Đồng USD lao dốc giữa hoài nghi về chính sách thuế và triển vọng kinh tế

Huyền Trần
Junior Analyst
Đồng USD giảm phiên thứ năm liên tiếp, chạm đáy mới trong năm khi nhà đầu tư mất niềm tin vào hiệu quả tạm hoãn thuế của chính quyền Trump. Giới phân tích cảnh báo nếu không sớm đạt được thỏa thuận thương mại, USD sẽ còn tiếp tục suy yếu.

Đồng USD tiếp tục giảm phiên thứ năm liên tiếp khi giới đầu tư ngày càng nghi ngờ về tác động thực sự của việc chính quyền Mỹ tạm hoãn áp thuế đối với các mặt hàng điện tử tiêu dùng, trong khi Tổng thống Donald Trump lại hạ thấp tầm quan trọng của việc miễn trừ dành cho lĩnh vực công nghệ.
Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index đã giảm tới 0.4% trong phiên thứ Hai, kéo dài đà lao dốc 2.4% từ tuần trước — một đợt bán tháo xuất phát từ căng thẳng thương mại leo thang với Trung Quốc và lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Chỉ số DXY đã rơi xuống mức thấp nhất trong năm, tương đương với các mốc từng ghi nhận vào tháng 10.
Việc chính quyền Trump tạm hoãn áp thuế lên các mặt hàng như điện thoại thông minh, máy tính xách tay và chip từng mang lại hy vọng rằng ông Trump có thể linh hoạt hơn trong cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, tâm lý tích cực này nhanh chóng tiêu tan sau khi Tổng thống khẳng định sẽ áp thuế riêng với lĩnh vực điện tử tiêu dùng, đồng thời tiến hành điều tra an ninh quốc gia đối với các loại chip vi mạch.
“Không ai được miễn trừ,” ông tuyên bố trên mạng xã hội khi thị trường châu Á mở cửa.
Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10
Dane Cekov, chiến lược gia vĩ mô và tiền tệ cấp cao tại Sparebank 1 Markets AS ở Oslo, nhận định: “Để đồng USD có thể phục hồi bền vững, cần sớm đạt được một thỏa thuận hòa bình trong cuộc chiến thương mại trước khi nền kinh tế Mỹ phải gánh chịu tổn thất nghiêm trọng. Nếu không, đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu trong những tháng tới khi tác động của thuế quan bắt đầu thể hiện rõ trong các chỉ số như tiêu dùng, lạm phát và thị trường lao động.”
Áp lực lên tài sản Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo khảo sát của Bloomberg, nhà đầu tư có xu hướng tiếp tục giảm tỷ trọng nắm giữ tài sản Mỹ, bất chấp việc Tổng thống đã dịu giọng về thuế quan vào cuối tuần trước. Chỉ số biến động của đồng USD hiện đang ở mức cao nhất trong hai năm, trong khi dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cho thấy các vị thế bán khống đồng USD đã tăng lên đáng kể kể từ tháng 10, tính đến ngày 8 tháng 4.
Chủ tịch Fed Minneapolis, ông Neel Kashkari, phát tín hiệu rằng ông tin tưởng thị trường sẽ duy trì ổn định và phủ nhận khả năng Fed sẽ can thiệp để hỗ trợ, trái ngược với quan điểm của người đồng cấp tại Boston. Ông nhận định rằng biến động là điều tất yếu khi nhà đầu tư định hình lại khái niệm “bình thường mới” tại Mỹ và Fed không có công cụ để điều chỉnh điều đó.
Trong báo cáo gửi khách hàng, các chiến lược gia của JPMorgan Chase & Co., bao gồm Fabio Bassi, cho biết: “Chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng với các tài sản rủi ro trong ngắn hạn và cho rằng thị trường sẽ dao động trong biên độ hẹp. Bất kỳ đợt phục hồi nào cũng sẽ khó kéo dài nếu chưa có tiến triển rõ ràng trong đàm phán thương mại hoặc tín hiệu rõ ràng từ Fed.”
Bloomberg