Westpac IQ: Phố Wall ngược dòng giữa những lo ngại về thuế quan; thị trường ngoại hối lặng sóng, AUD suy yếu trước thềm công bố quyết định lãi suất của RBA

Westpac IQ: Phố Wall ngược dòng giữa những lo ngại về thuế quan; thị trường ngoại hối lặng sóng, AUD suy yếu trước thềm công bố quyết định lãi suất của RBA

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

06:16 01/04/2025

Bản tin tổng hợp thị trường từ Ngân hàng Westpac.

Những điểm chính

Nhìn chung, thị trường tài chính tiếp tục dõi theo sát các diễn biến xoay quanh chính sách thương mại của Mỹ và những tác động tiềm tàng của việc tăng thuế nhập khẩu lên tăng trưởng và lạm phát. Không có tín hiệu rõ ràng nào về mức thuế mà Tổng thống Trump có thể sẽ công bố, khiến thị trường loay hoay trong mơ hồ, song biến động vẫn ở mức cao.

Chứng khoán Mỹ phục hồi, trong khi trái phiếu chính phủ (TPCP) các nền kinh tế lớn tiếp tục đà tăng giá. Hầu hết các đồng tiền chủ chốt biến động nhẹ. AUD suy yếu trước thềm công bố quyết định lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA).

Sơ lược diễn biến thị trường

Ngay trước thềm thông báo của Tổng thống Trump về các biện pháp thuế quan đối ứng dự kiến được công bố vào ngày mai, thị trường tài chính vẫn đang đổ dồn sự chú ý vào chính sách thương mại của Mỹ và tác động của việc áp dụng mức thuế nhập khẩu cao hơn đối với tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Các lo ngại xoay quanh kịch bản đình lạm, nhưng với những thông điệp mâu thuẫn từ chính quyền Trump về nội dung dự kiến công bố, thị trường đang chật vật tìm kiếm phương hướng, song biến động vẫn ở mức cao.

Chứng khoán

Các chỉ số chứng khoán lớn đồng loạt chìm trong sắc đỏ, chịu ảnh hưởng từ phiên giao dịch đầy bi quan trên thị trường Mỹ hôm thứ Sáu, với mức giảm khoảng 2%. Nỗi lo về thuế quan đã kéo chứng khoán Châu Á đi xuống, với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 4%, trong khi ASX 200 của Úc giảm 1.7%. Dù nhìn chung khởi sắc hơn từ đầu năm đến nay, chứng khoán Châu Âu cũng không thể thoát khỏi vòng xoáy tiêu cực trong phiên giao dịch gần nhất – Euro Stoxx 50 giảm 1.6%, thu hẹp mức tăng trưởng từ đầu năm xuống còn khoảng 7%. Mặt khác, chỉ số S&P 500 mở cửa trong sắc đỏ, nhưng sau đó đã đảo ngược xu hướng và đi lên trong suốt phiên, đóng cửa với mức tăng 0.6%.

Lợi suất

Mặc dù chứng khoán Mỹ tăng điểm, TPCP của các nền kinh tế lớn cũng đồng loạt tăng giá. Lợi suất TPCP Mỹ giảm ngay khi mở cửa, và mặc dù có sự hồi phục nhẹ về cuối phiên, lợi suất trên toàn bộ kỳ hạn vẫn thấp hơn từ 2-3 bps so với mức đóng cửa hôm thứ Sáu. Xu hướng tương tự cũng diễn ra trên các thị trường khác, ngoại trừ TPCP Đức (Bunds), tăng nhẹ ở kỳ hạn 10 năm. Ngoài ra, trước thềm công bố quyết định chính sách của RBA, được dự đoán rộng rãi là sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành, lợi suất TPCP Úc cũng giảm, với kỳ hạn 10 năm giảm 8 bps xuống 4.38%.

Ngoại hối

Các đồng tiền chủ chốt hầu như không biến động đáng kể, bất chấp những tác động từ việc các nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục trước thông báo về thuế quan và các dòng vốn cuối quý. Chỉ số DXY tăng nhẹ 0.1%, trong khi EUR, GBPJPY đều suy yếu ở mức tương tự. AUD mất giá 0.6%, cùng với NZD giảm 0.7%, trở thành hai đồng tiền G10 yếu nhất.

Hàng hóa

Giá dầu thô tiếp tục leo thang do Tổng thống Trump đe dọa sẽ cân nhắc áp dụng các biện pháp thuế quan thứ cấp để hạn chế xuất khẩu của Nga nếu nước này không đồng ý ngừng bắn với Ukraine. Giá đồng tiếp tục xu hướng giảm do lo ngại về thuế quan. Giá quặng sắt suy yếu do các nhà môi giới báo cáo rằng Trung Quốc có kế hoạch thắt chặt những hạn chế đối với xuất khẩu thép không chịu thuế VAT. Mặt khác, vàng dẫn đầu một đợt tăng giá ngoạn mục của nhóm tài sản trú ẩn an toàn, nhảy vọt 1.2% trong phiên hôm qua (khoảng hơn 50 USD/oz tính từ mức thấp nhất trong phiên), chạm mức cao kỷ lục mới 3,128 USD/oz trước khi thoái lui về giao dịch quanh 3,125 USD/oz tại thời điểm viết bài.

Nhịp đập vĩ mô

Mỹ

Chỉ số triển vọng sản xuất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh Dallas, một cuộc khảo sát dành cho các giám đốc điều hành doanh nghiệp tại Texas, cho thấy một bức tranh trái chiều về tình hình lĩnh vực sản xuất của Mỹ trong tháng 3. Chỉ số sản xuất chung giảm 8 điểm xuống -16.3, mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Ngược lại, chỉ số sản lượng tăng đáng kể sau khi giảm mạnh trong tháng 2, với số liệu mới nhất gần bằng mức trung bình của Q4/2024.

Chỉ số phụ về đơn đặt hàng mới cũng ghi nhận sự cải thiện. Dù vậy, khảo sát cho thấy các nhà sản xuất đang có xu hướng cắt giảm lực lượng lao động. Nhìn chung, các cuộc khảo sát tâm lý kinh doanh của Mỹ gần đây đều cho thấy biến động mạnh, chủ yếu phản ánh sự bất ổn xoay quanh vấn đề thuế quan.

Về phía Fed, những bình luận gần đây từ các quan chức nhìn chung mang giọng điệu diều hâu. Chủ tịch Fed chi nhánh New York – John Williams trong bài phát biểu gần đây đã nhấn mạnh những rủi ro gia tăng đối với lạm phát của Mỹ từ chính sách thuế quan. Ông cũng thừa nhận rằng mức độ bất ổn cao đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhưng đồng thời lưu ý rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang trong tình trạng tốt. Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond – Tom Barkin, cũng nhận định rằng nền kinh tế đang ở trong "giai đoạn khó khăn". Về lạm phát, ông cho rằng Fed sẽ cần thêm bằng chứng cho thấy lạm phát vẫn đang hạ nhiệt trước khi cân nhắc việc tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Trung Quốc

Các chỉ số PMI chính thức của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy sự cải thiện vào cuối Q1. PMI sản xuất tăng lên 50.5, mức cao nhất trong 12 tháng, trong khi PMI dịch vụ cũng tăng lên 50.8. Qua đó, đưa chỉ số tổng hợp lên 51.4. Dù vậy, tính chung cả Q1, PMI tổng hợp trung bình vẫn thấp hơn mức 51.3 của Q4. Song, con số này khá gần với mức trung bình của năm 2024, cho thấy triển vọng đạt được mức tăng trưởng 5%/năm tương đương với năm trước.

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