JPMorgan Research: Mỹ - Trung: Lợi thế giá và sự phụ thuộc lẫn nhau

Như Quỳnh
Junior Analyst
Nhận định của JPMorgan New York và Hong Kong.

Từ năm 2017, cuộc chiến thuế quan dưới thời chính quyền Trump và nỗ lực "friendshoring" (chuyển hướng chuỗi cung ứng sang các nước thân thiện) dưới thời Biden đã khiến thương mại song phương Mỹ - Trung sụt giảm. Sau hai đợt tăng thuế 10% của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc vào tháng 2 và 3 vì vấn đề fentanyl, Trung Quốc đã đáp trả bằng đợt tăng thuế 34% vào ngày 2/4. Tiếp theo đó là một đợt tăng thuế đối ứng lên đến 125% (trên nền thuế 20% sẵn có về fentanyl) để đáp trả biện pháp của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, một số mặt hàng đã được miễn áp thuế 125%, bao gồm một số linh kiện ô tô, thép và nhôm. Nhà Trắng cũng công bố danh sách miễn thuế mới nhất, chủ yếu dành cho một số thiết bị điện tử tiêu dùng và công nghiệp (điện thoại thông minh, máy tính, laptop, ổ đĩa, thiết bị xử lý dữ liệu tự động, thiết bị bán dẫn, chip nhớ và màn hình phẳng). Tuy nhiên, mức thuế 20% với fentanyl và tất cả các loại thuế áp trước ngày 20/1 vẫn được giữ nguyên. Điều này giúp loại trừ khoảng 185 tỷ USD trong tổng số 440 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khỏi mức thuế 125%. Hiện tại, mức thuế trung bình hiệu quả đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là khoảng 110%, và các ngoại lệ này có thể sẽ được xem xét lại, có khả năng bị áp mức thuế mới thấp hơn 125%. Do đó, chính sách thuế hiện nay vẫn mang tính trừng phạt, và nếu duy trì lâu dài, có thể khiến thương mại Mỹ - Trung gần như bị tách rời hoàn toàn.
Một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá thiệt hại thương mại là khả năng của các nhà xuất khẩu Trung Quốc trong việc hấp thụ một phần cú sốc thuế quan vào giá bán của họ. Điều này còn phụ thuộc vào năng lực thay thế của các quốc gia khác, khả năng Trung Quốc tìm kiếm thị trường thay thế, và hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc (như tỷ giá, chính sách công nghiệp). Do đó, độ co giãn giá của hàng xuất khẩu Trung Quốc sẽ khác nhau tùy mặt hàng. Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng cơ sở dữ liệu với khoảng 14.000 sản phẩm riêng biệt để tính toán lợi thế giá của hàng xuất khẩu Trung Quốc so với các đối thủ và thị phần tại Mỹ.
Sự phụ thuộc song phương không cân xứng
Hàng hóa tiêu dùng như đồ nội thất, đồ chơi, dụng cụ thể thao là nhóm có mức độ phụ thuộc cao nhất. Năm 2024, 46% các mặt hàng này mà Mỹ nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc (giảm từ 61% năm 2017), chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc (giảm từ 40%). Nhóm giày dép, mũ nón cũng thuộc nhóm có độ phụ thuộc cao. Ngược lại, ở một số mặt hàng như thiết bị quang học, đo lường, nhạc cụ, thiết bị vận tải và hóa chất, Trung Quốc lại phụ thuộc Mỹ nhiều hơn so với chiều ngược lại.
Hàng xuất khẩu Trung Quốc rẻ hơn bao nhiêu?
Dựa trên cơ sở dữ liệu khoảng 14.000 sản phẩm, nhóm nghiên cứu so sánh giá nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc và các nước khác vào cuối năm 2024. Dựa trên đơn giá (tính theo giá hàng hóa đến cửa khẩu, chưa tính thuế nhập), hầu hết sản phẩm Trung Quốc rẻ hơn 0–50% so với các nguồn cung khác. Những mặt hàng này chiếm 52.2% tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc, trong đó chủ yếu là máy móc thiết bị (25 điểm phần trăm), hàng tiêu dùng như đồ chơi, nội thất (7.5%), và dệt may (4.2%).
Có một nhóm sản phẩm Trung Quốc thậm chí rẻ hơn đối thủ trên 50%, chiếm 21% tổng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc trong năm 2024. Trong đó, 6% có mức giá thấp hơn tới 75–100%. Nếu chỉ xét yếu tố giá, mức thuế trên 100% sẽ khiến chưa đến 21% hàng Trung Quốc còn giữ được lợi thế cạnh tranh. Trong khi đó, cũng có khoảng 25% giá trị hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ lại đắt hơn các đối thủ, như một số thiết bị máy móc, hóa chất, nhựa, kim loại.
Thị phần và sức mạnh định giá
Một yếu tố khác là thị phần hàng Trung Quốc trong tổng nhập khẩu của Mỹ. Với những sản phẩm Trung Quốc chiếm thị phần thấp tại Mỹ (0–20%), giá của họ trung bình rẻ hơn 25%. Tuy nhiên, với những sản phẩm Trung Quốc chiếm thị phần cao (60–100%), mức giá rẻ hơn lần lượt là 32% và 39%. Như vậy, dù thị phần cao một phần là nhờ giá thấp, nhưng đồng thời nó cũng cho thấy khả năng định giá lớn hơn ở những mặt hàng này.
