Tập đoàn Hoà Phát: Sự bùng nổ xây dựng trong nước sẽ thúc đẩy tăng trưởng

Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Tập đoàn Hòa Phát, nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam, đang đặt cược vào tăng trưởng kinh tế quốc gia và các dự án hạ tầng quy mô lớn từ đường sắt đến cảng biển để thúc đẩy sự mở rộng của công ty và giảm thiểu tác động từ thuế quan của Mỹ.

Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hàng năm 15% trong giai đoạn 2025-2030, Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Thắng cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Doanh thu của Hòa Phát được dự báo sẽ đạt khoảng 325 nghìn tỷ đồng (12.5 tỷ USD) vào năm 2030. Năm ngoái, công ty ghi nhận doanh thu 140.56 nghìn tỷ đồng.
Ông cho biết, Hòa Phát đang dựa vào nhu cầu thép trong nước ngày càng tăng được thúc đẩy bởi các dự án hạ tầng do chính phủ hỗ trợ, giữa những thách thức từ mức thuế 46% mà Tổng thống Donald Trump đe dọa áp lên hàng hóa Việt Nam.
“Mục tiêu của chúng tôi không phải là thứ chúng tôi tự đưa ra một cách tùy tiện. Nó dựa trên nền tảng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam,” ông Thắng nói.
Hòa Phát không tiếp xúc nhiều với thị trường quốc tế. CEO cho biết công ty đặt mục tiêu giữ doanh thu từ nước ngoài ở mức khoảng 20% tổng doanh thu. Hiện Hòa Phát xuất khẩu sang khoảng 40 quốc gia. Công ty không tiết lộ tỷ lệ kinh doanh gắn liền với thị trường Mỹ là bao nhiêu.
Tuy nhiên, Hòa Phát có thể gặp rủi ro chiến tranh thương mại nếu thuế quan gây ra sự chậm lại trong việc xây dựng các khu công nghiệp trong nước do nhà đầu tư rút lui, theo nhà phân tích Minh Tôn của Chứng khoán Bảo Việt. Mở rộng các khu công nghiệp, nơi cung cấp không gian nhà xưởng cho các nhà cung cấp toàn cầu, chiếm tới 20% nhu cầu thép của Việt Nam, ông viết trong một báo cáo nghiên cứu.
Thị trường thép toàn cầu đã chịu áp lực sau thuế quan của Mỹ và các biện pháp ngày càng gia tăng nhằm ngăn chặn làn sóng thép giá rẻ của Trung Quốc. Hầu hết các quốc gia lớn đều mong muốn có ngành công nghiệp thép, khiến nó dễ bị ảnh hưởng bởi các đợt bảo hộ thương mại.
Hòa Phát sẵn sàng hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá bảo hộ của Việt Nam lên tới 28% đối với nhập khẩu một số loại thép cuộn cán nóng (hot-rolled coil) từ Trung Quốc – một loại thép được sử dụng trong mọi thứ từ cơ sở hạ tầng đến hàng tiêu dùng.
Chính phủ, dưới áp lực từ các nhà sản xuất thép Việt Nam, cũng đã ban hành mức thuếl hơn 37% đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc. Các mức thuế tạm thời này có thể trở thành vĩnh viễn. Việt Nam là quốc gia nhập khẩu thép Trung Quốc lớn nhất bên ngoài Trung Quốc.
“Điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là Tập đoàn Hòa Phát, vì khu liên hợp thép mới của họ sẽ đi vào hoạt động trong năm nay,” ông Hải Nguyễn, nhà phân tích tại Maybank Investment Bank ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết. “Người Trung Quốc đã bán thép cuộn cán nóng của họ với giá chiết khấu.”
Hòa Phát đã né được thuế chống bán phá giá của Mỹ khi Bộ Thương mại Mỹ gần đây ra phán quyết rằng các lô hàng ống thép của Hòa Phát sang Mỹ được sản xuất tại Việt Nam, không phải Trung Quốc. Phán quyết này cho phép công ty “mở rộng hoạt động xuất khẩu” tại Mỹ, Hòa Phat cho biết trong một tuyên bố Bloomberg Terminal.
Tuy nhiên, công ty xem động lực tăng trưởng chính là ở thị trường nội địa.
Kế hoạch đầy tham vọng về hệ thống đường sắt và tàu điện ngầm của Việt Nam sẽ thúc đẩy “đô thị hóa hơn nữa và mở rộng ngành bất động sản, vốn đòi hỏi lượng thép lớn,” ông Hiếu Lê, nhà phân tích tại Turicum Investment Management, viết trong báo cáo.

Hòa Phát, bắt đầu hoạt động từ năm 1992 bằng việc sản xuất phụ kiện máy, đã mở rộng sang các lĩnh vực bao gồm bất động sản và nông nghiệp. Tuy nhiên, mảng kinh doanh cốt lõi của công ty là sản xuất thép.
Hòa Phát dự kiến hoàn thành khu liên hợp thép Dung Quất 2 vào cuối năm nay, nâng công suất của công ty lên 15 triệu tấn mỗi năm từ mức hiện tại là 11.3 triệu tấn, trong đó 8.6 triệu tấn sẽ là thép cuộn cán nóng.

Nhà máy sẽ giảm chi phí sản xuất trung bình cho thép cuộn cán nóng thêm 11% vào năm 2025 so với năm ngoái, mang lại cho Hòa Phát lợi thế cạnh tranh bổ sung cả trong nước và quốc tế, theo nghiên cứu của CRU Group.
Lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát tăng vọt 76% vào năm ngoái lên 12 nghìn tỷ đồng, trong khi doanh thu tăng 18%. Trong quý đầu tiên, lợi nhuận của công ty tăng 14% và doanh thu tăng 22% nhờ nhu cầu thép xây dựng trong nước mạnh mẽ.
Công ty đặt mục tiêu công suất sản xuất thép đạt 21 triệu tấn mỗi năm vào năm 2029, ông Thắng cho biết. Hòa Phát đang có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất đường ray xe lửa bên cạnh Khu liên hợp Dung Quất 2 trị giá 85 nghìn tỷ đồng của mình tại tỉnh Quảng Ngãi.
“Trong ít nhất năm năm tới, hạ tầng vẫn sẽ là nút thắt mà chính phủ muốn tháo gỡ, và đương nhiên điều này sẽ dẫn đến nhu cầu thép tăng lên,” ông Thắng nói.
Bloomberg