Nixon 1971 và Trump 2025: Hai cơn 'địa chấn' làm đảo lộn kinh tế toàn cầu

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Những tác động lâu dài của chính sách thuế quan dưới thời Tổng thống Trump là gì? Dù hiện nay đang có một khoảng lặng tạm thời, nhưng câu hỏi này vẫn khiến giới đầu tư quan tâm. Nhìn lại một sự kiện lớn trong quá khứ – “cú sốc Nixon” năm 1971 – có thể mang đến những gợi ý đáng giá.

Vào thời điểm đó, Tổng thống Richard Nixon đã có ba quyết định làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu: rút đồng USD khỏi chế độ bản vị vàng, áp thuế nhập khẩu 10% và thực hiện kiểm soát giá cả tạm thời. Những hành động này đã “gỡ neo” toàn bộ hệ thống tài chính, khiến thế giới rơi vào giai đoạn bất ổn, mất niềm tin và đặc biệt là lạm phát đình trệ – tình trạng vừa lạm phát cao, vừa tăng trưởng thấp.
Nixon kỳ vọng các biện pháp này sẽ gây sức ép để các nước – đặc biệt là Nhật Bản và Đức – nhượng bộ trong thương mại nhằm giảm thâm hụt của Mỹ. Bộ trưởng Tài chính khi đó, John Connally, thẳng thắn nói: “Tôi tin rằng người nước ngoài luôn tìm cách chơi xấu chúng ta, và nhiệm vụ của chúng ta là phải ra tay trước.”
Dù cú sốc chỉ kéo dài bốn tháng trước khi bị dỡ bỏ theo Thỏa thuận Smithsonian, nó đã để lại dấu ấn lâu dài. Nó mở đường cho sự ra đời của các công cụ tài chính mới như hợp đồng tương lai và quyền chọn ngoại hối – giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá. Nói cách khác, tài chính hiện đại bắt đầu từ chính giai đoạn đó.
Các ngân hàng, vốn chịu thiệt hại nặng nề vì lạm phát đình trệ, bắt đầu thay đổi. Nhà đầu tư tìm đến vàng và tài sản thực để bảo toàn giá trị. Doanh nghiệp và người gửi tiền rời bỏ ngân hàng để chuyển sang thị trường trái phiếu – xu hướng này vẫn tiếp diễn cho đến nay. Cho vay qua ngân hàng không còn là kênh huy động vốn chính nữa.
Ở thời điểm hiện tại, câu chuyện thuế quan không chỉ gây lo ngại cho Mỹ mà còn ảnh hưởng tới các quốc gia khác. Giống như Canada từng bị Nixon đánh thuế, ngày nay các quốc gia đồng minh của Mỹ cũng có nguy cơ bị liên lụy. Nhưng phản ứng cứng rắn của Canada khi đó – không lùi bước và kiên quyết bảo vệ lợi ích – đã giúp họ vượt qua. Một giai thoại thú vị: khi Connally định phá bỏ hiệp định thương mại ô tô với Canada, Paul Volcker đã nhanh trí 'khuyên' một quan chức xé bỏ phần cuối các bản thông cáo đề cập đến thỏa thuận này!
Rốt cuộc, chính mối lo ngại về quan hệ với các đồng minh đã khiến chính quyền Mỹ lùi bước. Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia lúc đó, cũng bày tỏ sự lo ngại về tác động tiêu cực nếu xung đột thương mại kéo dài.
Song song đó, Nixon gây áp lực mạnh lên Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm chống lại cú sốc kinh tế. Theo hồi ký của William Safire – người viết diễn văn cho Nixon – Nhà Trắng còn tung tin đồn về việc mở rộng số thành viên của Fed để dễ “nhét” thêm người ủng hộ vào ủy ban chính sách tiền tệ.
Cuối cùng, thuế nhập khẩu mà Nixon áp dụng chỉ giúp định giá lại đồng USD – nhưng không đạt được mục tiêu lớn hơn và cũng không giúp giảm nhập khẩu. Tuy nhiên, cú sốc tài chính do ông tạo ra đã để lại ảnh hưởng kéo dài hàng thập kỷ. Sự ra đời của đồng euro, thậm chí ý tưởng về một đồng euro kỹ thuật số ngày nay, cũng có thể được xem là những hệ quả gián tiếp.
Lịch sử cho thấy: cú sốc của Trump – giống như Nixon năm xưa – có thể tạo ra những thay đổi sâu sắc và lâu dài, ngay cả khi các chính sách ban đầu không đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Financial Times