Rủi ro thuế quan tiếp tục được phản ánh qua những biến động trái chiều giữa các khu vực và lớp tài sản; vàng thăng hoa giữa những nỗi lo không hồi kết của thị trường

Thành Duy
Junior editor
Bản tin tổng hợp và nhận định bởi Ngân hàng Westpac.

Những điểm chính
- Rủi ro thuế quan tiếp tục được phản ánh qua những biến động trái chiều giữa các khu vực và lớp tài sản.
- Hầu hết các đồng tiền G10 đều tăng giá so với USD. Đặc biệt, các đồng tiền hàng hóa như CAD, AUD và NOK có hiệu suất ấn tượng nhất.
- Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) giảm ở hầu hết các thị trường lớn khi nhà đầu tư ồ ạt tìm đến lớp tài sản trú ẩn an toàn. Xu hướng này cũng hỗ trợ giá vàng, giúp kim loại quý này đạt mức cao kỷ lục mới trong phiên hôm qua.
Nhìn chung, mặc dù vẫn còn nhiều bất định xoay quanh chi tiết của chính sách thuế quan, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng mức thuế sẽ vào khoảng ít nhất 20% áp dụng lên hầu hết hàng nhập khẩu vào Mỹ. Bên cạnh đó, cũng có dự đoán về việc giảm thuế cho hàng hóa sản xuất tại Mỹ. Biến động thị trường vẫn ở mức cao, thể hiện qua việc chỉ số MOVE tăng ngày thứ hai liên tiếp, trong khi VIX hạ nhiệt đôi chút sau bốn ngày tăng liên tục.
Chứng khoán
Bất chấp rủi ro thuế quan, chỉ số S&P 500 và NASDAQ vẫn đóng cửa tăng lần lượt 0.4% và 0.9%, trong khi Dow Jones gần như đi ngang. Chứng khoán Châu Âu là điểm sáng nổi bật với Euro Stoxx 50 và DAX của Đức tăng lần lượt 1.4% và 1.7%. Số liệu lạm phát khả quan đã hỗ trợ đà tăng của chứng khoán Châu Âu, nhưng phần lớn mức tăng này diễn ra sau khi thị trường Mỹ mở cửa.
Các nhà đầu tư tại Châu Á tỏ ra thận trọng hơn. Cả Nikkei của Nhật Bản và CSI 300 của Thượng Hải đều đóng cửa gần như đi ngang. Hang Seng của Hồng Kông tăng nhẹ 0.4%. NIFTY 50 của Ấn Độ giảm 1.5% ngay từ đầu phiên. Hiện tại, Ấn Độ là quốc gia có mức thuế quan hiệu lực (effective tariff rate) cao thứ ba đối với Mỹ (2.25%) và nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với các biện pháp trả đũa, làm cản trở đà tăng trưởng kinh tế. Sau khởi đầu chậm chạp, ASX 200 bắt đầu tăng điểm vào khoảng 12 giờ trưa và kết phiên với mức tăng 1%, bất chấp việc Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) giữ nguyên lãi suất.
Lợi suất
Đường cong lợi suất của Mỹ tiếp tục dốc xuống, với lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm giảm 4 bps và kỳ hạn 2 năm giảm nhẹ. Về chính sách tiền tệ, thị trường vẫn duy trì dự báo Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm 2025, dự kiến vào tháng 7 và tháng 9. Tại Châu Âu, lợi suất TPCP Đức giảm ở tất cả các kỳ hạn, trong đó lợi suất kỳ hạn 10 năm giảm 5 bps, còn kỳ hạn 2 năm giảm 3 bps. Lợi suất TPCP Anh cũng có diễn biến tương tự, với kỳ hạn 2 năm giảm 2 bps, trong khi kỳ hạn 10 năm giảm gấp đôi. Lợi suất hợp đồng tương lai TPCP Úc kỳ hạn 2 năm và 10 năm đều giảm 3 bps. Kỳ vọng của thị trường về RBA gần như không đổi, với đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo khả năng cao sẽ rơi vào tháng 7, và tổng cộng ba lần trong năm 2025.
Ngoại hối
Chỉ số DXY gần như đi ngang trong phiên, đóng cửa ở mức 104.23. CAD là đồng tiền tăng giá mạnh nhất sau khi Thủ tướng Canada – Justin Trudeau tuyên bố sẽ trả đũa các biện pháp thuế quan và cam kết hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô. AUD cũng tăng giá đáng kể trong ngày, lên mức 0.6276, chủ yếu diễn ra sau khi thị trường Mỹ mở cửa. EUR suy yếu bất chấp tâm lý lạc quan trên thị trường chứng khoán tại Eurozone, đóng cửa ở mức 1.0790.
Hàng hóa
Giá vàng leo lên mức cao kỷ lục mới là 3,148 USD/oz trước khi giảm về đóng cửa tại 3,113 USD/oz. Đà tăng này được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn trước giờ G thuế quan. Như vậy, tính đến thời điểm viết bài, giá vàng đã tăng tổng cộng gần 500 USD/oz (hơn 18%) kể từ đầu năm. Song, chỉ trong bốn phiên gần nhất, giá vàng đã tăng liên tục khoảng 100 USD/oz.
