Westpac IQ: Điểm tin sáng - Đồng bạc xanh tiếp tục suy yếu, Yên Nhật đồng pha giúp USD/JPY phục hồi

Westpac IQ: Điểm tin sáng - Đồng bạc xanh tiếp tục suy yếu, Yên Nhật đồng pha giúp USD/JPY phục hồi

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

09:20 19/11/2024

Bản tin sáng từ Westpac IQ.

Điểm chính

  • Các thị trường chủ chốt mở đầu tuần giao dịch tương đối êm đềm, dù động lực từ chiến thắng của Trump tiếp tục hạ nhiệt khi nhà đầu tư chốt lời và chờ đợi những chi tiết chính sách cụ thể từ chính quyền mới.
  • Phố Wall khép lại phiên giao dịch trong sắc xanh, nhưng tâm lý thị trường kém lạc quan hơn tại Châu Âu và Châu Á vào hôm qua, ngoại trừ chứng khoán Úc với chỉ số ASX 200 vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ.
  • Lợi suất TPCP Mỹ giảm nhẹ, nhưng lại tăng vừa phải tại Châu Âu. Kỳ vọng về lộ trình lãi suất của các ngân hàng trung ương gần như không thay đổi.
  • Chỉ số DXY giảm phiên thứ hai liên tiếp. Dường như đây là giai đoạn củng cố, và một vùng giao dịch mới ở mức cao hơn, có thể sẽ được thiết lập từ thời điểm này.

Chứng khoán

Phố Wall khởi sắc đầu tuần sau chuỗi ngày bán tháo kéo dài trong tuần trước. Chỉ số S&P 500 và NASDAQ tăng lần lượt 0.4% và 0.6%, trong khi Dow Jones giảm 0.1%. Đáng chú ý, chỉ số đo lường biến động VIX đã hạ nhiệt đáng kể sau cú tăng đột biến hôm thứ Sáu.

Chứng khoán Châu Âu diễn biến trái chiều. Chỉ số Euro Stoxx 50 giảm nhẹ 0.1%, tương tự DAX (Đức), trong khi FTSE 100 (Anh) tăng 0.6%. Ở một diễn biến khác, ASX 200 (Úc) tăng 0.2% sau khi đảo ngược đà giảm đầu phiên. Hồng Kông là thị trường chứng khoán lớn lớn duy nhất ghi nhận sắc xanh trong ngày hôm qua với Hang Seng tăng 0.8%. Chứng khoán Nhật Bản giảm 1.1%, đi cùng với sự suy yếu của JPY.

Lợi suất

Lợi suất TPCP Mỹ giảm nhẹ đêm qua nhưng nhìn chung vẫn nằm trong biên độ giao dịch gần đây, với kỳ hạn 2 năm và 10 năm đều giảm 2 bps, xuống lần lượt 4.28% và 4.42%; kỳ hạn 3 năm giảm nhẹ xuống 4.60%, sau khi chạm mức cao nhất trong năm tháng là 4.68%. Kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chính sách gần như không đổi, với xác suất cắt giảm lãi suất vào cuộc họp cuối cùng của năm 2024 rơi vào khoảng 40%, và tổng cộng 75 bps cho đến cuối năm 2025.

Ở mặt trận khác, lợi suất TPCP tại Châu Âu nhích nhẹ, với kỳ hạn 2 năm tăng từ 2-6 bps, trong khi kỳ hạn 10 năm tăng từ 1-5 bps. Hiện tại, thị trường dự đoán Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 12, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) được kỳ vọng sẽ giữ nguyên.

Bám sát diễn biến của thị trường trái phiếu Mỹ, lợi suất hợp đồng tương lai TPCP Úc kỳ hạn 3 năm giảm 2 bps xuống 4.09%, trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 3 bps xuống 4.59%. Hiện tại, thị trường vẫn thiếu chắc chắn về khả năng RBA cắt giảm lãi suất trước giữa năm 2025. Khả năng ngân hàng trung ương này cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 02/2025 chỉ rơi vào khoảng 40%.

Ngoại hối

USD tiếp tục suy yếu, xác lập chuỗi giảm hai phiên. Nhịp điều chỉnh này có thể báo hiệu giai đoạn củng cố khi nhà đầu tư chốt lời các “Trump trade” và chờ đợi thêm thông tin chi tiết về chính sách từ chính quyền mới.

AUD/USD tìm thấy lực cầu quanh mức 0.6440 và mở ra đà phục hồi đáng kể, thành công lấy lại ngưỡng 0.6500. Về triển vọng, AUD vẫn có thể tiếp tục tăng miễn là RBA duy trì chính sách lãi suất hiện tại đến năm sau. Mặt trái của vấn đề, điều này cũng khiến AUD dễ bị tổn thương nếu RBA phát đi bất kỳ tín hiệu ôn hòa nào.

EUR/USD phục hồi phiên thứ hai liên tiếp nhờ sự suy yếu của USD. Dù tăng giá, nhưng EUR chưa thực sự cho thấy sức mạnh đáng kể so với các đồng tiền G10 khác sau cuộc bầu cử Mỹ, và ngưỡng 1.0600 đối với EUR/USD vẫn còn bỏ ngỏ.

