Cuộc chiến Israel–Iran có thể leo thang đến mức nào?

Cuộc chiến Israel–Iran có thể leo thang đến mức nào?

Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

09:29 17/06/2025

Cuộc chiến giữa Israel và Iran đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm, với nguy cơ vượt khỏi khuôn khổ xung đột thông thường. Dù chưa ai có thể đoán chắc kết cục, giới quan sát lo ngại rằng nếu Iran thất thế trên mặt trận quân sự, nước này có thể sẽ lựa chọn trả đũa bằng các biện pháp phi truyền thống như khủng bố, vũ khí sinh học hoặc thậm chí là một thiết bị hạt nhân.

Một số nhà phê bình, đặc biệt ở Mỹ, lo ngại rằng những gì đang diễn ra giống như giai đoạn đầu của cuộc chiến Iraq năm 2003 — cũng được tiến hành dưới danh nghĩa ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, kèm theo tham vọng thay đổi chế độ. Sau những thắng lợi ban đầu của liên minh do Mỹ dẫn đầu, cuộc chiến đó đã nhanh chóng sa lầy trong bạo lực.

Tuy nhiên, nhiều khả năng cuộc chiến Israel–Iran sẽ theo một kịch bản khác. Giới chức an ninh phương Tây lo ngại chế độ Iran, trong cơn tuyệt vọng, quyết định trả đũa bằng những phương thức phi truyền thống.

Một nhà hoạch định chính sách cấp cao nhận định: “Lý do cuộc chiến này chưa trở thành Thế chiến III là vì Iran dường như có rất ít khả năng đáp trả bằng cách thông thường.” Một quan chức khác nói thêm rằng kho dự trữ vũ khi của Israel cũng có hạn.

Nếu chế độ Iran tin rằng họ đang trên đà thất bại nặng nề trong một cuộc xung đột thông thường, họ sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: hoặc chấp nhận thực tế và tìm cách đàm phán để thoát hiểm, hoặc leo thang bằng những cách thức phi truyền thống. Ngưỡng chịu đựng này càng dễ bị vượt qua nếu chính quyền Iran cảm thấy mình đang chiến đấu để sinh tồn và cần thể hiện sức mạnh với người dân trong nước cũng như với thế giới. Cơn giận dữ và khát khao trả thù cũng là những yếu tố không thể xem nhẹ.

Tại Washington và Brussels, có nhiều lo ngại rằng nếu bị dồn vào chân tường, Iran có thể hành động một cách liều lĩnh trong tuyệt vọng.

Trong quá khứ, Mỹ từng cáo buộc Iran đang bí mật phát triển các chương trình vũ khí sinh học và hóa học. Nếu điều này đúng, Tehran có thể sở hữu phương tiện để tấn công các mục tiêu của Israel hoặc Mỹ theo cách chết người nhưng khó truy vết.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng từng xác nhận rằng Iran đang nắm giữ một lượng lớn uranium được làm giàu đến 60%. Người ta tin rằng Tehran cần đạt mức làm giàu 90% để có thể chế tạo vũ khí hạt nhân, điều mà họ có thể hoàn tất chỉ trong vài ngày, tuy nhiên quá trình biến nó thành vũ khí hoàn chỉnh sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Các chuyên gia vũ khí chỉ ra rằng, trên thực tế, có thể chế tạo một vũ khí hạt nhân thô sơ bằng uranium được làm giàu đến 60%. David Albright và Sarah Burkhard từ Viện Khoa học và An ninh Quốc tế viết rằng: “Mức làm giàu 60% là đủ để tạo ra một thiết bị nổ hạt nhân tương đối nhỏ gọn; việc làm giàu thêm đến 80% hoặc 90% là không cần thiết.” Loại vũ khí này có thể được đưa đến mục tiêu bằng một phương tiện đơn sơ như máy bay, container hàng hải hoặc xe tải — đủ để Iran được xem như một cường quốc hạt nhân.

