Không chỉ đánh thuế, “Ngày Giải phóng” của Trump còn đánh bay gần 2 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ

Thành Duy
Junior editor
Bản tin tổng hợp và nhận định bởi Ngân hàng Westpac.

Những điểm chính
- Tâm lý thị trường quay ngoắt sang trạng thái e ngại rủi ro sau Ngày Giải phóng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
- Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ, dẫn đầu là thị trường Mỹ với phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ đại dịch, vốn hóa thị trường bốc hơi gần 2 nghìn tỷ USD.
- Nhà đầu tư tháo chạy khỏi những tài sản rủi ro, tìm đến các kênh đầu tư an toàn hơn, đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ dốc lên mạnh. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất với mức độ mạnh hơn trong năm tới.
- Các đồng tiền "trú ẩn an toàn" khác hưởng lợi từ làn sóng bán tháo USD. Kết quả là, EUR, JPY và CHF đều tăng giá so với đồng bạc xanh.
- Giá dầu lao dốc sau quyết định bất ngờ của OPEC+ về việc tăng sản lượng vượt dự kiến trong những tháng tới.
Hậu quả tức thì của Ngày Giải phóng đã lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến toàn bộ các thị trường tài chính lớn. Phản ứng dữ dội từ thị trường cho thấy chính sách thuế quan của Tổng thống Trump dường như "nặng tay" hơn dự báo, gây ra đợt bán tháo cổ phiếu và USD lịch sử khi nhà đầu tư ồ ạt tìm đến những tài sản ít rủi ro hơn, cũng như các đồng tiền "trú ẩn" khác. Dù còn quá sớm để khẳng định chắc chắn, nhưng ý định thúc đẩy đàm phán thương mại của Tổng thống Trump có thể vấp phải sự trả đũa từ các quốc gia khác. Canada đã công bố mức thuế đáp trả 25% đối với ô tô không tuân thủ USMCA, trong khi Châu Âu dường như đang chuẩn bị các biện pháp đối phó riêng.
Chứng khoán
Chứng khoán Mỹ hứng chịu cú sốc mạnh trong phiên giao dịch hôm qua, với mức giảm sâu của các chỉ số S&P 500 (-4.8%), Dow Jones (-4.0%) và Nasdaq (-6.0%), khiến vốn hóa thị trường bốc hơi gần 2 nghìn tỷ USD, đánh dấu ngày giao dịch đen tối nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán Châu Âu cũng chao đảo, với Euro Stoxx 50 (-3.6%), DAX của Đức (-3.0%) và FTSE 100 của London (-1.6%) đều ghi nhận mức giảm đáng kể. Nhìn sang Châu Á, chứng khoán Tokyo cũng suy yếu (-2.8%), trong khi thị trường Trung Quốc ít chịu ảnh hưởng hơn, với mức giảm nhẹ của Hang Seng (-1.5%) và CSI 300 (-0.6%). ASX 200 của Úc cũng giảm (-0.9%), tuy nhiên, dù tránh được phần lớn áp lực bán tháo tại Châu Âu và Mỹ trong đêm, biến động giá hợp đồng tương lai vẫn cho thấy khả năng khởi đầu phiên giao dịch hôm nay trong xu hướng tiêu cực.
Lợi suất
Làn sóng tâm lý e ngại rủi ro bùng nổ đã khiến đường cong lợi suất TPCP Mỹ dốc lên đáng kể. Lợi suất kỳ hạn 2 năm giảm 18 bps xuống 3.68%, trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 10 bps xuống 4.03%. Đường cong lợi suất tại Châu Âu cũng dốc lên, nhưng ở mức độ thấp hơn, với lợi suất TPCP Đức kỳ hạn 10 năm giảm 7 bps và lợi suất TPCP Anh 10 năm giảm 12 bps. Đường cong lợi suất của Úc dịch chuyển xuống thấp hơn, với lợi suất kỳ hạn 3 năm và 10 năm đều giảm 16 bps, xuống còn 3.55% và 4.26%.
