Một số nhà xuất khẩu Trung Quốc đẩy mạnh việc chuyển đổi USD trong bối cảnh chiến tranh thương mại

Huyền Trần
Junior Analyst
Một số nhà xuất khẩu Trung Quốc đang tăng tốc chuyển đổi USD sang nhân dân tệ khi cho rằng áp lực giảm giá lớn nhất đối với đồng nội tệ đã qua. Động thái này phản ánh kỳ vọng nhân dân tệ sẽ ổn định sau khi Mỹ áp thuế cao, trong bối cảnh Bắc Kinh cam kết hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.

Một số nhà xuất khẩu Trung Quốc đang đẩy nhanh việc chuyển đổi doanh thu bằng USD sang nhân dân tệ, với kỳ vọng rằng giai đoạn tồi tệ nhất của đợt mất giá do thuế quan gây ra đã qua.
Theo khảo sát của Bloomberg đối với 18 doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc, nhiều công ty đã hoặc sẽ ngay lập tức chuyển đổi lượng USD đang nắm giữ sang nhân dân tệ, khi nhận định tỷ giá USD/CNY hiện tại quanh mức 7.3 là tương đối thuận lợi.
Những doanh nghiệp này hoạt động trong các lĩnh vực như nội thất, gốm sứ, đèn trang trí, làm vườn và may mặc, được phỏng vấn tại Hội chợ Canton diễn ra tại tỉnh Quảng Đông vào đầu tháng 4. Quy mô doanh thu xuất khẩu hằng năm của họ dao động từ 10 triệu đến 300 triệu USD.
Việc các nhà xuất khẩu chuyển đổi USD sang nhân dân tệ đánh dấu sự đảo chiều so với chiến lược tích trữ ngoại tệ trước đó, vốn xuất phát từ lo ngại rằng các mức thuế mới của Mỹ sẽ khiến nhân dân tệ tiếp tục suy yếu. Tuy nhiên, các kỳ vọng tiêu cực đối với đồng tiền này có vẻ đã được phản ánh phần lớn vào thị trường, sau khi Washington áp mức thuế suất lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, khiến nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2023.
“Nhân dân tệ khó có thể giảm sâu hơn nữa bởi mức thuế 145% đã là tình huống xấu nhất, không còn gì tồi tệ hơn,” ông Albert Zhai, Chủ tịch Aroma International Trade – doanh nghiệp xuất khẩu đồ trang trí Halloween đặt trụ sở tại tỉnh Liêu Ninh, nhận định.
Ông Zhai cho biết mức tỷ giá USD/CNY dao động trong khoảng 7.25 đến 7.35 hiện tại đang hỗ trợ tích cực cho hoạt động thương mại xuyên biên giới của doanh nghiệp.
Đồng nhân dân tệ phục hồi sau đợt giảm trong tháng
Tháng này, RMB đã phục hồi một phần giá trị khi đồng USD suy yếu trước những hoài nghi về sức mạnh vượt trội của kinh tế Mỹ. Tuy vậy, nhân dân tệ vẫn là một trong ba đồng tiền có hiệu suất kém nhất châu Á năm nay, chỉ đứng trên đồng rupiah của Indonesia và đô la Hong Kong. So với rổ tiền tệ của các đối tác thương mại, nhân dân tệ cũng đang tiến sát mức thấp nhất trong vòng 21 tháng.
Đà suy yếu của nhân dân tệ đang tạo cơ hội cho những nhà xuất khẩu trước đây do dự trong việc quy đổi USD, nay tận dụng để chuyển đổi nhằm phục vụ nhu cầu vốn đang gia tăng. Lượng tiền mặt chuyển đổi này sẽ giúp các doanh nghiệp đối phó tốt hơn trong bối cảnh biên lợi nhuận bị thu hẹp do thuế suất cao, đồng thời đáp ứng các khoản chi phí nguyên liệu và lương nhân công.
Thay vì để đồng tiền mất giá mạnh nhằm hỗ trợ xuất khẩu, Trung Quốc lựa chọn bình ổn thị trường thông qua cơ chế tỷ giá tham chiếu hằng ngày. Các nhà xuất khẩu tham gia khảo sát cho rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ không để nhân dân tệ suy yếu quá mức.
Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu chịu ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ, đồng thời đề ra các biện pháp nhằm đảm bảo những công ty gặp khó khăn có thể tiếp cận vốn vay và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Bloomberg