Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc giữa làn sóng lo ngại suy thoái kinh tế do căng thẳng thương mại leo thang

Ngọc Lan
Junior Editor
Sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán Trung Quốc và lợi suất TPCP sụt giảm xuống gần mức thấp kỷ lục khi giới đầu tư chuẩn bị đối mặt với hậu quả từ cuộc xung đột thương mại ngày càng trầm trọng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Chỉ số theo dõi cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông sụt giảm hơn 9%, đặt thị trường vào tình thế điều chỉnh sâu, trong khi chỉ số CSI 300 nội địa giảm mạnh hơn 6%, chạm ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 9. Lợi suất TPCP Trung Quốc kỳ hạn 10 năm giảm 8 bps, tiệm cận mức thấp chưa từng có.
Làn sóng bán tháo dữ dội này càng làm trầm trọng thêm tình trạng hoảng loạn trên thị trường toàn cầu sau thông báo áp thuế toàn diện của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước và các biện pháp đáp trả liền sau đó từ Bắc Kinh. Những diễn biến này buộc các nhà đầu tư phải đối diện với thực tế rằng cuộc chiến thương mại đáng lo ngại giữa Trung Quốc và Mỹ đã bước sang một giai đoạn căng thẳng mới.
"Mọi người đang đổ xô đi bán và tôi chưa nhận được lệnh mua nào," Andy Maynard, Giám đốc bộ phận cổ phiếu tại China Renaissance chia sẻ. "Giới đầu tư đang hoang mang về các bước tiếp theo bởi rất khó dự đoán tình hình. Tôi nghĩ phần lớn đang rút lui khỏi vị thế và sẽ cực kỳ thận trọng trước khi tái tham gia thị trường."
Cổ phiếu Trung Quốc tại Hồng Kông lao dốc do lo ngại chiến tranh thương mại
Làn sóng bán tháo ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực khi tất cả cổ phiếu trong chỉ số Hang Seng China Enterprises đều giảm điểm trong phiên giao dịch đầu ngày. Đặc biệt, các gã khổng lồ công nghệ như Xiaomi và Meituan chịu tổn thất nặng nề, trở thành những nhân tố chính đè nặng lên chỉ số chung của thị trường.
Đợt bán tháo cổ phiếu Trung Quốc tạo thêm sức ép lên đà hồi phục đã chậm chạp từ quý đầu tiên, vốn được thúc đẩy bởi sự lạc quan về những tiến bộ của quốc gia này trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Chỉ số MSCI China đã tăng 13% từ đầu năm tính đến thứ Sáu, so với mức giảm gần 14% của chỉ số S&P 500.
Vẫn còn một số hy vọng rằng tình trạng hỗn loạn hiện tại trên thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, một phần nhờ niềm tin rằng Bắc Kinh sẽ triển khai đủ gói kích thích để bù đắp thiệt hại từ thuế quan. Theo nhận định của Kenny Wen - Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại KGI Asia, các nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia thị trường vào cuối tuần này, xem đợt bán tháo như cơ hội để mua vào khi giá giảm.
Nhu cầu trái phiếu tăng vọt
Trái phiếu chính phủ Trung Quốc tăng mạnh vào thứ Hai khi các nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn giữa lo ngại rằng mức thuế quan cao hơn của Mỹ sẽ gây tổn hại thêm cho nền kinh tế vốn đã mong manh của Trung Quốc. Lợi suất TPCP Trung Quốc kỳ hạn 10 năm giảm 8 bps xuống gần mức thấp kỷ lục, trong khi HĐTL tăng vọt.
Trên thị trường ngoại hối, PBoC đã hạ tỷ giá tham chiếu hàng ngày cho đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12. Đây có thể là tín hiệu ban đầu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ tăng trưởng thông qua chiến lược phá giá tiền tệ.
Theo đánh giá từ Wells Fargo, đồng Nhân dân tệ đối mặt với nguy cơ phá giá có chủ đích lên tới 15% trong khung thời gian hai tháng tới. Tình hình thậm chí có thể diễn biến căng thẳng hơn, với kịch bản Trung Quốc triển khai các biện pháp quyết liệt hơn, đẩy mức phá giá lên đến 30% nếu Bắc Kinh chọn cách can thiệp sâu vào chính sách tiền tệ, theo phân tích từ Jefferies Financial Group.
Những biến động mạnh trên thị trường Trung Quốc diễn ra vào thời điểm giới đầu tư lần đầu có cơ hội đánh giá toàn diện phản ứng chính thức từ Bắc Kinh đối với chính sách thuế quan mới của Mỹ, vốn được công bố trong thời gian thị trường đóng cửa nghỉ lễ vào thứ Sáu. Đáng chú ý, chính quyền Trung Quốc đã không chần chừ khi nhanh chóng triển khai các biện pháp thuế quan đáp trả, áp dụng mức thuế đối ứng tương xứng với những gì Washington đã áp đặt.
Phản ứng nhanh chóng này gây bất ngờ cho một số nhà đầu tư và làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ có thể tăng thuế quan đối với Trung Quốc một lần nữa. Tình huống này có thể dẫn đến chuỗi các động thái trả đũa qua lại, tiềm ẩn thảm họa cho nền kinh tế toàn cầu.
"Diễn biến này đang đưa chúng ta sâu hơn vào cuộc chiến thương mại," Shane Oliver, Nhà kinh tế trưởng tại AMP, viết trong một báo cáo vào thứ Bảy.
Bloomberg