Mức giá thấp hơn có thể do chất lượng sản phẩm thấp hơn hoặc tính năng đơn giản hơn. Trung Quốc là nhà cung cấp giá rẻ nhất không có nghĩa là họ bán cùng loại hàng như các nhà cung cấp khác với giá rẻ hơn, mà có thể là họ sản xuất loại hàng hóa khác biệt phù hợp với thị trường giá rẻ hơn.
Biên lợi nhuận và rào cản phi thuế
PPI (chỉ số giá sản xuất) trong nước của Trung Quốc đã suy giảm kéo dài và tạo ra hiệu ứng giảm phát toàn cầu. Một câu hỏi đặt ra là các nhà xuất khẩu Trung Quốc còn bao nhiêu dư địa từ biên lợi nhuận để chống đỡ với thuế quan gia tăng.
Lấy ngành máy móc và thiết bị làm ví dụ: Năm 2017, 69% hàng Trung Quốc trong lĩnh vực này có giá thấp hơn các nước khác trung bình 38%. Nhờ kiểm soát chi phí sản xuất tốt hơn, sau khi điều chỉnh theo tỷ giá, mức giá sản xuất của Trung Quốc đã giảm 15% so với Đài Loan, 30% so với khu vực đồng Euro, nhưng tăng 7% so với Nhật Bản (do JPY mất giá mạnh).
Ngoài lợi thế chi phí sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị Trung Quốc còn có biên lợi nhuận khoảng 10%. Như vậy, họ còn dư địa 20–40% để điều chỉnh giá, nếu muốn duy trì thị phần tại Mỹ. Tuy nhiên, chiến lược giảm lợi nhuận về 0 để giữ chân thị trường chỉ là ngắn hạn. Một phần chi phí thuế cao sẽ cần chia sẻ với đối tác Mỹ.
Một yếu tố khác là hàng rào phi thuế quan, ví dụ như thuế chống bán phá giá. Một doanh nghiệp Trung Quốc – Zhejiang Dingli Machinery – từng phải chịu mức thuế 43% và được giảm xuống còn 24% từ tháng 11/2024. Đây là yếu tố có thể làm thay đổi đáng kể biên lợi nhuận giữa các doanh nghiệp khác nhau.
Đóng cửa kẽ hở vận chuyển "de minimis"
Hình thức giao hàng miễn thuế theo ngưỡng "de minimis" (giá trị thấp) từng tạo ra lỗ hổng trong chính sách thuế của Mỹ. Tổng giá trị hàng gửi theo hình thức này từ Trung Quốc đã tăng từ 50 triệu USD năm 2012 lên hơn 60 tỷ USD năm 2024, tương đương hơn 1 tỷ kiện hàng/năm, chủ yếu là hàng tiêu dùng.
Sau một thời gian cân nhắc, Mỹ đã ra sắc lệnh áp mức thuế 120% và phí cố định 100–200 USD cho mỗi bưu phẩm gửi từ Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao. Nếu đơn hàng trị giá trung bình 60 USD, điều này tương đương với thuế suất 287–453%. Ngay cả khi tận dụng ngưỡng miễn thuế 800 USD, mức thuế tương đương cũng là 133–145%. Do đó, de minimis không còn là cách để né thuế nữa.
Thương mại Mỹ - Trung có sống sót sau cuộc chiến thuế?
Dữ liệu cho thấy Trung Quốc đang chiếm lĩnh phân khúc hàng hóa giá rẻ tại Mỹ. Việc thay thế nguồn cung từ Trung Quốc sẽ khiến giá hàng hóa tại Mỹ tăng lên. Ví dụ, trước đây, việc miễn thuế cho hàng de minimis đã giúp giảm 0.13 điểm phần trăm lạm phát PCE trong đợt chiến tranh thương mại đầu tiên. Nhưng lợi thế về giá của Trung Quốc hiện đang bị đe dọa bởi mức thuế tăng đột biến của Mỹ.
Với giả định độ co giãn cầu nhập khẩu Mỹ là -1, mức thuế 145% có thể khiến Mỹ ngừng hoàn toàn nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể ngăn chặn việc "chia tay" hoàn toàn: Mỹ cũng đã áp thuế (nhưng đang tạm hoãn) với nhiều nước khác, khiến mức tăng chi phí nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên tương đối thấp hơn. Có khoảng 15% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ không thể thay thế ngay do phụ thuộc gần như tuyệt đối (80–100% thị phần), thêm 33% nữa phụ thuộc ở mức cao (60–80%). Dù ASEAN cũng bị ảnh hưởng, Trung Quốc vẫn có thể dùng chiến lược trung chuyển để tránh thuế, nhưng điều này sẽ bị Mỹ giám sát chặt hơn.
Mỹ đã liệt kê nhiều ngoại lệ trong chính sách thuế quan đối ứng. Danh sách "Phụ lục II" gồm 1039 sản phẩm chiếm khoảng 5% tổng nhập khẩu Mỹ từ Trung Quốc năm 2024. Danh sách miễn thuế công bố ngày thứ Sáu tương đương khoảng 96 tỷ USD, chủ yếu là điện thoại, máy tính, màn hình, chip điện tử – những mặt hàng Trung Quốc cung cấp rẻ hơn 75–85% so với các nguồn khác. Tuy nhiên, các mức miễn thuế này không mang tính lâu dài và có thể bị thay đổi trong vài tuần tới.
JPMorgan