Tâm lý thị trường được cải thiện phần nào sau tuyên bố mới nhất của Tổng thống Trump về thuế quan đối ứng; quan chức Fed hạ dự báo cắt giảm lãi suất xuống một nửa

Tâm lý thị trường được cải thiện phần nào sau tuyên bố mới nhất của Tổng thống Trump về thuế quan đối ứng; quan chức Fed hạ dự báo cắt giảm lãi suất xuống một nửa

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

06:29 25/03/2025

Bản tin tổng hợp và nhận định bởi Ngân hàng Westpac.

Điểm chính

  • Thị trường tài chính được trấn an phần nào khi hay tin việc tăng thuế nhập khẩu của Mỹ sẽ mang tính chọn lọc hơn dự kiến, với nhiều quốc gia được miễn trừ.
  • Các báo cáo PMI sơ bộ tháng 3 cho thấy tăng trưởng yếu ớt trong lĩnh vực sản xuất, phản ánh những lo ngại về chính sách thuế quan.
  • Khẩu vị rủi ro cải thiện đã hỗ trợ thị trường chứng khoán, trong khi trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ bị bán tháo.
  • USD tiếp tục phục hồi, AUD ghi nhận mức tăng đầu tiên trong vòng một tuần.

Sơ lược diễn biến thị trường

Những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thuế nhập khẩu và những bình luận mập mờ xoay quanh các thay đổi sắp tới là nhân tố chính tác động đến thị trường tài chính trong hôm qua. Ông Trump cho biết việc áp dụng thuế quan đối ứng, dự kiến vào ngày 02/04, sẽ bao gồm miễn trừ cho một số quốc gia. Mặc dù vậy, dường như trước khi công bố gói thuế quan chính thức, trong vài ngày tới, ông cũng sẽ áp đặt thuế đối với xe ô tô nhập khẩu. Bên cạnh đó, thuế theo từng lĩnh vực đối với gỗ xẻ và chất bán dẫn cũng sẽ tăng, nhưng muộn hơn. Không chỉ vậy, ông còn đe dọa áp thuế 25% lên các quốc gia mua dầu mỏ và khí đốt từ Venezuela.

Chứng khoán

Phố Wall tăng điểm khi các biện pháp thuế quan đối ứng hiện nay dường như có mục tiêu rõ ràng hơn so với dự đoán ban đầu. Dẫn đầu bởi cổ phiếu công nghệ, chỉ số S&P 500 tăng 1.8%, nâng tổng mức tăng tính từ đáy ngày 13/02 lên 4.5%. Song, chỉ số này vẫn giảm khoảng 2% so với đầu năm. Sau những bình luận mới nhất của Tổng thống Trump, biến động giá trên các thị trường chứng khoán lớn khác không đáng kể. Euro Stoxx 50 và FTSE 100 – Anh cùng giảm 0.1%, trong khi ASX 200 – Úc tăng 0.1%.

Lợi suất

Việc khẩu vị rủi ro cải thiện tiếp tục gây áp lực giảm giá lên trái phiếu. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 9 bps, trong khi các kỳ hạn khác cũng biến động tương tự. TPCP Châu Âu gần như không đổi, và trước thông báo ngân sách chính phủ, lợi suất TPCP Úc tăng nhẹ ở kỳ hạn dài.

Ngoại hối

Được hỗ trợ bởi dữ liệu PMI tích cực của Mỹ, chỉ số DXY đã nối dài đà phục hồi sang phiên thứ tư liên tiếp, thêm 0.2%. Yên Nhật là đồng tiền G10 có hiệu suất kém nhất, với tỷ giá USD/JPY vượt mốc 150.00, trong khi EUR cũng giảm nhẹ xuống 1.0800 so với USD. Cả hai đồng tiền này đều bị ảnh hưởng bởi kết quả khảo sát PMI yếu kém. AUD ghi nhận mức tăng hàng ngày đầu tiên trong vòng một tuần, trở lại mức 0.6300 so với USD.

Hàng hóa

Lời đe dọa của Tổng thống Trump về việc trừng phạt các quốc gia mua dầu thô từ Venezuela đã làm gia tăng lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung trong ngắn hạn, đẩy giá dầu WTI tăng 1.3% lên 69.20 USD/thùng. Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đã kiểm tra lại đỉnh năm tháng, được hỗ trợ bởi thông tin Trung Quốc sẽ bổ sung kho dự trữ chiến lược các kim loại công nghiệp, bao gồm đồng và coban. Giá quặng sắt tăng nhẹ, trong khi vàng giảm xuống gần ngưỡng 3,000 USD/ounce do tâm lý thị trường được cải thiện.

Nhịp đập vĩ mô

Các báo cáo PMI sơ bộ tháng 3 tại các nền kinh tế phát triển hàng đầu cho thấy tăng trưởng chậm lại trong lĩnh vực sản xuất, phản ánh những lo ngại về chính sách thuế quan và tác động tiêu cực của chúng đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, PMI sản xuất S&P Global của Mỹ giảm gần 3 điểm và rơi xuống dưới ngưỡng trung tính sau hai tháng duy trì trong vùng mở rộng. Ngược lại, PMI dịch vụ tăng mạnh từ 51.0 lên 54.3, qua đó kéo chỉ số tổng hợp tăng lên. Dù vậy, xét trên chu kỳ 3 tháng, PMI tổng hợp của Mỹ vẫn cho thấy sự suy yếu đáng kể trong Q1.

Bên cạnh đó, PMI của Anh cũng có xu hướng tương tự, với sự suy giảm trong ngành sản xuất, xuống còn 44.6, trong khi PMI dịch vụ tăng hơn 2 điểm lên 53.2. PMI tổng hợp đạt 52.0, mức cao nhất trong sáu tháng. Nhìn chung, dữ liệu PMI cho thấy tăng trưởng tại Anh vẫn khả quan trong Q1 và không thay đổi so với Q4 (0.1%/quý).

Khác với Mỹ và Anh, PMI sản xuất tại khu vực này được cải thiện đôi chút, tuy nhiên vẫn nằm trong vùng suy thoái ở mức 48.7. PMI dịch vụ giảm nhẹ, do đó, PMI tổng hợp chỉ cao hơn một chút so với tháng 2. Về cơ bản, PMI Eurozone phù hợp với mức tăng trưởng GDP cao hơn một chút trong quý đầu tiên của năm.

Ở một diễn biến khác, chỉ số hoạt động quốc gia của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh Chicago – một chỉ số tổng hợp có trọng số của 85 chỉ báo hàng tháng khác – đã bất ngờ cải thiện, cho thấy sự tăng tốc của nền kinh tế Mỹ trong tháng 2. Chỉ số chính tăng từ -0.08 lên 0.18, trong khi dự báo đồng thuận là -0.17. Chỉ số sản xuất tăng từ 0.02 lên 0.19, mức cao thứ hai trong vòng 12 tháng qua. Song, ba chỉ số phụ quan trọng khác về thị trường lao động, tiêu dùng cá nhân & nhà ở, cùng với doanh số & đơn đặt hàng đều gần bằng 0.

Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta – Raphael Bostic, tiết lộ rằng ông dự đoán Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất quỹ liên bang một lần trong năm nay, so với dự đoán trước đó là hai lần. Ông lo ngại rằng lạm phát sẽ “biến động thất thường và khó có thể giảm đáng kể về mục tiêu 2% một cách bền vững.”

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