Iran có thể chọn cách cho nổ một vũ khí hạt nhân thô sơ nhằm gây sốc, buộc Israel phải ngừng chiến tranh. Một khả năng khác là Iran có thể sử dụng “bom bẩn” — tức thiết bị sử dụng thuốc nổ thông thường để phát tán vật liệu phóng xạ. Kịch bản khiến các chuyên gia lo lắng là việc Iran dùng một con tàu để kích nổ thiết bị như vậy gần cảng Haifa của Israel.

Đây là những tính toán mà không chỉ Israel, mà cả Mỹ, đang cân nhắc. Người ta tin rằng chỉ có Mỹ mới sở hữu loại bom đủ sức công phá cơ sở hạt nhân ngầm tại Fordow của Iran.

Tại Washington, nhiều người lo sợ rằng Mỹ sẽ tham gia vào giai đoạn hai của chiến dịch ném bom, nhằm phá hủy Fordow và triệt tiêu chương trình hạt nhân của Iran. Nhưng không ai dám chắc rằng ngay cả một cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu vào Fordow cũng có thể đạt được mục tiêu đó. Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak viết: “Sự thật là, ngay cả người Mỹ cũng không thể trì hoãn việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân quá vài tháng.”

Barak cho rằng cách duy nhất để đảm bảo Iran không bao giờ có được vũ khí hạt nhân là để Mỹ và Israel “tuyên chiến với chế độ này cho đến khi nó bị lật đổ.”

Nhưng Donald Trump nhiều lần cam kết rằng ông là người kiến tạo hòa bình, và đã kêu gọi Iran và Israel đạt được một thỏa thuận. Chỉ mới tháng trước, ông đã có một bài phát biểu quan trọng ở Riyadh, trong đó ông chỉ trích quan điểm cho rằng có thể đem lại thay đổi tích cực ở Trung Đông bằng vũ lực từ bên ngoài.

Sẽ là một thất bại lớn nếu Trump cuối cùng lại bị kéo vào một cuộc chiến nữa nhằm thay đổi chế độ ở Trung Đông.

Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ thấp kỷ lục, nhưng vì sao người lao động vẫn chán nản?

Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ thấp kỷ lục, nhưng vì sao người lao động vẫn chán nản?

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vừa giảm xuống 4.1% – một con số tưởng chừng lý tưởng để ăn mừng trong ngày Quốc khánh. Thế nhưng, đằng sau con số đẹp ấy là một thực tế ảm đạm: ngày càng nhiều người lao động, đặc biệt là giới trẻ và người nhập cư, đang rời khỏi lực lượng lao động vì mất niềm tin vào khả năng tìm được việc làm. Liệu thị trường việc làm Mỹ có đang "đẹp bề ngoài, rối bời bên trong"?
Nhận định USD/JPY và AUD/USD: Chi tiêu hộ gia đình và động thái Fed là tâm điểm

Nhận định USD/JPY và AUD/USD: Chi tiêu hộ gia đình và động thái Fed là tâm điểm

Dự báo chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản sẽ tăng 1.2% vào tháng 5; sự phục hồi có thể gây áp lực lên cặp USD/JPY thông qua các tín hiệu hawkish của BoJ. Triển vọng AUD/USD phụ thuộc vào chi tiêu hộ gia đình của Úc và chính sách của RBA; dữ liệu lạc quan có thể nâng giá đồng AUD. Những người phát ngôn của Fed có thể thay đổi tỷ giá USD/JPY và AUD/USD bằng cách ra tín hiệu về thời điểm cắt giảm lãi suất.
Kinh tế Trung Quốc: GDP tăng hay giảm không còn nói lên tất cả

Kinh tế Trung Quốc: GDP tăng hay giảm không còn nói lên tất cả

Các số liệu mới cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại, nhưng liệu điều đó có thực sự đáng mừng như những con số GDP thể hiện? Trong bối cảnh thế giới vẫn đang chật vật vì tăng trưởng chậm và căng thẳng thương mại, đã đến lúc nhìn nhận lại: GDP không còn phản ánh đầy đủ sức khỏe kinh tế, đặc biệt là với một quốc gia nhiều biến số như Trung Quốc.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