Bàn về USD, câu chuyện niềm tin và triển vọng, bên cạnh động thái của chính quyền Trump

Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại MUFG Bank.

Ngày hôm qua, Washington đã đưa ra một số bình luận ôn hòa hơn, sau phiên bán tháo USD mạnh mẽ hôm thứ Hai, được châm ngòi bởi những phát ngôn gay gắt của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell – điều chỉ càng làm gia tăng rủi ro cho đồng bạc xanh suy yếu hơn nữa trong tương lai. Nhìn chung, Tổng thống Trump dường như đang tìm cách xoa dịu tình hình, có lẽ sau khi nhận thấy những thiệt hại tiềm tàng, và các cố vấn của ông có thể đã đề xuất những thông điệp mang tính cân bằng hơn. Việc ông thừa nhận không có ý định sa thải Chủ tịch Fed Powell đã phần nào giúp hãm lại đà trượt giá của USD vào lúc này.
Vấn đề hiện tại của USD và tâm lý chung đối với tài sản Mỹ nằm ở chỗ, tiêu chuẩn về những gì Trump có thể làm tiếp theo đã bị đặt trong bối cảnh mức thuế quan trả đũa cao ngất ngưỡng được công bố vào ngày 02/04 – một điều mà không ai có thể lường trước được, ngay cả trong những kịch bản bi quan nhất. Do đó, viễn cảnh đồng bạc xanh suy yếu hơn nữa hoặc thậm chí Chủ tịch Fed Powell bị sa thải không còn là kịch bản quá xa vời.
Mức độ suy giảm của USD hiện đang ở quy mô lịch sử. Làn sóng bán tháo ồ ạt đầu tiên xuất hiện vào đầu tháng 2 để phản ứng với việc trì hoãn áp thuế đối với Canada và Mexico, cùng với việc áp dụng mức thuế 10% ban đầu lên hàng hóa Trung Quốc. Kể từ thời điểm đó (03/02) đến thứ Hai (sau 55 ngày giao dịch), chỉ số DXY đã giảm tới 10.7%. Kể từ sau Hiệp định Plaza năm 1985, đồng bạc xanh chỉ ghi nhận mức giảm mạnh hơn với cùng kỳ thời gian trong một số sự kiện chấn động như cú sốc lạm phát toàn cầu kéo dài đến tháng 01/2023; cuộc khủng hoảng niềm tin của doanh nghiệp Mỹ năm 2002; và giai đoạn hậu Black Monday năm 1987. Nói cách khác, đây là một cú sụt giảm với quy mô lịch sử, và sự xói mòn niềm tin nghiêm trọng đến mức có thể cần rất nhiều thời gian và nỗ lực mới có thể khôi phục. Giới đầu tư có lý do chính đáng để tin rằng chính quyền hiện tại không đủ quyết tâm để xoay chuyển tình thế và nỗ lực lấy lại niềm tin.
Bên cạnh việc Trump tuyên bố không có ý định sa thải Chủ tịch Fed Powell, vẫn còn hai kịch bản khác có thể giúp đồng bạc xanh phục hồi phần nào. Đầu tiên là bằng chứng về một số thỏa thuận thương mại nhanh chóng và có ý nghĩa được ký kết với các đối tác thương mại quan trọng. Ví dụ, các thỏa thuận với Nhật Bản, Vương quốc Anh và Ấn Độ sẽ phần nào xoa dịu lo ngại và củng cố kỳ vọng rằng nhiều quốc gia sẽ không bị áp dụng thuế quan trả đũa. Mặc dù vậy, các thỏa thuận thương mại song phương thường phức tạp và yêu cầu quá trình đàm phán kéo dài, nên khó có thể kỳ vọng kịch bản này sẽ diễn ra nhanh chóng. Đến với kịch bản thứ hai, một tuyên bố công khai từ Tổng thống Trump hoặc các quan chức cấp cao khác khẳng định rằng chính quyền không có chủ trương và sẽ không theo đuổi chính sách làm suy yếu đồng bạc xanh cũng có thể mang lại hiệu ứng tích cực, ít nhất là trong ngắn hạn, mặc dù hành động thực tế luôn có sức nặng hơn lời nói suông.
Một diễn biến đáng chú ý khác là việc Mỹ có dấu hiệu nhượng bộ, đặc biệt là trong mối quan hệ với Trung Quốc. Bloomberg đưa tin hôm qua rằng, tại một sự kiện kín, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent được cho là đã nhận định rằng tình trạng bế tắc về thuế quan Mỹ-Trung "không thể kéo dài" do mức thuế quan hiện hành đồng nghĩa với việc áp đặt một lệnh cấm vận thương mại thực tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Do đó, ông hy vọng tình hình sẽ hạ nhiệt và các cuộc đàm phán sẽ được nối lại. Trump cũng đã góp phần xoa dịu căng thẳng khi tuyên bố rằng ông sẽ "rất mềm mỏng" với Trung Quốc và thuế quan có thể được hạ xuống "đáng kể".
Dự đoán hành động của Tổng thống Trump là bài toán khó, nhưng Scott Bessent đã đúng khi nhận định rằng tình hình hiện tại khó có thể duy trì. Biến động mạnh của đồng bạc xanh cho thấy, nếu những thông tin tích cực về việc giảm leo thang căng thẳng thương mại này tiếp tục được củng cố, chúng ta có thể chứng kiến đà phục hồi được mở rộng. Mặc dù vậy, giới đầu tư có thể vẫn thận trọng, và xét trên nhiều phương diện, những thiệt hại đã xảy ra đồng nghĩa với việc bất kỳ sự phục hồi nào của USD cũng chỉ mang tính tạm thời và tương đối hạn chế.
Mức tăng/giảm tương đối của chỉ số DXY trong 55 ngày (%)
MUFG Research