GDP Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo trong Q1, nhưng thị trường vẫn "ôm chặt" nỗi hoài nghi; BoC sẽ đặt dấu chấm hết cho những luồng quan điểm trái chiều như thế nào?

Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.

Bối cảnh chung
Tâm lý thị trường Châu Á hôm nay khá ảm đạm. Nhìn chung thị trường vẫn đang suy yếu, chịu ảnh hưởng từ đợt bán tháo mạnh mẽ do thuế quan gây ra hồi đầu tháng. Ngay cả dữ liệu GDP Q1 của Trung Quốc tích cực hơn dự kiến, với mức tăng trưởng 5.4% cùng những con số ấn tượng về sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ, cũng không đủ sức lay chuyển tâm lý bi quan. Giới đầu tư dường như vẫn hoài nghi, cho rằng những con số này chỉ phản ánh hoạt động kinh tế được đẩy mạnh trước khi gánh chịu toàn bộ ảnh hưởng của thuế quan Mỹ-Trung, vốn đã gần như đạt đến mức độ “tách rời”. Song, thách thức thực sự đối với khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sẽ đến trong những tháng tới khi sự gián đoạn thương mại ngày càng trầm trọng.
Về thị trường tiền tệ, USD tiếp tục suy yếu, đánh mất đà phục hồi gần đây trong bối cảnh tâm lý thị trường vẫn chưa ổn định. AUD và CAD cũng có diễn biến tương tự. Ngược lại, CHF đã vươn lên dẫn đầu đà tăng, theo sau là EUR và JPY, khi dòng vốn vẫn ưu tiên tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn. GBP và NZD giao dịch tương đối ổn định.
Quyết định về lãi suất của Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) sẽ là tâm điểm chú ý vào tối nay, và các luồng quan điểm trên thị trường đang có sự phân hóa. Dữ liệu lạm phát thấp hơn dự kiến công bố hôm qua đã củng cố quan điểm cho rằng mức tăng CPI tháng 2 chỉ là nhất thời, tạo điều kiện cho BoC cắt giảm lãi suất từ 2.75% xuống 2.50%. Với việc thuế quan của Mỹ đang đè nặng lên nhu cầu và tâm lý toàn cầu, một động thái phòng ngừa nhằm hỗ trợ nền kinh tế Canada là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng BoC có thể sẽ giữ nguyên lãi suất ở thời điểm hiện tại, nhất là để đánh giá tác động trung hạn của thuế quan lên lạm phát. Mặc dù CPI toàn phần đang hạ nhiệt, nhưng gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến thương mại và sự mất giá của đồng nội tệ có thể tạo thêm áp lực lên giá cả trong những tháng tới. Việc cân bằng những rủi ro này sẽ là một bài toán nan giải, và với lãi suất chính sách đã được cắt giảm đáng kể từ mức đỉnh 5.00%, BoC có thể thong thả chờ đợi để có được cái nhìn toàn cảnh hơn.
Ở một diễn biến khác, vàng tiếp tục hưởng lợi từ bối cảnh bất ổn. Dưới góc độ kỹ thuật, chỉ báo MACD trên đồ thị ngày cho thấy xu hướng tăng vẫn đang rất mạnh. Về ngắn hạn, triển vọng tăng nhìn chung vẫn lạc quan miễn là hỗ trợ $3,167 được giữ vững. Câu hỏi đặt ra là liệu tín hiệu quá mua có kìm hãm đà tăng ở ngưỡng Fibonacci mở rộng 161.8% ($2,293 - $2,789 - $2,584) tại $3,387 hay không, hay vàng sẽ tiếp tục bứt phá ngoạn mục.
Đồ thị giá vàng (XAU/USD) khung 1D
Một số tin tức đáng chú ý khác
Thống đốc BoJ Ueda: Thuế quan của Mỹ đang tiến gần đến kịch bản tiêu cực, cần có phản ứng chính sách phù hợp
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda cảnh báo rằng chính sách thuế quan leo thang của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “tiến gần hơn đến kịch bản tiêu cực” mà họ dự đoán.
“Chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng và khách quan mức độ ảnh hưởng của thuế quan Mỹ đối với nền kinh tế. Một phản ứng chính sách có thể sẽ trở nên cần thiết. Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định phù hợp dựa trên tình hình thực tế,” ông phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sankei.