Giá dầu thô WTI giảm 0.4% xuống 71.20 USD/thùng. Lời đe dọa của Tổng thống Trump về việc áp đặt thuế quan thứ cấp lên người mua dầu Nga đã khiến các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ phải tìm kiếm những nhà cung cấp khác cho lô hàng tháng 5. Dữ liệu tích cực về tâm lý thị trường từ Trung Quốc đã hỗ trợ giá đồng, nhưng đà tăng này nhanh chóng bị dập tắt bởi những lo ngại về tác động tiêu cực của thuế quan Mỹ lên nền kinh tế. Giá đồng đóng cửa giảm 0.2% xuống 9,693/tấn.
Nhịp đập vĩ mô
Mỹ
Chỉ số PMI sản xuất ISM giảm 1.3 điểm xuống 49.0, rơi trở lại vùng suy thoái sau hai tháng duy trì trên ngưỡng trung lập 50.0. Khảo sát cho thấy nhu cầu sụt giảm mạnh, với chỉ số đơn đặt hàng mới giảm 3.4 điểm xuống còn 45.2, mức thấp nhất trong gần hai năm và thấp hơn khoảng 10 điểm so với chỉ hai tháng trước. Các thành phần chính khác cũng có diễn biến tương tự, củng cố thêm bức tranh ảm đạm về nhu cầu, với nhiều doanh nghiệp báo cáo sản lượng giảm, cắt giảm nhân sự và hàng tồn kho tăng. Các nhà sản xuất cũng ghi nhận mức tăng giá mạnh do thuế nhập khẩu tăng – thành phần giá tăng 7 điểm lên 69.4, mức cao nhất kể từ giữa năm 2022.
Báo cáo JOLTS cho thấy thị trường lao động Mỹ đã hạ nhiệt đôi chút trong tháng 2. Dữ liệu mới nhất cho thấy số lượng việc làm trống giảm 194,000 xuống còn 7.57 triệu, gần bằng mức trung bình của sáu tháng trước và gần như đảo ngược hoàn toàn mức tăng hồi đầu năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ việc làm trống trên số người thất nghiệp – một chỉ báo quan trọng về độ thắt chặt của thị trường lao động được Fed theo dõi sát sao – đã giảm đáng kể từ 1.13 xuống 1.07, mức thấp nhất trong năm tháng. Tỷ lệ sa thải và nghỉ việc giữ nguyên ở mức lần lượt là 1.1% và 2.0%.
Eurozone
Ước tính sơ bộ tháng 3 cho thấy lạm phát HICP của Eurozone đã hạ nhiệt tháng thứ hai liên tiếp, giảm 0.1 điểm phần trăm xuống 2.2%/năm. Mức giảm này đã giữ tỷ lệ lạm phát trung bình trong Q1 ở mức 2.3%/năm, phù hợp với dự báo mới nhất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Phân tích các thành phần chính cho thấy, động lực giảm đến từ giá năng lượng (giảm gần 1 điểm phần trăm xuống -0.7%/năm) và giá dịch vụ lõi – một chỉ báo quan trọng về áp lực lạm phát trong nước mà ECB đặc biệt quan tâm. Lạm phát giá dịch vụ lõi giảm 0.3 điểm phần trăm xuống 3.4%/năm. Cùng với lạm phát hàng hóa lõi ổn định ở mức 0.6%/năm, lạm phát lõi chung giảm 0.2 điểm phần trăm xuống 2.4%/năm.
Úc
RBA đã quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp hôm qua – cuộc họp đầu tiên của ban chính sách tiền tệ mới. Phần lớn nội dung tuyên bố tập trung vào những bất ổn xoay quanh triển vọng kinh tế toàn cầu và sự cần thiết phải củng cố niềm tin trước khi đưa ra bất kỳ điều chỉnh nào về lãi suất. Chúng tôi kỳ vọng rằng niềm tin của RBA sẽ được củng cố dựa trên triển vọng lạm phát với số liệu lạm phát Q1. Điều này sẽ tạo điều kiện cho RBA cắt giảm lãi suất 25 bps xuống 3.85% trong cuộc họp tháng 5.
Doanh số bán lẻ tăng 0.2% trong tháng 2, tập trung chủ yếu ở nhóm thực phẩm. Doanh số bán lẻ phi thực phẩm giảm tháng thứ hai liên tiếp, cho thấy tâm lý tiêu dùng ảm đạm hậu mùa giảm giá vẫn tiếp diễn. Mức tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng năm giảm xuống 3.6%/năm. Chi tiết hơn, doanh số bán lẻ giảm 0.4%/tháng tại Queensland, trong khi Victoria ghi nhận kết quả đi ngang. Các bang còn lại đều cho thấy xu hướng tích cực, với Tây Úc ghi nhận mức tăng tháng thứ 14 liên tiếp. Mọi tác động từ cơn bão Alfred sẽ được phản ánh trong số liệu tháng 3. Song, số liệu danh nghĩa của tháng 1 và tháng 2 cho thấy kết quả tăng trưởng khối lượng trong Q1 năm 2025 sẽ khá yếu.
Chỉ số giá nhà CoreLogic tăng 0.4% trong tháng 3, đánh dấu tháng tăng thứ hai sau bốn tháng giảm liên tiếp. Mức tăng trưởng giá nhà hàng năm chậm lại còn 2.8%/năm, nhưng hiện được dự báo sẽ chạm đáy quanh mức 1.5% vào cuối năm nay. Ước tính sơ bộ về khối lượng giao dịch ở mức thấp, ngay cả khi tính đến khả năng số liệu được điều chỉnh tăng. Với việc số lượng nhà mới rao bán tăng lên, khả năng giá nhà duy trì đà tăng có thể bị hạn chế.
Westpac IQ