Ngoại giao Cây Tre của Việt Nam là Chìa khóa để Sống sót qua Trật tự Thế giới Mới

Diệu Linh
Junior Editor
Hoa Kỳ có vẻ cũng "xấu tính" như Trung Quốc và Nga, có lẽ các quốc gia nên học theo lối đối ngoại cây tre mềm dẻo của Việt Nam để không "đổ rạp" trong cơn bão địa chính trị hiện nay

Tôi quan sát các vấn đề quốc tế từ Washington, thủ đô của một siêu cường từng là bá chủ tương đối nhân từ của thế giới, nhưng giờ đang sắm một vai khác - kẻ phản diện, một đế quốc tiềm năng chia cắt hành tinh thành các vùng ảnh hưởng.
Nhưng từ góc nhìn của một cường quốc không lớn (nếu không muốn nói là “nhỏ”) một nơi, chẳng hạn, như Hà Nội, Jakarta, New Delhi, Pretoria, Abuja, Brasilia hoặc Thành phố Mexico — hoặc thực sự là Copenhagen, Ottawa hoặc Thành phố Panama, thì mặt mũi của Washington ra sao?
Lời khuyên của tôi, khoảng 100 ngày sau nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump: Hãy noi theo Việt Nam và áp dụng một số phiên bản của “ngoại giao cây tre”. Uốn mình theo chiều gió địa chính trị để không bị gãy. Giữ khoảng cách với tất cả các cường quốc lớn, và phòng ngừa rủi ro. Giao thương với tất cả những ai sẵn sàng và trong các thỏa thuận đa phương nếu có thể. Tham gia vào các liên minh linh hoạt để ngăn chặn Nga, Trung Quốc, Mỹ hoặc bất kỳ ai khác khi cần thiết, đôi khi với bên này chống lại bên kia. Đừng tin tưởng vào các hiệp ước bạn ký với bất kỳ ai trong số họ, nhưng đừng khiêu khích bên nào. Hãy làm bất cứ điều gì cho phép bạn giữ được độc lập và chủ quyền.
Vì điều đó nghe hơi giống cây tre đung đưa trong gió, một mô típ luôn ẩn hiện trong các khu rừng, nghệ thuật và tâm lý của người Việt Nam, vậy nên cố lãnh đạo của đất nước, Nguyễn Phú Trọng, đã biến loài cây này thành một phép ẩn dụ cho chính sách đối ngoại. Ông nói, trong cách đối xử với thế giới, Việt Nam cần “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”. Điều đó có ý nghĩa đối với một quốc gia đã đấu tranh để sinh tồn dân tộc trước các cường quốc hùng mạnh và thay đổi như Trung Quốc, Pháp và Hoa Kỳ, và giờ đây coi trọng sự độc lập và chủ quyền của mình, gốc và thân, trên tất cả các lợi ích khác.
Phiên bản tối đa của ngoại giao cây tre của Việt Nam dựa trên “bốn không”: Không tham gia các liên minh vĩnh viễn, không đứng về bên nước này chống lại nước khác, không cho phép các cường quốc khác sử dụng lãnh thổ của mình để phát động chiến tranh và không đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp. Trong thực tế, chính sách đối ngoại của Việt Nam lên đến tinh hoa của sự khéo léo và cân bằng khi ký kết Đối tác Chiến lược Toàn diện với Washington (nhân vật sẽ là đồng minh giá trị nếu Trung Quốc chiếm đoạt các bãi cạn của Việt Nam ở Biển Đông) đồng thời ký kết 36 thỏa thuận hợp tác với Bắc Kinh nhân danh xây dựng một “tương lai chung”.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng minh họa một hạn chế của ngoại giao cây tre. Sau khi Nga xâm lược Ukraine, Hà Nội phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức. Họ thực sự thông cảm với Ukraine và lên án việc vi phạm chủ quyền của nước này. Nhưng họ cần tránh đứng về bên nào chống lại Nga. Kết quả trông giống một cây bonsai bị uốn éo hơn là cây tre. Hà Nội tiếp tục nói chuyện với Moscow và bỏ phiếu trắng khi lên án Điện Kremlin tại Liên Hợp Quốc. Đồng thời, họ mở rộng tình đoàn kết song phương đối với Kyiv và gửi viện trợ nhân đạo.
Các quốc gia khác, đặc biệt là ở Nam bán cầu, đã có các chính sách đối ngoại tương tự dưới những tên gọi khác nhau. Ấn Độ hướng tới “đa liên kết”: Nước này là thành viên của Quad (một liên minh bán phương Tây bao gồm New Delhi, Washington, Canberra và Tokyo) đồng thời mua dầu và vũ khí từ Nga,hợp tác với Nga, Trung Quốc và các nước khác trong diễn đàn BRICS. Singapore, một quốc đảo và đầu mối hàng hải, thực hành “ngoại giao cách đều” giữa Mỹ và Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ coi mình là cầu nối giữa Đông và Tây và thuộc NATO đồng thời mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga.
Theo cách đó, ngoại giao cây tre dưới bất kỳ tên gọi nào là một giải pháp thay thế tốt hơn cho một chiến lược khác dành cho các quốc gia nhỏ muốn giữ vững chủ quyền dưới bóng của những con quái vật khổng lồ: Phần Lan hóa. Nó có tên từ thỏa thuận mà Phần Lan đạt được với Liên Xô năm 1948, khi nước này đồng ý duy trì không liên kết với cái mà sau này sẽ trở thành NATO và Liên minh châu Âu, trên thực tế nhượng bộ chính sách đối ngoại của Moscow để đổi lấy việc giữ vững độc lập. Về mặt thực vật học, một quốc gia bị Finland hóa giống như một loài biểu sinh, một loài cây mọc trên một loài cây khác và đồng ý không làm phiền chủ nhà của nó. Tốt hơn nhiều là làm tre.
Cho đến gần đây, tôi đã ủng hộ một chiến lược vĩ đại vượt trội hơn so với chính sách đối ngoại cây tre hay biểu sinh. Hồi còn Hòa Bình kiểu Mỹ, tức là trật tự quốc tế trong đó Mỹ thường ủng hộ hệ thống và các quy tắc của nó và chống lại sự xâm lược, tôi đã thúc giục các quốc gia chọn phe, và phe đó nên là phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Hệ thống này, nói chung, đã mạnh về quân sự, thịnh vượng về kinh tế và tự do về chính trị.
Nhưng Trump đã hủy bỏ Hòa bình kiểu Mỹ nhân danh chủ nghĩa Nước Mỹ là Trên Hết, từ bỏ trật tự quốc tế để ủng hộ tình trạng vô chính phủ và có lẽ là hỗn loạn. Trong thế giới mới tươi đẹp này, chủ nghĩa lý tưởng thuần túy (ví dụ: suy nghĩ về các nền dân chủ chống lại các chế độ chuyên quyền) không còn là một chiến lược đối ngoại khả thi. Sự trung thành máy móc với Mỹ cũng không ổn. Thế giới dưới thời Trump có khả năng trở nên giông bão, và cách tốt nhất để không bị bật gốc và đứng vững là trở thành cây tre.
Tác giả: Andreas Kluth, cây viết của Bloomberg, chuyên viết về chính sách Mỹ, an ninh quốc gia và địa chính trị
Bloomberg