USD/JPY vượt ngưỡng 155.00 lên mức cao 155.36 trong phiên hôm qua, sau những phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) - Kazuo Ueda, vốn được thị trường nhận định là tương đối ôn hòa, dù ông vẫn giữ quan điểm ủng hộ chính sách thắt chặt. Sáng nay, cặp tiền đã đánh mất phần lớn mức tăng của hôm qua, giảm về giao dịch quanh 154.10 tại thời điểm viết bài.

Hàng hóa

Giá dầu thô tăng lên mức cao nhất trong một tuần do lo ngại về gián đoạn nguồn cung và căng thẳng địa chính trị leo thang. Thông tin về việc mỏ dầu Sverdrup của Na Uy ngừng hoạt động do sự cố mất điện là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy đà tăng này. Chưa kể, những dấu hiệu cho thấy Mỹ và đồng minh có thể cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga đã làm gia tăng lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung nhiên liệu cho phương Tây. Việc mỏ dầu Tengiz tại Kazakhstan giảm sản lượng 30% do bảo trì cũng góp phần hỗ trợ đà tăng của giá dầu thô.

Giá kim loại biến động trái chiều, với đồng tăng 0.8% lên 8,955 USD/tấn, trong khi nhôm giảm 1.5% xuống 2,610 USD/tấn. Nhìn chung, thị trường chưa có nhiều thông tin mới, tuy nhiên vẫn tập trung vào việc Trung Quốc hủy bỏ chính sách hoàn thuế đã từng thúc đẩy xuất khẩu.

Đáng chú ý, giá quặng sắt phục hồi đáng kể trong hôm qua. Một số nhà phân tích cho rằng các nhà sản xuất thép có thể sẽ "đón đầu" việc tăng thuế từ chính quyền Trump sắp tới. Mặt khác, nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có thêm thông báo chính sách từ Trung Quốc tại các cuộc họp sắp tới, trong đó, Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương được cho là sự kiện quan trọng nhất.

Điểm nhấn các nền kinh tế

Úc: Phó Thống đốc RBA - Christopher Kent, đã có bài phát biểu về hiệu quả truyền dẫn của chính sách tiền tệ tại Úc. Ông tái khẳng định rằng mặc dù có những khác biệt về cấu trúc giữa Úc và các nền kinh tế tiên tiến khác, chẳng hạn như tỷ lệ nợ vay mua nhà lãi suất thả nổi cao và tỷ lệ nợ hộ gia đình/thu nhập lớn, nhưng tác động của chính sách tiền tệ lên hoạt động kinh tế và lạm phát không có nhiều khác biệt giữa các nền kinh tế lớn. Mặc dù các kênh truyền dẫn của chính sách có thể khác nhau do những đặc thù riêng của từng nền kinh tế, nhưng nhìn chung tác động tổng thể lên tăng trưởng và lạm phát là tương đồng.

Eurozone: Dữ liệu công bố chiều qua cho thấy thặng dư thương mại phục hồi trong tháng 9, tăng 2.8 tỷ EUR lên 13.6 tỷ EUR. Kim ngạch xuất khẩu tăng 0.4%, trong khi nhập khẩu giảm 0.8% sau hai tháng tăng liên tiếp. Với lĩnh vực sản xuất suy yếu, hoạt động xuất khẩu của khu vực nhìn chung vẫn chìm trong cơn trì trệ kéo dài kể từ năm 2022, và các số liệu mới nhất chưa cho thấy nhiều tín hiệu cải thiện. Đáng chú ý, thặng dư thương mại song phương giữa Eurozone và Mỹ đạt mức kỷ lục trong Q3, một yếu tố mà chính quyền mới của Mỹ khó có thể bỏ qua khi xem xét các chính sách thuế quan.

Nhật Bản: Đơn đặt hàng máy móc cốt lõi, một chỉ báo về chi tiêu vốn trong tương lai, giảm 0.7% trong tháng 9 (dự báo: tăng 1.5%). So với cùng kỳ năm trước, đơn đặt hàng giảm 4.8%, thấp hơn nhiều so với dự kiến và là mức yếu nhất kể từ đầu năm. Mặc dù là một chỉ số khá biến động, nhưng nó cho thấy đà phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh.

Điểm này đã được ông Ueda nhấn mạnh trong bài phát biểu hôm qua. Ông vẫn giữ lập trường thận trọng, khẳng định rằng việc tiếp tục thu lại các biện pháp hỗ trợ là phù hợp nếu đà phục hồi kinh tế hiện tại được duy trì. Dù vậy, ông không tỏ ra vội vàng trong việc tăng lãi suất, nhấn mạnh rằng các quyết định sẽ được đưa ra dựa trên từng cuộc họp và BoJ sẽ theo dõi sát sao các rủi ro từ bên ngoài, đặc biệt là từ sự thay đổi chính quyền tại Mỹ.

Mỹ: Khảo sát thị trường nhà ở của NAHB cho thấy niềm tin của các nhà xây dựng tại Mỹ đã cải thiện trong tháng 11. Chỉ số niềm tin tăng 3 điểm lên 46 điểm, mức cao nhất trong bảy tháng. Điều kiện bán hàng hiện tại được đánh giá là đã cải thiện đôi chút, nhưng động lực chính đến từ kỳ vọng tích cực hơn về doanh số bán hàng trong sáu tháng tới, với chỉ số này tăng 7 điểm lên 64 điểm, mức cao nhất kể từ giữa năm 2022.

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