Nhật Bản và bản năng sinh tồn trước cơn địa chấn toàn cầu

Huyền Trần
Junior Analyst
Khi toàn cầu hóa chững lại và trật tự cũ rạn nứt, Nhật Bản - bên hưởng lợi lớn nhất sẽ buộc phải thích nghi. Lịch sử cho thấy, mỗi khi đứng trước nguy cơ, quốc gia này luôn tìm ra cách để sống sót và vươn lên mạnh mẽ.

Toàn cầu hóa đang đứng trước một tương lai bất định. Một thời kỳ huy hoàng có lẽ đã khép lại, sau khi từng là kim chỉ nam cho các nhà lãnh đạo chính trị, tập đoàn đa quốc gia và những người tin vào sự thống trị vĩnh viễn của chủ nghĩa tư bản. Khi phó tổng thống Mỹ lên án “cơn nghiện” lao động giá rẻ, tổng thống ca ngợi thuế quan như một công cụ tối thượng, còn chủ tịch HSBC cảnh báo rằng toàn cầu hóa như ta từng biết có thể đã đi đến hồi kết, thì rõ ràng một cuộc chuyển dịch địa chính trị lớn đang diễn ra.
Trong cơn hỗn loạn này, cả những quốc gia hưởng lợi từ toàn cầu hóa lẫn những nước chịu thiệt hại đều cần một chiến lược sống còn. Và Nhật Bản gần như chắc chắn sẽ tìm ra cách thích nghi, dù con đường phía trước có thể không dễ dàng.
Nhật Bản - kẻ hưởng lợi lớn nhất từ trật tự cũ
Nhìn bề ngoài, sự thoái lui khỏi toàn cầu hóa, sự suy yếu của trật tự thế giới dựa trên luật lệ và sự rạn nứt nhanh chóng của Pax Americana đều là những tín hiệu xấu đối với Nhật Bản. Quốc gia này đã xây dựng nền kinh tế tiên tiến của mình trên chính ba nền tảng đó.
Dưới góc nhìn của Donald Trump, Mỹ là nạn nhân của những trò lừa đảo từ các quốc gia khác. Nhưng thực tế, trong gần 80 năm qua, Nhật Bản mới là kẻ hưởng lợi ổn định nhất từ trật tự toàn cầu này.
Từ cuối những năm 1960, Nhật Bản đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và duy trì vị thế đó suốt hơn bốn thập kỷ. Ngay cả khi kinh tế trì trệ và nhường lại vị trí này cho Trung Quốc, Nhật Bản vẫn kiên trì mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn cầu. Tỷ lệ doanh thu từ thị trường nước ngoài của các công ty Nhật Bản đã tăng hơn ba lần kể từ năm 1991. Theo chiến lược gia Nicholas Smith của CLSA, lợi nhuận của các công ty Nhật trong chỉ số Topix có mối tương quan chặt chẽ với chỉ số PMI tổng hợp toàn cầu – một thước đo sức khỏe kinh tế thế giới.
Nhật Bản đã hoàn hảo hóa vai trò của một "doanh nhân hòa bình" như được ghi trong hiến pháp do Mỹ soạn thảo: Giải quyết bài toán thiếu hụt tài nguyên và năng lượng thông qua thị trường quốc tế, đồng thời tận dụng mọi kênh để xuất khẩu hàng hóa. Quốc gia này đã mạnh tay thâu tóm doanh nghiệp, mở rộng sở hữu trí tuệ và sống dưới ô bảo hộ quân sự của Mỹ. Song song đó, Tokyo cũng khéo léo nhắc nhở Washington về vị thế "hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm" của Nhật ở Thái Bình Dương.
Hơn thế nữa, Nhật Bản đã xây dựng cả một xã hội và nền văn hóa hiện đại dựa trên sự ổn định mà toàn cầu hóa, trật tự thế giới và Pax Americana mang lại. Những yếu tố này đã giúp Nhật có được sự thịnh vượng, không gian và thời gian để trở thành một cường quốc văn hóa.
Lo ngại từ Tokyo
Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi những tháng đầu tiên của chính quyền Trump khiến Nhật Bản bất an. Quốc gia này có quá nhiều thứ để mất, từ kinh tế, xã hội đến vị thế địa chính trị.
Chuyến thăm Washington gần đây của Thủ tướng Shigeru Ishiba ban đầu được coi là thành công đơn giản vì diễn ra suôn sẻ. Nhưng sau đó, khi Trump công khai hoài nghi về các đồng minh quân sự và Nhật Bản không thể giành được quyền miễn thuế quan, bầu không khí trở nên căng thẳng hơn hẳn. Nỗi lo lan rộng từ chính trị gia, quan chức chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp đến người dân Nhật.
Thích nghi – bản năng sinh tồn của Nhật Bản
Tuy nhiên, nếu cho rằng Nhật Bản sẽ rơi vào khủng hoảng thì có lẽ đã đánh giá thấp bản năng sinh tồn của quốc gia này. Nhật không chỉ hưởng lợi từ toàn cầu hóa nhờ hoàn cảnh thuận lợi, mà còn nhờ khả năng thích ứng đáng kinh ngạc. Tokyo luôn biết cách điều chỉnh chính sách để phù hợp với tình hình, như cách họ nắm bắt cơ hội đầu tư vào Trung Quốc ngay sau năm 1989 – một minh chứng cho khả năng tận dụng toàn cầu hóa vì lợi ích của mình.
Những người Nhật bi quan về sự sụp đổ của trật tự hậu chiến có lẽ đã nhìn thấy viễn cảnh sắp tới. Một nước Nhật già hóa và thu hẹp dân số sẽ buộc phải thay đổi với tốc độ và quyết tâm chỉ từng thấy hai lần trong lịch sử – thời kỳ Minh Trị cuối thế kỷ 19 và giai đoạn tái thiết sau năm 1945.
Chìa khóa khi đó, cũng như bây giờ, là khả năng gạt bỏ ý thức hệ để sinh tồn. Nhật Bản luôn đặt sự thích nghi lên hàng đầu, bất chấp việc phải từ bỏ những nguyên tắc từng được coi là bất di bất dịch. Đây không phải là điều dễ dàng và không phải ai cũng có đủ can đảm để làm. Nhưng một lần nữa, thế giới sẽ được chứng kiến bản năng sinh tồn đỉnh cao của Nhật Bản trong thời đại mới.
Financial Times