Về chính sách tiền tệ, thị trường tin tưởng rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất. Đối với Fed, thị trường OIS dự đoán thời điểm cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 6 (thay vì tháng 7), cùng mức cắt giảm tổng cộng 93 bps cho đến cuối năm. Đối với Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA), thời điểm cắt giảm lãi suất tiếp theo được dự đoán là vào tháng 5 và tổng cộng 86 bps trong phần còn lại của năm.
Ngoại hối
Đồng USD đối mặt với áp lực bán tháo mạnh nhất kể từ tháng 11/2022, với chỉ số DXY giảm 1.8% xuống 101.96. Nhà đầu tư dường như không còn xem USD là "tài sản trú ẩn an toàn" trong bối cảnh chính sách hiện tại và thay vào đó chuyển hướng sang các đồng tiền khác như JPY và EUR, tăng giá lần lượt 2.2% và 1.8% so với đồng bạc xanh. Bên cạnh đó, CHF cũng thu hút nhiều sự quan tâm khi tăng đến 2.6%. Các đồng tiền khác ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế quan ghi nhận mức tăng nhẹ, bao gồm GBP (+0.7%), AUD (+0.5%) và NZD (+0.8%).
Hàng hóa
Khi cả thế giới đang tập trung phân tích tác động của chính sách thuế quan mới do Tổng thống Trump công bố – làm dấy lên lo ngại về sức mua toàn cầu – thị trường dầu mỏ “bật ngửa” trước quyết định của OPEC+ về việc tăng sản lượng gấp ba lần so với công bố trước đó. Động thái này khiến giá dầu thô chịu áp lực bán tháo mạnh. Giá dầu Brent kỳ hạn theo đó giảm 6.8%, thủng mốc 70 USD/thùng, trong khi WTI giảm 7.1% về gần mốc 65 USD/thùng. Bên cạnh đó, thị trường kim loại cũng chịu áp lực bán tháo mạnh do thông tin từ Ngày Giải phóng, với giá đồng và nhôm trên sàn LME giảm lần lượt 3.4% và 1.7%. Sau những biến động mạnh trong phiên, với biên độ hơn 110 USD, giá vàng đóng cửa giảm 0.6%, xuống còn 3,114 USD/oz.
Nhịp đập vĩ mô
Mỹ
Dữ liệu cán cân thương mại cho thấy thâm hụt thu hẹp từ 131 tỷ USD trong tháng 1 xuống 123 tỷ USD vào tháng 2, đúng như dự báo. Dù chưa phản ánh tác động của chính sách thuế quan, dữ liệu này có thể sẽ biến động mạnh trong những tháng tới.
Chỉ số PMI dịch vụ của ISM cho thấy những tác động tiêu cực sắp tới từ chính sách thuế quan, dự kiến sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Chỉ số giảm từ 53.5 trong tháng 2 xuống 50.8 vào tháng 3, với sự sụt giảm của đơn đặt hàng mới, buộc các doanh nghiệp phải tập trung xử lý đơn hàng tồn đọng. Đáng chú ý là sự sụt giảm mạnh của chỉ số việc làm, từ 53.9 xuống 46.2, cùng với kết quả PMI sản xuất của ISM đầu tuần, cho thấy nguy cơ giảm việc làm trong những tháng tới. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy nguy cơ ngày đã hiện thực hóa trong dữ liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu (vẫn ở mức 219,000), nhưng dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp sắp tới sẽ được theo dõi sát sao để phát hiện bất kỳ thay đổi xu hướng nào.
Trung Quốc
PMI dịch vụ Caixin tăng nhẹ từ 51.4 trong tháng 2 lên 51.9 vào tháng 3, ngược với dự báo. Mức tăng này chủ yếu đến từ sự tăng trưởng của đơn đặt hàng mới, được cho là nhờ các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, triển vọng kinh tế cũng được đánh giá tích cực, với kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng trưởng lành mạnh hơn trong năm tới.
Westpac IQ