Thuế quan của Trump thách thức thương mại toàn cầu, nhưng chưa đủ để đánh gục

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Dù Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang suy yếu, sự phản ứng thực tế và linh hoạt từ các quốc gia khác có thể sẽ cứu vãn thương mại toàn cầu.

Donald Trump và những chính sách phá vỡ thương mại của ông như một cú sét đánh ngang trời. Nhiều chính sách đối nội của ông trong nhiệm kỳ này còn cực đoan hơn cả giai đoạn đầu cầm quyền. Tuy nhiên, với thương mại và toàn cầu hóa, Trump không hẳn là sự đột ngột. Các xu hướng hoài nghi thương mại đã âm ỉ trong chính trường Mỹ từ trước, cả trong chính quyền Trump đầu tiên lẫn trong nhiều đời tổng thống trước đó. Dù dư luận chung của người Mỹ không phải lúc nào cũng phản đối tự do thương mại, những dòng tư tưởng trong chính giới Mỹ đã từ lâu coi các hiệp định thương mại, thậm chí thương mại nói chung, là nguồn cơn gây ra những khó khăn kinh tế - xã hội.
Các biện pháp thuế quan của Trump là hành động bảo hộ sâu rộng nhất kể từ thời Đại Khủng hoảng. Nhưng chính trường Mỹ đã có xu hướng đổ lỗi cho thương mại từ trước, coi đây là nguyên nhân khiến nền kinh tế và xã hội Mỹ gặp khó. Ảnh hưởng của Trump đối với hệ thống thương mại toàn cầu, đặc biệt là các tổ chức đa phương như WTO, dự kiến sẽ rất sâu sắc. Mỹ vốn là nước sáng lập WTO và từng là người chơi tích cực nhất. Việc Washington từ bỏ vai trò dẫn dắt luật chơi toàn cầu, cùng với những hành động như áp thuế và can thiệp thương mại, đang là phép thử lớn nhất cho hệ thống này kể từ những năm 1930.
Dù vậy, có nhiều lý do để tin rằng các biện pháp của Trump sẽ không tàn phá thế giới như thuế quan cao của Mỹ hồi đầu thập niên 1930 từng làm. Khác với thời kỳ đó, ngày nay không nền kinh tế lớn nào, kể cả Trung Quốc — đối thủ thương mại lớn nhất của Mỹ — có phản ứng tiêu cực mạnh với toàn cầu hóa như Mỹ. Các tổ chức kinh tế hiện đại, nhất là các ngân hàng trung ương, cũng có đủ công cụ để giảm thiểu tác động của cú sốc thương mại, ngăn chặn suy thoái toàn cầu.
Hơn nữa, 35 năm kể từ sau Chiến tranh Lạnh đã chứng minh rằng thương mại quốc tế — bao gồm hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, dòng vốn, con người và dữ liệu — có sức chống chịu rất lớn trước những cú sốc khác nhau.
Mặc dù Trump thể hiện sự coi thường WTO rất rõ rệt, nhưng thực ra từ lâu Mỹ đã chỉ gắn bó với hệ thống này trên tinh thần giao dịch. Ngay từ khi WTO được thành lập năm 1995, Washington đã nghi ngờ rằng tổ chức này có thể xâm phạm chủ quyền Mỹ. Mặc dù Mỹ thường xuyên dùng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO và thắng nhiều vụ kiện, Quốc hội Mỹ vẫn bức xúc trước những phán quyết ảnh hưởng đến quyền đánh thuế và khả năng tự xử lý các hành vi thương mại bất công theo cách của riêng mình.
Khi WTO bế tắc trong việc đạt được các hiệp định thương mại lớn từ thập niên 2000, Mỹ ngày càng thất vọng. Chính quyền Trump đã làm tê liệt cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO bằng cách ngăn bổ nhiệm các thẩm phán mới. Chính quyền Biden sau đó vẫn tiếp tục duy trì thế bế tắc này, yêu cầu cải cách WTO nhưng không đưa ra đề xuất cụ thể nào rõ ràng.
Ngày nay, WTO vẫn gặp khó khăn trong việc hoàn tất các thỏa thuận thương mại quy mô lớn, ngay cả giữa một nhóm nhỏ thành viên. Một phần nguyên nhân đến từ sự cản trở của Ấn Độ, dựa trên những toan tính chính trị nội bộ của nước này. Dù vậy, một số nước như EU, Trung Quốc và Nhật Bản đã cùng nhau xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp tạm thời để duy trì hoạt động của hệ thống.
Chính sự linh hoạt như vậy có thể sẽ cứu vãn không chỉ thương mại toàn cầu mà cả các cơ chế quản trị chính thức của nó. Nhiều chuyên gia đã dự báo từ lâu rằng hệ thống thương mại quốc tế có thể phân tách thành những khối địa chính trị riêng biệt, một bên do Mỹ dẫn dắt, một bên do Trung Quốc, và có thể có thêm một khối xoay quanh EU. Thực tế đã có một số tín hiệu theo hướng đó, theo nghiên cứu của WTO và IMF.
Chính quyền Trump đầu tiên đã áp thuế nặng vào hàng hóa Trung Quốc, khiến thương mại song phương sụt giảm. Nhưng IMF chỉ ra rằng một số nước mới nổi như Việt Nam và Mexico đã nổi lên như những "quốc gia kết nối", duy trì giao thương với cả Mỹ và Trung Quốc.
Chính quyền Biden có những nỗ lực tinh vi hơn nhằm lôi kéo các đồng minh kinh tế khỏi quỹ đạo công nghệ và thương mại của Trung Quốc, nhất là trong các lĩnh vực như xe điện. Tuy nhiên, ngay cả các đồng minh thân cận như EU cũng chọn cách duy trì hiện diện ở cả hai phía thay vì dứt khoát chọn phe.
Do đó, các nỗ lực của Trump nhằm buộc các nước phải "cắt đứt" với Trung Quốc để đổi lấy việc giảm thuế có lẽ cũng sẽ không thành công.
Không thể phủ nhận rằng mối đe dọa từ Trump đối với thương mại toàn cầu là lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. Nhưng cho rằng chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ sẽ nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới có lẽ là một nhận định sai lầm.
Financial Times