Dự kiến ECB sẽ cắt giảm lãi suất, nhưng đi kèm với đó có thể vẫn là sự mơ hồ “chiến lược” về định hướng chính sách

Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.

Sơ lược diễn biến thị trường
Nhìn chung, thị trường ngoại hối giao dịch khá trầm lắng trong suốt phiên Á, khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh kéo dài. Song, tâm lý thị trường được cải thiện đôi chút nhờ những dấu hiệu tích cực từ các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Nhật. Xuất hiện bất ngờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump tham gia vào các cuộc đàm phán sơ bộ và sau đó tuyên bố trên mạng xã hội rằng đã đạt được "Tiến bộ lớn!", thổi luồng sinh khí lạc quan vào phiên giao dịch vốn dĩ ảm đạm.
Bất chấp tuyên bố lạc quan của ông Trump, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa vẫn giữ thái độ dè dặt, cho rằng cuộc gặp chỉ là bước khởi đầu và vòng đàm phán thứ hai sẽ diễn ra vào cuối tháng này. Ông cũng khẳng định tỷ giá hối đoái không nằm trong chương trình nghị sự, thể hiện mong muốn của Tokyo là giữ trọng tâm đàm phán vào thương mại và đầu tư.
Song song đó, thị trường đang hướng sự chú ý vào quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) dự kiến công bố vào tối nay, với khả năng cao là cắt giảm lãi suất tiền gửi 25 bps xuống còn 2.25%. Dù vậy, trọng tâm sẽ được đặt vào định hướng và ngôn từ mà ECB sử dụng. Ở cuộc họp gần nhất, Hội đồng quản trị ECB đã né tránh tuyên bố thẳng thừng về việc liệu chính sách hiện tại có còn mang tính hạn chế hay không, thay vào đó họ chỉ nói rằng nó đã trở nên "ít hạn chế hơn một cách có ý nghĩa". Chiến lược này dự kiến sẽ tiếp tục được áp dụng, đặc biệt là khi vẫn còn tồn tại những bất đồng trong nội bộ ECB về định hướng chính sách trước bối cảnh bất ổn gia tăng.
Mặc dù một số người kỳ vọng vào những tín hiệu rõ ràng hơn về lộ trình lãi suất trong tương lai, nhưng ECB khó có thể đáp ứng được điều này. Biên bản cuộc họp trước đó cho thấy một số thành viên nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh đưa ra bất kỳ định hướng nào về các động thái trong tương lai. Sự thận trọng này có thể sẽ được duy trì, đặc biệt khi các rủi ro bên ngoài, bao gồm những động thái thương mại của Mỹ và bất ổn về nhu cầu toàn cầu, vẫn còn hiện hữu. Do đó, thị trường nên lường trước việc ECB sẽ cắt giảm lãi suất, nhưng đi kèm với đó có thể vẫn là sự mơ hồ “chiến lược” về định hướng chính sách.
Về thị trường tiền tệ, NZD đã vươn lên dẫn đầu về mặt hiệu suất trong tuần này sau khi số liệu CPI cao hơn dự kiến được công bố. GBP đứng thứ hai mặc dù số liệu việc làm trái chiều và lạm phát thấp hơn kỳ vọng. AUD cũng tương đối vững vàng bất chấp dữ liệu việc làm yếu kém. Ngược lại, CAD là đồng tiền yếu nhất, khi quyết định giữ nguyên lãi suất của Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) công bố vào tối qua không tạo được niềm tin cho thị trường. CHF và USD cũng kém sắc, trong khi EUR và JPY vẫn ung dung với vị trí trung lập.
Những phát biểu đáng chú ý từ các quan chức Fed và BoJ
Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo về những căng thẳng kép sắp tới
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell trong bài phát biểu đêm qua đã chỉ ra những thay đổi đáng kể đang diễn ra do chính quyền Mỹ thực hiện về thương mại, nhập cư, chính sách tài khóa và quy định - tất cả đều đang trong quá trình "tiến triển" và khó lòng đánh giá tác động kinh tế.
Cụ thể, Chủ tịch Powell thừa nhận rằng mức tăng thuế quan đã được công bố "cao hơn đáng kể so với dự đoán" và cảnh báo rằng những tác động kinh tế có thể bao gồm "lạm phát nóng lên trong khi tăng trưởng chậm lại". Ông cũng lưu ý về sự thay đổi rõ rệt trong kỳ vọng lạm phát ngắn hạn, với cả các chỉ số thị trường và khảo sát đều tăng lên do chính sách thuế quan mới. Mặc dù kỳ vọng dài hạn vẫn ổn định, ông cảnh báo rằng áp lực lạm phát từ thuế quan có thể "dai dẳng hơn" so với dự đoán ban đầu. Về ngắn hạn, thuế quan rất có thể sẽ tạo ra "ít nhất là một đợt tăng lạm phát tạm thời".
Điều quan trọng là Chủ tịch Powell thừa nhận rằng Fed có thể phải đối mặt với tình huống "mục tiêu kép bị xung đột". Khi ấy, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng mức độ chênh lệch của nền kinh tế so với từng mục tiêu và khoảng thời gian để thu hẹp những chênh lệch đó.
Quan chức BoJ nhấn mạnh rủi ro thuế quan của Mỹ, kêu gọi sự cảnh giác
Junko Nakagawa, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nhận định, chính sách thương mại của Mỹ là một trong những rủi ro đáng kể nhất đối với triển vọng kinh tế của Nhật Bản. Bà lưu ý trong một bài phát biểu rằng việc Mỹ tăng thuế quan có thể làm tổn hại trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản, gây áp lực lên xuất khẩu, sản xuất, doanh số, chi tiêu vốn và lợi nhuận. Bên cạnh đó, bà cũng lưu ý về khả năng tác động tiêu cực lan rộng hơn, làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp, người tiêu dùng, cũng như gây xáo động giá cả hàng hóa và thị trường tài chính.
Đồng tình với những lo ngại này, Thống đốc Kazuo Ueda phát biểu trước quốc hội rằng sự bất ổn xoay quanh chính sách của Mỹ, đặc biệt là thuế quan, đã "gia tăng mạnh" trong những tuần gần đây. Ông nhấn mạnh rằng BoJ sẽ đánh giá các diễn biến liên quan đến thương mại tại mỗi kỳ họp chính sách với một tâm thế khách quan. Mặc dù tái khẳng định quyết tâm tăng lãi suất của BoJ nếu các điều kiện kinh tế và lạm phát phù hợp với dự báo, ông nhấn mạnh, "chúng ta phải cảnh giác với thực tế là sự bất ổn xoay quanh chính sách thương mại của mỗi quốc gia đang gia tăng".
Phân tích kỹ thuật EUR/USD
Với bối cảnh hiện tại, đợt điều chỉnh từ mức 1.1472 dường như sẽ tiếp diễn với một nhịp giảm nữa, khi triển vọng ôn hòa từ ECB hôm nay có thể thúc đẩy một số hoạt động bán tháo. Dù vậy, mức giảm sẽ được giới hạn bởi ngưỡng hỗ trợ 1.1145, và từ đây có thể mở ra nhịp phục hồi. Ở chiều ngược lại, một nhịp break-out ngưỡng kháng cự 1.1472 được kỳ vọng sẽ tái thiết và mở rộng xu hướng tăng trước đó sau khi đợt điều chỉnh hiện tại kết thúc.
Đồ thị EUR/USD khung 4H
Action Forex