Thuế đối ứng của Mỹ với cả thế giới chính thức có hiệu lực

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Các mức thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hàng chục quốc gia đã chính thức có hiệu lực vào thứ Tư, bao gồm mức thuế khổng lồ 104% với hàng hóa Trung Quốc, khiến cuộc chiến thương mại toàn cầu ngày càng leo thang và kéo theo làn sóng bán tháo lan rộng trên các thị trường tài chính.

Chính sách thuế mạnh tay của ông Trump đã làm rung chuyển trật tự thương mại toàn cầu đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ, làm dấy lên lo ngại về suy thoái và thổi bay hàng nghìn tỷ USD khỏi giá trị vốn hóa của các tập đoàn lớn. Kể từ khi Trump công bố loạt thuế mới vào tuần trước, chỉ số S&P 500 đã chứng kiến mức sụt giảm sâu nhất kể từ khi chỉ số này ra đời vào những năm 1950, và hiện đang tiến gần ngưỡng giảm hơn 20% so với đỉnh gần nhất.
Ngay cả trái phiếu chính phủ – vốn được coi là tài sản an toàn – cũng bị cuốn vào vòng xoáy hoảng loạn trên thị trường trong ngày thứ Tư, dấu hiệu cho thấy áp lực bán tháo đang gia tăng, làm dấy lên hồi chuông cảnh báo đối với giới đầu tư.
Hợp đồng tương lai chứng khoán châu Âu và Mỹ tiếp tục giảm sâu, sau phiên giao dịch ảm đạm tại phần lớn thị trường châu Á. Tuy nhiên, cổ phiếu Trung Quốc đi ngược xu hướng nhờ sự can thiệp của nhà nước nhằm cứu vớt thị trường đang lao dốc.
Về phần mình, ông Trump vẫn tỏ ra bình thản trước cú sốc thị trường và phát tín hiệu không rõ ràng về việc liệu các mức thuế mới có được duy trì lâu dài hay không. Một mặt, ông gọi đây là biện pháp “vĩnh viễn”, mặt khác lại tuyên bố rằng chính sách thuế đang gây áp lực buộc các lãnh đạo khác phải đàm phán. “Nhiều quốc gia đang đến để đề nghị đàm phán,” ông phát biểu trong một sự kiện tại Nhà Trắng chiều thứ Ba. Sau đó, ông cho biết ông cũng kỳ vọng Trung Quốc sẽ quay lại bàn đàm phán.
Chính quyền Trump đã lên lịch gặp mặt với Hàn Quốc và Nhật Bản – hai đồng minh thân cận và là đối tác thương mại lớn, trong khi Thủ tướng Ý Giorgia Meloni dự kiến sẽ thăm Mỹ vào tuần tới. Phó Thủ tướng Việt Nam – quốc gia sản xuất giá rẻ ở châu Á đang bị đánh thuế nặng – cũng sẽ có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vào cuối ngày thứ Tư.
Viễn cảnh về các thỏa thuận thương mại đã từng giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm vào đầu ngày thứ Ba, song đến cuối phiên, các chỉ số đã quay đầu giảm điểm.
Bộ trưởng Tài chính Đức Joerg Kukies hôm thứ Tư cảnh báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đứng trước nguy cơ suy thoái lần nữa vì căng thẳng thương mại. Ngân hàng đầu tư JP Morgan thì ước tính có 60% khả năng kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trước cuối năm nay.
Mức độ bị ảnh hưởng bởi thuế quan của các quốc gia trên thế giới
Trung Quốc tuyên bố “phản công”
Ông Trump đã gần như tăng gấp đôi mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc – từ 54% lên 104% – nhằm đáp trả đòn thuế trả đũa của Bắc Kinh vào tuần trước. Trung Quốc đã tuyên bố sẽ kiên quyết phản đối và coi động thái này là một hành vi “tống tiền”.
Reuters cho biết, các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc có thể sẽ triệu tập một cuộc họp ngay trong ngày thứ Tư để thảo luận các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và ổn định thị trường vốn. “Mỹ tiếp tục lạm dụng thuế quan để gây áp lực với Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối và sẽ không bao giờ chấp nhận sự bắt nạt kiểu này,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến phát biểu trong một cuộc họp báo.
Các quốc gia khác cũng "ra tay"
Hàn Quốc đã công bố loạt biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ ngành ô tô, bao gồm miễn giảm thuế và trợ cấp. Ngân hàng trung ương New Zealand và Ấn Độ cũng đồng loạt hạ lãi suất trong ngày thứ Tư – một dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đang chuẩn bị cho làn sóng phòng vệ kinh tế tiếp theo.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng cuối cùng, người tiêu dùng Mỹ sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ cuộc chiến thương mại này – với giá cả tăng cao trên mọi mặt hàng, từ giày dép đến rượu vang.
Hãng âm thanh cao cấp Bang & Olufsen (Đan Mạch) thông báo sẽ tăng giá một số sản phẩm vào tháng tới để bù đắp tác động của thuế quan và chi phí sản xuất gia tăng.
Theo khảo sát mới của Reuters/Ipsos, gần 75% người dân Mỹ kỳ vọng giá các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng trong vòng 6 tháng tới.
Tuy nhiên, tác động đầy đủ của loạt thuế mới có thể chưa được cảm nhận ngay lập tức, do các lô hàng đã rời cảng trước thời điểm 0h ngày thứ Tư sẽ được miễn thuế nếu cập bến Mỹ trước ngày 27/5.
Trump có thể chưa dừng lại
Trước đó, Mỹ đã áp thuế 10% với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia vào thứ Bảy. Lệnh áp thuế mới nhất – có hiệu lực từ 12:01 sáng theo giờ ET – nhằm vào các quốc gia mà theo Trump là “đang lợi dụng nước Mỹ”.
Danh sách này bao gồm nhiều đồng minh thân cận, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) – nơi đang phải đối mặt với mức thuế 20%, cùng nhiều loại thuế đặc thù theo từng ngành. EU dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua các biện pháp trả đũa đầu tiên trong ngày hôm nay.
Ông Trump cho rằng các rào cản đối với hàng hóa Mỹ cần phải được dỡ bỏ để khắc phục mất cân đối thương mại. Ông cũng cáo buộc một số quốc gia, trong đó có Nhật Bản, đang cố tình phá giá đồng tiền của mình để có lợi thế xuất khẩu – điều mà Tokyo bác bỏ.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản hôm thứ Tư cho biết các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ có thể sẽ bao gồm cả vấn đề tỷ giá.
Ông Trump cũng bóng gió rằng làn sóng áp thuế chưa dừng lại. Trong buổi gặp các nghị sĩ Cộng hòa vào tối thứ Ba, ông nói rằng sẽ sớm công bố mức thuế "đáng kể" đối với mặt hàng dược phẩm – một trong số ít các nhóm hàng hóa vẫn được miễn thuế trong đợt áp thuế lần này.
Thuế quan có thể làm giá cả tiêu dùng nội địa Mỹ tăng cao
Reuters