm lãi suất. Điều này sẽ gây bất ổn cho nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh định giá đang ở mức cao.
  • Chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, GDP Mỹ chậm lại — phần nào bù đắp áp lực lạm phát từ thuế quan, nhưng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu áp lực lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, Fed có thể can thiệp.
  • Thực tế có thể nằm ở giữa hai thái cực: giá cả tăng, lợi nhuận bị bóp nghẹt, Fed tạm hoãn hành động khi tăng trưởng Mỹ chậm lại và rủi ro lạm phát lơ lửng — trong lúc đó, nhà đầu tư toàn cầu có thể sẽ bắt đầu rút vốn khỏi tài sản Mỹ, chuyển sang các thị trường thay thế như EU và Nhật Bản. Cần lưu ý rằng, một làn sóng hồi hương vốn từ Nhật có thể tạo thêm áp lực lên lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, và khuếch đại xu hướng tháo chạy khỏi rủi ro. Lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Nhật đã quay lại mức 1.50% sáng nay. Lợi suất JGB tăng sẽ trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư Nhật — đặc biệt là các định chế như quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm — những tổ chức vốn là người mua tích cực trái phiếu Kho bạc Mỹ và cổ phiếu toàn cầu, bao gồm cả cổ phiếu Mỹ. Căng thẳng thương mại Mỹ – Nhật có thể thúc đẩy làn sóng rút vốn này — mặc dù giới chức Nhật trước đó từng tuyên bố sẽ không sử dụng dòng vốn làm công cụ đàm phán. Nhưng tình hình đang diễn biến quá nhanh để trông chờ vào những lời nói cũ.

Thị trường tiền tệ

Đồng USD bật tăng trở lại hôm qua và đang duy trì đà tăng nhờ tâm lý tích cực xoay quanh việc gia hạn thời hạn đàm phán thuế đến 1/8. Tuy nhiên, nếu bạn cho rằng đó sẽ là hạn chót duy nhất — thay vì chỉ là một trong nhiều chiêu bài trong sổ tay thương chiến của Trump — thì việc mua vào USD dựa trên kỳ vọng thương mại có vẻ là một lý do yếu. Cặp EUR/USD vẫn được mua mạnh quanh mốc 1.17. Cặp AUD/USD đang phục hồi hôm nay sau khi Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) gây bất ngờ bằng việc giữ nguyên lãi suất, đi ngược với kỳ vọng cắt giảm. Các nhà hoạch định chính sách viện dẫn sự mạnh mẽ của thị trường lao động và triển vọng lạm phát cân bằng hơn để giữ nguyên chính sách.

Năng lượng và kim loại

Giá dầu thô Mỹ tăng tới đường DMA 200 nhưng gặp lực cản tại đó, khi sản lượng OPEC tăng mạnh hơn dự kiến và căng thẳng thương mại mới gây áp lực lên triển vọng giá dầu. Hợp đồng tương lai đồng trên sàn COMEX đang điều chỉnh giảm từ mức cao nhất kể từ ngày 2/4. Đây là một trong số ít nơi mà hành động giá phản ánh đúng thực tế.

Tóm lại, thị trường vẫn đang phản ứng một cách lạc quan đáng ngờ, phớt lờ những rủi ro và hệ lụy của thuế quan đối với chuỗi cung ứng, lợi nhuận, lạm phát và tăng trưởng. Cho rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết êm đẹp trong ba tuần tới thì chẳng khác nào nhìn thấy kỳ lân trên trời. Sẽ phải có điều gì đó nhượng bộ.

Swissquote Bank SA

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