Jerome Powell: Bitcoin đang "đấu đá" với vàng chứ không phải USD!

Trà Giang
Junior Editor
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế DealBook của New York Times, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã mang đến một góc nhìn sâu sắc về vị thế của Bitcoin trong hệ sinh thái tài chính toàn cầu.

Chiều ngày thứ Tư, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã có những chia sẻ quan trọng tại Hội nghị DealBook Summit do New York Times tổ chức tại New York, thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ các cộng đồng tài chính, bao gồm tiền tệ, hàng hóa và tiền điện tử. Trọng tâm thảo luận xoay quanh vai trò của Bitcoin trong nền kinh tế Mỹ và mối liên hệ của đông tiền số này với đồng USD.
Khi được hỏi liệu sự tăng trưởng mạnh mẽ của Bitcoin có phản ánh sự mất niềm tin vào đồng USD hoặc hệ thống của Fed hay không, Powell bác bỏ quan điểm này. Ông cho rằng Bitcoin hiện nay chủ yếu được coi là một tài sản đầu cơ, tương tự như vàng, nhưng khác biệt ở chỗ đây là một tài sản kỹ thuật số.
“Tôi không nghĩ đó là cách mà mọi người nhìn nhận. Bitcoin được sử dụng chủ yếu như một tài sản đầu cơ, tương tự như vàng. Khác biệt nằm ở chỗ đây là tài sản kỹ thuật số. Hiện nay, Bitcoin không được sử dụng rộng rãi như một phương tiện thanh toán hay tài sản trú ẩn an toàn vì tính biến động rất cao của nó.”
Powell đặc biệt nhấn mạnh rằng Bitcoin không phải là đối thủ cạnh tranh của đồng USD mà thay vào đó, là đối thủ của vàng:
“Bitcoin không cạnh tranh với đồng USD. Tôi cho rằng Bitcoin thực sự cạnh tranh với vàng nhiều hơn.”
Cả Bitcoin và vàng đều chứng kiến mức tăng trưởng vượt trội trong năm 2024, bất chấp sự mạnh lên của đồng USD so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới. Bitcoin đã chứng minh sức mạnh vượt trội của mình trong năm 2024 khi tăng trưởng gấp gần 5 lần so với vàng, với mức tăng lần lượt là 133.87% và 28.44%. Những con số này cho thấy Bitcoin đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường tài sản toàn cầu.
Sự biến động của giá Vàng trong năm 2024
Sự biến động của giá Bitcoin trong năm 2024
Fed và tính độc lập trước biến động chính trị
Bên cạnh vai trò của Bitcoin, Powell cũng trả lời về tính độc lập của Fed trước những áp lực có thể đến từ chính quyền Trump sắp tới. Ông giải thích rằng độc lập không đồng nghĩa với việc Fed “miễn nhiễm” trước sự giám sát.
Sự độc lập của Fed được thiết kế để bảo đảm tính chuyên môn trong việc điều hành chính sách tiền tệ, nhưng đồng thời, Fed này cũng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội để đảm bảo tính dân chủ và minh bạch.
Ông nhấn mạnh rằng sự độc lập không chỉ là một khái niệm trừu tượng, mà là nguyên tắc then chốt được Quốc hội Hoa Kỳ bảo đảm. "Chúng tôi là cơ quan do Quốc hội thành lập, với nhiệm vụ duy nhất là phục vụ lợi ích của toàn bộ người dân Mỹ, hoàn toàn không chịu ảnh hưởng từ bất kỳ đảng phái chính trị nào", ông khẳng định.
Ông nhấn mạnh nhiệm vụ chính của Fed là đảm bảo “tối đa hóa việc làm và duy trì ổn định giá cả” cho nền kinh tế, đồng thời tránh xa các ảnh hưởng chính trị. Powell tin tưởng rằng ý tưởng này nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cả hai đảng tại Quốc hội và không lo ngại về việc mất đi tính độc lập của Fed.
Quan hệ với chính quyền Trump và những mối lo tiềm ẩn
Khi được báo chí đặt câu hỏi về những nhận xét của ông Trump liên quan đến khả năng sa thải ông, Powell đã từ chối trả lời trực tiếp một cách khéo léo và chuyên nghiệp. Trước những bình luận gần đây của ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent - người đã gợi ý rằng chính quyền sắp tới có thể ngay lập tức thành lập một "ban điều hành dự phòng" bằng cách đề cử sớm một chủ tịch mới, nhằm cung cấp định hướng chính sách tiền tệ và vô hiệu hóa các tuyên bố của vị chủ tịch hiện tại, Powell vẫn giữ thái độ bình tĩnh và ngoại giao.
“Tôi không nghĩ điều đó khả thi. Mối quan hệ giữa Fed và các chính quyền luôn mang tính thể chế. Ví dụ, Chủ tịch Fed và Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã có truyền thống gặp gỡ hàng tuần suốt 75 năm qua để trao đổi và duy trì sự hợp tác trong quản lý kinh tế.”
Ông cho rằng sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và sự thấu hiểu về thẩm quyền của từng bên là điều kiện tiên quyết để hai tổ chức này phối hợp hiệu quả, đặc biệt trong những thời điểm khủng hoảng. Powell cũng bày tỏ sự tự tin rằng mối quan hệ với chính quyền mới sẽ mang tính xây dựng và duy trì tính liên tục như các giai đoạn trước đây.
Tác động khó đoán định của thuế quan lên nền kinh tế
Liên quan đến các đề xuất áp thuế quan của chính quyền Trump, Powell nhận định rằng còn quá nhiều ẩn số để Fed có thể đưa ra những chính sách ngay lập tức:
“Chúng tôi chưa biết quy mô, thời gian áp dụng, hay phạm vi của các loại thuế quan này. Chúng tôi cũng không thể dự đoán cách chúng sẽ ảnh hưởng đến giá cả, tâm lý thị trường, và phản ứng của các quốc gia khác. Điều này đặt ra một loạt câu hỏi mà hiện tại chưa có lời giải đáp.”
Powell giải thích rằng các quyết định chính sách hiện tại của Fed tập trung vào những điều kiện kinh tế hiện thời, thay vì các yếu tố chưa chắc chắn trong tương lai. “Chúng tôi đang mô hình hóa, đánh giá và quan sát các tác động của thuế quan. Tuy nhiên, những chính sách mà chúng tôi đưa ra lúc này dựa trên bức tranh kinh tế hiện tại, không phải các kịch bản xa vời.”
Những phát biểu của Powell tiếp tục khẳng định vai trò của Fed trong việc giữ ổn định kinh tế, đồng thời thể hiện sự cẩn trọng trước các yếu tố chính trị và thị trường không chắc chắn.
Kitco