USD đối mặt áp lực suy yếu kéo dài, vàng trở thành kênh trú ẩn nổi bật

Huyền Trần
Junior Analyst
Đồng USD đang chịu áp lực giảm giá khi lợi suất trái phiếu và thị trường chứng khoán Mỹ đồng thời suy yếu, khiến nhà đầu tư quốc tế cân nhắc lại mức độ hấp dẫn của tài sản định giá bằng USD. Theo Goldman Sachs, xu hướng này có thể tiếp diễn trong thời gian tới, trong khi vàng nổi lên như một kênh trú ẩn nhờ nhu cầu tăng mạnh từ các ngân hàng trung ương và rủi ro suy thoái gia tăng.

Đồng USD đang bước vào một giai đoạn suy yếu kéo dài khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và thị trường chứng khoán đồng loạt giảm. Điều này buộc giới đầu tư quốc tế phải đánh giá lại mức độ hấp dẫn của các tài sản định giá bằng USD, theo nhận định của ông Kamakshya Trivedi – Trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối, lãi suất và thị trường mới nổi toàn cầu tại Goldman Sachs.
“Xu hướng suy yếu của USD nhiều khả năng sẽ tiếp diễn,” ông Trivedi chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg TV vào sáng thứ Ba. “Chúng tôi cho rằng đà giảm này không chỉ kéo dài mà còn ngày càng rõ nét.”
Ông cho biết đến nay đồng euro là đồng tiền hưởng lợi nhiều nhất từ sự suy yếu của USD, nhưng đồng yên có thể sẽ là cái tên tiếp theo. “Nếu các chỉ số kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động Mỹ, bắt đầu suy yếu – điều vẫn chưa xảy ra rõ ràng – thì đồng yên có thể quay trở lại đường đua. Với vai trò là tài sản trú ẩn truyền thống, đồng yên có thể nhanh chóng về mức 130 nếu dữ liệu kinh tế bắt đầu xấu đi.”
“Câu hỏi lúc này là đồng euro hay đồng yên sẽ dẫn dắt đà giảm của USD,” ông nói thêm. “Nhưng điều chắc chắn là xu hướng suy yếu của USD vẫn còn nguyên động lực.”
Trả lời câu hỏi về việc liệu USD có đang bước vào một giai đoạn suy yếu mang tính cấu trúc hay không, ông Trivedi nhận định: “Tôi cho rằng có sự thay đổi mang tính căn bản trong cục diện thị trường.”
Theo ông, yếu tố đầu tiên là triển vọng kinh tế Mỹ. “Nguy cơ suy thoái đang ở mức cao một cách bất thường. Giới đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, đang đánh giá lại triển vọng của các tài sản Mỹ – không chỉ cổ phiếu mà cả trái phiếu – khi cả hai đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nền kinh tế.”
Trivedi nhấn mạnh một yếu tố quan trọng khác: Sự thay đổi trong mối tương quan giữa trái phiếu và cổ phiếu Mỹ. “Trước đây, khi thị trường chứng khoán đi xuống, trái phiếu chính phủ Mỹ thường tăng giá, mang lại hiệu quả phòng ngừa rủi ro. Nhưng hiện tại, điều này không còn đúng nữa. Nếu là nhà đầu tư nước ngoài, lý do sở hữu trái phiếu Mỹ đã không còn hấp dẫn như trước. Lợi nhuận giảm, rủi ro gia tăng – buộc họ phải cân nhắc lại toàn bộ chiến lược.”
Khi được hỏi liệu đà tăng mạnh của giá vàng – hiện đã vượt 3,500 USD/ounce khi tính theo lạm phát – có phải là dấu hiệu của làn sóng dịch chuyển bền vững khỏi USD hay không, ông Trivedi cho rằng vàng đang phản ánh đúng xu thế đó.
“Thị trường vàng đã thể hiện điều này suốt thời gian qua,” ông nói. “Nhiều ngân hàng trung ương đang tăng cường tích trữ vàng – đây là động lực lớn thúc đẩy giá. Họ muốn đa dạng hóa khỏi các tài sản định giá bằng USD và tìm đến nơi trú ẩn thay thế an toàn hơn. Vàng chính là một lựa chọn nổi bật.”
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: “Dù USD đang yếu đi, nhưng hiện vẫn chưa có một đồng tiền nào có thể thay thế rõ ràng. Điều này luôn là trở ngại lớn trong quá khứ và vẫn đúng ở hiện tại.”
“USD có thể tiếp tục giữ vai trò chi phối trong thương mại toàn cầu thêm một thời gian nữa,” ông Trivedi cho biết. “Tuy nhiên, việc dòng vốn đầu tư mới bắt đầu phân bổ sang các loại tài sản khác ngoài USD có thể tiếp tục duy trì áp lực giảm giá lên đồng bạc xanh và đây là điều chúng tôi dự báo.”
Hôm 14 tháng 4, Goldman Sachs đã nâng dự báo giá vàng cuối năm từ 3,300 USD lên 3,700 USD/ounce. Nguyên nhân đến từ lực mua mạnh hơn dự kiến của các ngân hàng trung ương cùng với rủi ro suy thoái ngày càng rõ rệt, thúc đẩy dòng tiền chảy vào vàng.
Theo ước tính mới, nhu cầu mua vàng từ ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ đạt trung bình 80 tấn mỗi tháng – cao hơn mức 70 tấn trong dự báo trước, và gấp nhiều lần mức trung bình 17 tấn/tháng trước năm 2022. Ngoài ra, Goldman cũng ghi nhận dòng tiền vào các quỹ ETF vàng đang tăng nhanh do lo ngại suy thoái, với xác suất Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới được ngân hàng này ước tính lên tới 45%.
Trong trường hợp lực mua từ ngân hàng trung ương đạt tới 100 tấn/tháng, giá vàng có thể chạm mức 3,810 USD/ounce vào cuối năm 2025. Nếu kịch bản suy thoái xảy ra, dòng vốn có thể quay trở lại các ETF vàng lên mức đỉnh như thời kỳ đại dịch – và điều này có thể đẩy giá lên tới 3,880 USD.
Trong một báo cáo ngày 7 tháng 4, các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs khẳng định bất kỳ đợt điều chỉnh nào của giá vàng cũng là cơ hội để mua vào, và tiếp tục coi vàng là chiến lược đầu tư đáng tin cậy nhất trong nhóm hàng hóa.
“Chúng tôi giữ nguyên dự báo 3,300 USD/ounce cho cuối năm, với vùng dao động từ 3,250 – 3,520 USD, phản ánh khả năng tăng giá cao hơn từ vị thế đầu tư,” nhóm phân tích cho biết. “Rủi ro so với dự báo hiện tại tiếp tục nghiêng về hướng tăng.”
Goldman cũng lưu ý rằng vàng và các kim loại quý không nằm trong diện áp thuế mới và không kỳ vọng chính quyền Trump sẽ áp thuế lên các mặt hàng này trong tương lai.
Vàng vẫn là tâm điểm trong triển vọng hàng hóa của Goldman, nhờ sự kết hợp giữa rủi ro vĩ mô và vị thế đầu tư chưa quá đông đúc. “Chúng tôi coi mọi nhịp điều chỉnh của giá vàng là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng vị thế mua,” báo cáo kết luận.
Kitco