Westpac IQ: Nhà đầu tư chốt lời vàng, bắt đáy cổ phiếu công nghệ Mỹ; Tổng thống Trump phát tín hiệu “cứng rắn” về làn sóng thuế quan trả đũa sắp tới

Thành Duy
Junior editor
Bản tin tổng hợp và nhận định bởi Ngân hàng Westpac.

Điểm chính
- Chứng khoán Mỹ hồi phục vào thứ Sáu, nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu công nghệ sau những phiên bán tháo trước đó, trong khi thị trường toàn cầu nhìn chung yếu hơn, ngoại trừ Úc.
- Bối cảnh địa chính trị vẫn căng thẳng khiến hầu hết các đồng tiền chủ chốt đều mất giá so với USD, đẩy chỉ số DXY lên trên mốc 104.00 khi kết thúc tuần. AUD, NZD và GBP là những đồng tiền chịu áp lực giảm giá mạnh nhất.
- Xu hướng này cũng hỗ trợ giá dầu vào cuối tuần. Mặt khác, nhóm kim loại nói chung và vàng đều giảm giá do áp lực chốt lời.
Sơ lược diễn biến thị trường
Không có nhiều dữ liệu kinh tế mới được công bố và các thông báo chính sách vào thứ Sáu cũng ít biến động hơn, tạo điều kiện cho thị trường có thời gian điều chỉnh. Nhà đầu tư đã chốt lời vàng và quay trở lại mua vào cổ phiếu công nghệ sau đợt bán tháo vừa qua. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa hoàn toàn ổn định, với những diễn biến địa chính trị căng thẳng tiếp tục chi phối xu hướng của thị trường tiền tệ và dầu mỏ. Cuối tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát tín hiệu rằng làn sóng thuế quan trả đũa sắp tới, dự kiến có hiệu lực từ ngày 02/04, sẽ được nhắm mục tiêu cụ thể và tập trung hơn so với các chính sách trước đó.
Chứng khoán
Phố Wall khép lại phiên giao dịch thứ Sáu với mức tăng điểm nhẹ, chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của nhóm cổ phiếu công nghệ. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng tăng 0.1%, trong khi NASDAQ, tập trung vào công nghệ, tăng mạnh hơn với 0.5%. Ngược lại, hầu hết các thị trường chứng khoán khác đều chìm trong sắc đỏ, đáng chú ý là sự sụt giảm mạnh tại Hồng Kông (-2.2%) và Thượng Hải (-1.5%). Xu hướng giảm cũng lan sang các thị trường Châu Âu, với Euro Stoxx 50 (-0.5%), FTSE 100 của London (-0.6%) và DAX của Đức (-0.5%). Riêng tại Úc, ASX 200 tăng 0.2%, nhờ vào sức kéo của nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, phản ánh phản ứng tích cực với kết quả điều tra của Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) về lĩnh vực siêu thị. Dù vậy, thị trường tương lai dự báo khả năng giảm điểm khi mở cửa phiên đầu tuần, phản ánh tác động từ phiên giao dịch khó khăn của thị trường Mỹ trước khi nhóm cổ phiếu công nghệ phục hồi vào phút chót.
Ngoại hối
USD là điểm sáng khi hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác đều suy yếu, do tâm lý e ngại rủi ro giữa bối cảnh bất ổn địa chính trị. Điều này giúp chỉ số DXY vượt qua ngưỡng 104.00, tăng 0.2% và đóng cửa ở mức 104.10. AUD (-0.5%), NZD (-0.4%) và GBP (-0.4%) là những đồng tiền chịu áp lực giảm giá mạnh nhất so với USD, trong khi các đồng tiền chính khác trong rổ tiền tệ DXY cũng suy yếu, bao gồm EUR (-0.3%) và JPY (-0.4%).
Lợi suất
Lợi suất trái phiếu biến động nhẹ, tương tự phiên giao dịch trước đó, với đà tăng vào giữa phiên rồi sau đó đảo ngược lại. Nhìn chung, lợi suất dốc lên, với lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm 2 bps, trong khi kỳ hạn 10 năm nhích nhẹ 1 bps. TPCP Anh (Gilts) tiếp tục ổn định sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vào thứ Năm, với lợi suất kỳ hạn 2 năm tăng 3 bps, còn kỳ hạn 10 năm tăng 7 bps. Đường cong lợi suất của Úc cũng dốc lên đôi chút, với lợi suất kỳ hạn 3 năm nhích nhẹ 1 bps, trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 2 bps.
Hàng hóa
Giá dầu tăng vào cuối tuần, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông, sau các cuộc không kích của Mỹ vào lực lượng Houthi và của Israel vào Dải Gaza. Giá dầu WTI tăng 0.3% lên 68.28 USD/thùng, trong khi Brent tăng 0.2% lên 72.16 USD/thùng. Giá các kim loại cơ bản suy yếu, với mức giảm được ghi nhận ở đồng (-0.8%), nhôm (-1.4%) và niken (-1.4%). Giá quặng sắt tăng 0.3%, trái ngược với giá vàng giảm gần 0.7% sau khi đạt mức cao kỷ lục mới 3,057 USD/oz vào thứ Năm, kết tuần tại 3,023 USD/oz.
Nhịp đập vĩ mô
New Zealand
Cán cân thương mại của New Zealand thặng dư 510 triệu NZD vào tháng 2, sau khi thâm hụt 544 triệu NZD trong tháng 1. Con số này phù hợp với kỳ vọng chung, phản ánh sự gia tăng theo mùa của khối lượng xuất khẩu và giá cả hàng hóa.
Nhật Bản
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 cho thấy lạm phát toàn phần giảm ít hơn dự kiến (từ 4.0% xuống 3.7% so với cùng kỳ năm ngoái), trong khi lạm phát lõi (không bao gồm thực phẩm tươi sống và năng lượng) khớp với dự báo, tăng từ 2.5% lên 2.6% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này củng cố niềm tin của các nhà hoạch định chính sách rằng lạm phát đang ở mức bền vững, đồng thời thúc đẩy kỳ vọng của thị trường vào khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất trong năm nay.
Eurozone
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng sơ bộ trong tháng 3 gần như không đổi ở mức -14.5, tương đương mức trung bình 5 năm. Bên cạnh đó, khảo sát tâm lý người tiêu dùng GfK của Anh cũng gần như không đổi ở mức -19.0, cao hơn một chút so với mức trung bình 5 năm.
Mỹ
John Williams, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh New York, trong bài phát biểu vào tối thứ Sáu đã tái khẳng định trạng thái hiện tại của chính sách tiền tệ là "hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh thị trường lao động vững chắc và lạm phát vẫn cao hơn một chút so với mục tiêu 2%." Ngoài ra, Austan Goolsbee, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, nhấn mạnh tác động nhất thời của lạm phát, cho rằng "các biện pháp thuế quan một lần không bị trả đũa và không lan rộng" thì "chỉ mang tính nhất thời và chính sách tiền tệ sẽ bỏ qua yếu tố này." Mặt khác, Christopher Waller, thành viên Hội đồng Thống đốc Fed, đã trình bày chi tiết về quan điểm bất đồng của mình đối với quyết định gần đây về việc giảm tốc độ thắt chặt định lượng.
Westpac IQ