Song, Ueda tái khẳng định rằng BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất “với tốc độ phù hợp” miễn là nền kinh tế và lạm phát diễn tiến phù hợp với dự báo của họ. Về lạm phát, ông cho biết áp lực giá lương thực trong nước dự kiến sẽ giảm bớt. Bên cạnh đó, ông nhận định lương thực tế sẽ chuyển biến tích cực và tiếp tục tăng trong nửa cuối năm, hỗ trợ tiêu dùng và ổn định giá cả. Dù vậy, Ueda cũng cảnh báo về hai rủi ro: lạm phát dai dẳng do cú sốc nguồn cung toàn cầu, hoặc tiêu dùng sụt giảm do chi phí sinh hoạt tăng cao.
Chỉ báo sớm của Westpac suy giảm do áp lực từ cú sốc thuế quan
Chỉ báo sớm của Westpac đã giảm từ 0.9% xuống 0.6% trong tháng 3. Westpac lưu ý rằng chỉ số này mới chỉ bắt đầu phản ánh sự gián đoạn leo thang do thông báo về thuế quan trả đũa của Tổng thống Trump vào ngày 02/04.
Mặc dù tác động tức thời đối với Úc được đánh giá là hạn chế và có thể kiểm soát được ở thời điểm hiện tại, nhưng “vẫn có thể xuất hiện một số dấu hiệu suy yếu hơn nữa trong câu chuyện tăng trưởng trong những tháng tới”. Westpac đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cho Úc vào năm 2025 từ 2.2% xuống còn 1.9%, do lo ngại về những rủi ro tiêu cực đang tích tụ.
Hướng tới cuộc họp của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) vào ngày 19-20/05, Westpac cho rằng bối cảnh toàn cầu xấu đi và những dấu hiệu rõ ràng hơn về việc lạm phát hạ nhiệt sẽ thúc đẩy RBA cắt giảm lãi suất 25 bps. Hơn nữa, giọng điệu của cuộc họp có thể sẽ chuyển hướng quyết liệt hơn “từ những câu hỏi dai dẳng về lạm phát sang các rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng.” Một sự thay đổi như vậy sẽ đặt nền móng cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa trong nửa cuối năm.
GDP Q1 của Trung Quốc vượt dự báo, đạt mức tăng trưởng 5.4%
Nền kinh tế Trung Quốc đã khởi đầu năm với một nền tảng vững chắc, khi GDP tăng trưởng 5.4% so với cùng kỳ năm ngoái trong Q1, vượt qua kỳ vọng của thị trường là 5.1%. Xét theo quý, tăng trưởng chậm lại còn 1.2%, so với mức 1.6% trong Q4.
Các dữ liệu khác cho tháng 3 nhìn chung đều khả quan. Sản xuất công nghiệp tăng vọt 7.7% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa dự báo 5.6%. Doanh số bán lẻ tăng 5.9%, cũng cao hơn mức dự báo 5.1%.
Đầu tư tài sản cố định tăng 4.2% tính từ đầu năm đến nay, vượt nhẹ so với dự báo. Mặc dù vậy, sự yếu kém dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục đè nặng lên đà phục hồi. Đầu tư bất động sản giảm 9.9% trong Q1, tệ hơn một chút so với mức giảm 9.8% ghi nhận trong hai tháng đầu năm. Ngoài ra, đầu tư của khu vực tư nhân - một thước đo quan trọng về niềm tin kinh doanh - chỉ tăng 0.4%.
Phân tích kỹ thuật USD/CAD
Xu hướng trong ngày của USD/CAD vẫn trung tính và có thể cặp tiền sẽ duy trì sideway trên mức 1.3827. Mặc dù không thể loại trừ khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn, nhưng triển vọng sẽ vẫn tiêu cực chừng nào kháng cự 1.4150 vẫn được giữ vững. Ở chiều giảm, việc xuyên thủng mức 1.3827 sẽ mở đường cho đà giảm từ 1.4791 tiếp diễn, hướng về ngưỡng Fibonacci mở rộng 100% (1.4791 - 1.4150 - 1.4414) tại 1.3773.
Đồ thị USD/CAD khung 4H
Xét trên bức tranh lớn hơn, việc hỗ trợ 1.3976 (đỉnh năm 2022) và đường EMA 55 tuần (ở mức 1.3983 tại thời điểm viết bài) đồng loạt bị xuyên thủng cho thấy đỉnh trung hạn đã hình thành ở mức 1.4791. Nhịp giảm từ mức này có thể xem là một sóng điều chỉnh trong xu hướng tăng từ 1.2005, hoặc là một sự đảo chiều xu hướng. Ở cả hai trường hợp, việc phá vỡ dứt khoát ngưỡng Fibonacci thoái lui 38.2% (1.2005 - 1.4791) tại 1.3727 sẽ mở đường cho nhịp giảm hướng về ngưỡng 61.8% tại 1.3069.
Đồ thị USD/CAD khung 1D
Action Forex