Chứng khoán toàn cầu tăng vọt sau khi Donald Trump "quay xe"

Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Donald Trump đã khiến giới đầu tư toàn cầu bất ngờ vào thứ Tư khi ông thông báo tạm dừng áp thêm thuế trong 90 ngày đối với các quốc gia sẵn sàng đàm phán với Mỹ, khiến thị trường chứng khoán tăng vọt.

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh ngay sau thông báo của Trump, chỉ số S&P 500 tăng 9.5% khi kết thúc phiên. Đà tăng lan sang châu Á vào thứ Năm, với chỉ số Topix của Nhật Bản tăng 8% và Taiex của Đài Loan tăng 9.3%.
Chỉ số Stoxx Europe 600 của châu Âu tăng 5.5% trong phiên giao dịch đầu ngày, trong khi chỉ số Dax của Đức tăng 8.3% và FTSE 100 của Anh tăng 6.1%.
Đợt tăng mạnh của chứng khoán Mỹ đã giúp chỉ số S&P 500 tăng thêm khoảng 4,300 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường. Đây là phiên giao dịch tốt nhất của chỉ số này kể từ năm 2008 và là phiên mạnh nhất của Nasdaq kể từ năm 2001.
Tuy nhiên, Tổng thống đã chỉ đích danh Trung Quốc để áp thêm thuế, nâng mức thuế từ 104% lên 125%, làm trầm trọng thêm cuộc đối đầu với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mức thuế chung 10% đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ các nước khác vẫn được giữ nguyên.
Trump viết trên Truth Social: “Dựa trên thực tế rằng hơn 75 quốc gia đã gọi điện để đàm phán giải pháp và đã không trả đũa dưới bất kỳ hình thức nào với Hoa Kỳ, tôi đã cho phép TẠM DỪNG trong 90 ngày, và giảm đáng kể mức Thuế đối ứng trong thời gian này xuống còn 10%, có hiệu lực ngay lập tức.”
Nhưng ông cho rằng Trung Quốc đã thể hiện sự “thiếu tôn trọng” khi trả đũa các mức thuế của Mỹ. “Tôi tuyên bố nâng mức Thuế mà Hoa Kỳ đánh lên Trung Quốc lên 125%, có hiệu lực ngay lập tức.”
Trung Quốc đã đáp trả vào thứ Năm khi mức thuế trả đũa thêm 84% có hiệu lực, đưa tổng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ lên hơn 100% và cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không lùi bước trước cuộc chiến thương mại đang leo thang. Bắc Kinh không lập tức phản hồi về mức thuế bổ sung 21% của Trump.
Quyết định đầy bất ngờ của ông Trump diễn ra sau một tuần đầy biến động trên thị trường toàn cầu, với hàng nghìn tỷ USD vốn hóa bị thổi bay khỏi thị trường chứng khoán, trái phiếu Mỹ bị bán tháo mạnh và giá dầu lao dốc về mức thấp từng thấy trong đại dịch Covid-19.
“Đây là sự đầu hàng của Trump trước thị trường,” Andy Brenner từ NatAlliance Securities nói. “Ông ấy đã giữ thể diện bằng cách duy trì thuế với Trung Quốc.”
Đợt bán tháo mạnh trái phiếu chính phủ Mỹ đã hạ nhiệt sau khi Trump "quay xe" và một cuộc đấu giá trái phiếu của Bộ Tài chính cho thấy nhu cầu mạnh mẽ từ quốc tế.
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cho biết “thế giới đã sẵn sàng” hợp tác với Trump để “sửa chữa thương mại toàn cầu”, tuy nhiên Trung Quốc đã chọn hướng đi ngược lại.
Vào cuối ngày thứ Tư, Trump dường như thừa nhận một phần nỗi lo của thị trường do cuộc chiến thương mại gây ra. Ông nói đợt tăng giá thị trường hôm thứ Tư, sau khi ông rút lại phần lớn các mức thuế, là “ngày vĩ đại nhất trong lịch sử tài chính”.
Các ngân hàng Phố Wall từng cảnh báo rằng các mức thuế sẽ khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, đồng thời đẩy lạm phát và thất nghiệp tăng lên.
Ngay trước khi Trump bất ngờ thông báo vào thứ Tư, Goldman Sachs dự đoán kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái do cuộc chiến thương mại của Tổng thống gây ra. Nhưng chỉ hơn hai giờ sau, ngân hàng này đã rút lại dự báo đó. Dù vậy, các nhà đầu tư và kinh tế gia vẫn cảnh báo rằng các mức thuế còn lại sẽ làm giảm tăng trưởng và đẩy giá cả tăng lên.
“Tạm dừng thuế đối ứng không có nghĩa là kinh tế Mỹ đã tránh được suy giảm tăng trưởng và lạm phát,” Citigroup nói. “Sự bất định về thương mại vẫn còn và nhập khẩu không phải từ Trung Quốc có thể tăng mạnh, làm giảm tăng trưởng trong quý hai.”
Việc Trump rút lui mở ra một giai đoạn với hàng loạt cuộc đàm phán thương mại song song giữa Mỹ và các đối tác thương mại hàng đầu trong những tuần tới nhằm giải quyết căng thẳng thương mại.
Bessent hôm thứ Ba tuyên bố ông sẽ dẫn đầu các cuộc đàm phán với Nhật Bản, cùng với trưởng đoàn đàm phán thương mại hàng đầu của Trump là Jamieson Greer, để cố gắng đạt được một thỏa thuận có thể giúp giảm thuế quan.
Động thái này được đưa ra sau nhiều ngày các quan chức chính quyền Trump đưa ra những thông điệp trái chiều về việc các mức thuế có bền vững hay không và liệu Mỹ có sẵn sàng đàm phán với các đối tác thương mại để giảm mức thuế hay không.
Financial Times