Ngai vàng lung lay: Đồng USD giữa cơn bão thương mại của Trump

Huyền Trần
Junior Analyst
Chính sách thương mại khép kín của Trump đang làm lung lay vị thế toàn cầu của đồng USD. Trong khi vai trò trung gian của Mỹ suy giảm, nhà đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi: vì sao còn giữ USD nếu Mỹ tự tách mình khỏi thế giới?

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế cao nhất trong hơn 100 năm, đồng USD — vốn được xem là biểu tượng của sức mạnh kinh tế toàn cầu — đang trở thành chủ đề tranh cãi. Liệu đồng tiền này còn giữ được vai trò là “nơi trú ẩn an toàn” cho nhà đầu tư, hay đang dần giống như những đồng tiền dễ tổn thương của nhóm “Fragile Five” tại các thị trường mới nổi, vốn rất nhạy cảm với tâm lý thị trường và dòng vốn ngắn hạn?
Câu trả lời hiện vẫn chưa rõ ràng. Tuần trước, đồng USD lao dốc sau khi Nhà Trắng công bố thuế trừng phạt nhằm vào các đối tác thương mại lớn. Nhưng khi thị trường chứng khoán tiếp tục sụt giảm và căng thẳng tài chính gia tăng, các nhà đầu tư lại quay trở lại với USD như một kênh trú ẩn quen thuộc.
Đồng USD đánh mất hào quang
Dù vậy, lo ngại vẫn còn đó. Nếu Trump thật sự muốn biến nước Mỹ thành một nền kinh tế tự cung tự cấp bằng cách dựng lên các rào cản thương mại, các quốc gia khác liệu còn cần phải nắm giữ nhiều USD như trước?
Thực tế, vai trò thống trị toàn cầu của đồng USD đang dần suy yếu. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm xuống còn 58% vào năm ngoái, so với mức hơn 70% cách đây 20 năm. Phần giảm này được thay thế bởi các đồng tiền ít phổ biến hơn như đô la Úc và nhân dân tệ Trung Quốc.
Sự thoái trào của USD trong dự trữ toàn cầu
Hãy hình dung một thế giới vẫn còn thương mại tự do, nhưng không cần đến vai trò trung gian của Mỹ. Với các hệ thống giao dịch tự động và công nghệ quản lý thanh khoản hiện đại, các nước có thể giao thương trực tiếp bằng đồng tiền của mình, thay vì phải quy đổi sang USD như trước.
Một điều đáng lo khác là người mua chính tài sản Mỹ hiện nay không còn là các ngân hàng trung ương, mà là các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài. Trong quá khứ, dòng vốn này từng giúp đẩy USD vào chu kỳ tăng giá mạnh. Nhưng vì đây là dòng vốn “nóng” - dễ đến, dễ đi - nên đồng USD cũng dễ bị ảnh hưởng khi nhà đầu tư ồ ạt rút vốn.
Tính đến năm ngoái, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ khoảng 18 nghìn tỷ USD cổ phiếu Mỹ, tương đương 60% GDP của Mỹ, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 40% cách đây một thập kỷ. Nếu họ giảm lượng nắm giữ chỉ 5%, lượng cổ phiếu bị bán ra có thể khiến thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ - điều mà Trump rất muốn xóa bỏ, đã tăng gần gấp đôi.
Trước đây, nhờ vào thâm hụt tài khoản vãng lai kéo dài, Mỹ liên tục bơm USD ra toàn cầu. Nhà đầu tư quốc tế thì bị hấp dẫn bởi tăng trưởng kinh tế mạnh và lợi nhuận cao từ thị trường chứng khoán Mỹ. Nhưng giờ đây, khi Trump đang kéo nước Mỹ rời xa nền kinh tế toàn cầu, mọi chuyện không còn chắc chắn như trước.
Thực tế, Trump đang nhìn thế giới qua một lăng kính cũ kỹ. Ông chỉ trích người nước ngoài vì bán hàng giá rẻ cho người tiêu dùng Mỹ, nhưng lại bỏ qua thực tế rằng Mỹ là nước xuất khẩu ròng dịch vụ. Từ tài chính đến điện toán đám mây, các sản phẩm “Made in USA” vẫn đang được thị trường quốc tế săn đón. Ngoài ra, kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, giới đầu tư nước ngoài cũng tích cực rót tiền vào cổ phiếu Mỹ - một sự thừa nhận ngầm về vị thế đặc biệt của kinh tế Mỹ. Tổng thống chỉ đang nhìn thấy một phần rất nhỏ của bức tranh lớn hơn.
Có lẽ đã đến lúc ông Trump cần cập nhật lại tư duy kinh tế toàn cầu. Nếu không, đồng USD — từng là biểu tượng của quyền lực tài chính Mỹ — có thể trở thành nạn nhân tiếp theo trong cuộc chơi thương mại đầy rủi ro này.
Bloomberg