BoJ dè chừng trước rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ, gợi mở khả năng tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất

Trà Giang
Junior Editor
Trong một bài phát biểu vào ngày 9/4, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda đã phát đi tín hiệu quan trọng về khả năng tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất của BoJ, giữa lúc thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển bởi làn sóng thuế quan mới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông nhấn mạnh rằng BoJ cần “xem xét” tại mỗi kỳ họp chính sách để đánh giá liệu triển vọng kinh tế và lạm phát có đang đi đúng hướng theo các dự báo hiện tại hay không – một cách nói hàm ý rằng cánh cửa cho một giai đoạn "án binh bất động" vẫn rộng mở, trong khi các rủi ro từ thương mại quốc tế ngày càng hiện hữu.
Dù lạm phát cơ bản vẫn chưa đạt mức mục tiêu 2%, ông Ueda cho biết xu hướng tăng giá đang diễn ra một cách bền vững, được củng cố bởi đà tăng lương trong nền kinh tế. BoJ nhận định các điều kiện kinh tế và lạm phát hiện tại vẫn phù hợp với quỹ đạo dự báo trước đó. Tuy nhiên, ông Ueda cũng tỏ ra đặc biệt lo ngại về sự bất định ngày càng tăng liên quan đến chính sách thương mại của từng quốc gia, đặc biệt là động thái áp thuế rộng khắp mới đây của Mỹ – điều có thể phá vỡ đà phục hồi mong manh của kinh tế Nhật Bản.
Thông điệp của ông Ueda được đưa ra trong bối cảnh giới đầu tư đang hướng sự chú ý đến cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của BoJ, dự kiến diễn ra vào ngày 30/4 - 1/5. BoJ được kỳ vọng sẽ giữ nguyên mức lãi suất cơ bản tại 0.5%, đồng thời công bố loạt dự báo kinh tế và giá cả mới – lần đầu tiên mở rộng tầm nhìn đến năm tài khóa 2027. Bản cập nhật này sẽ cung cấp những tín hiệu then chốt về cách BoJ đánh giá sự cân bằng giữa rủi ro suy giảm tăng trưởng từ các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ và áp lực lạm phát nội địa do giá lương thực leo thang.
Từ đầu năm trước, BoJ đã chấm dứt kỷ nguyên nới lỏng chính sách tiền tệ cực đoan kéo dài suốt hơn một thập kỷ. Cơ quan này lần đầu tiên nâng lãi suất cơ bản lên 0.5%, dựa trên nhận định rằng nền kinh tế Nhật Bản đang ở ngưỡng đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững. Trong nhiều tháng qua, ông Ueda luôn nhấn mạnh cam kết sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất theo hướng tăng nếu triển vọng kinh tế tiếp tục cải thiện. Mục tiêu là hướng tới mức lãi suất “trung lập” – không làm tăng trưởng nóng lên cũng không kìm hãm đà phục hồi – mà giới phân tích định lượng trong khoảng từ 1% đến 1.5%.
Tuy nhiên, diễn biến bất ngờ từ phía Washington đã làm gia tăng đáng kể tính bất định. Quyết định của Tổng thống Trump trong việc áp đặt thuế quan trên diện rộng – bao gồm cả đối với hàng hóa từ Nhật Bản – đang đặt ra thách thức lớn đối với BoJ. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) công bố hôm 9/4, phần lớn các nhà kinh tế dự đoán chính sách thuế của Mỹ sẽ làm giảm 0.6 điểm phần trăm tăng trưởng GDP Nhật Bản trong năm tài khóa hiện tại, kết thúc vào tháng 3/2026.
Cuộc khảo sát, thực hiện trong khoảng thời gian từ 27/3 đến 3/4, cũng cho thấy kỳ vọng rộng rãi trong giới phân tích rằng BoJ vẫn sẽ tiếp tục nâng lãi suất một lần nữa trong nửa cuối năm nay – với điều kiện các yếu tố ngoại tác như thuế quan không làm trệch hướng đà phục hồi.
Phát biểu cùng ngày trước Quốc hội Nhật Bản, ông Ueda đã giải thích rõ hơn logic đằng sau các quyết định tăng lãi suất gần đây. Theo ông, chính sách tiền tệ cần phải đi trước một bước – việc dỡ bỏ hỗ trợ tiền tệ quá mức ở thời điểm hiện tại không chỉ giúp BoJ giảm thiểu rủi ro phải “phanh gấp” trong tương lai nếu lạm phát vượt kiểm soát, mà còn tạo điều kiện cho một chu kỳ tăng trưởng ổn định và bền vững trong dài hạn.
Khi được chất vấn về khả năng BoJ sẽ có hành động mạnh mẽ hơn để ứng phó với các tác động tiêu cực từ thuế quan của Mỹ, ông Ueda tỏ ra thận trọng, cho biết vẫn còn “nhiều bất định” liên quan đến chính sách thương mại của Washington. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát các diễn biến, phân tích cách chúng ảnh hưởng đến nền kinh tế, giá cả và thị trường tài chính, từ đó xây dựng các dự báo vững chắc và điều hành chính sách một cách phù hợp,” ông khẳng định.
Trong bối cảnh ranh giới giữa phục hồi mong manh và rủi ro suy thoái ngày càng mờ nhạt, sự linh hoạt và thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của BoJ – như thông điệp mà ông Ueda vừa phát đi – có thể trở thành yếu tố then chốt định hình triển vọng tài chính của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong những năm tới.
Reuters