Hàn Quốc công bố gói hỗ trợ 23 tỷ USD cho ngành bán dẫn trong bối cảnh bất ổn thuế quan từ Mỹ

Trà Giang
Junior Editor
Trong nỗ lực củng cố vị thế dẫn đầu trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, Chính phủ Hàn Quốc ngày 15/4 công bố gói hỗ trợ mở rộng trị giá 33,000 tỷ won (tương đương 23.25 tỷ USD) dành cho ngành công nghiệp bán dẫn – lĩnh vực được coi là “xương sống” của nền kinh tế quốc gia.

Quy mô gói hỗ trợ mới tăng gần 25% so với con số 26,000 tỷ won được công bố hồi năm 2024, thể hiện phản ứng chính sách rõ rệt trước áp lực cạnh tranh đang gia tăng từ Trung Quốc và sự bất định trong định hướng thương mại từ Hoa Kỳ.
Thông cáo chung của các bộ ngành liên quan, bao gồm Bộ Thương mại, cho biết gói tài trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp bán dẫn cũng được nâng lên 20,000 tỷ won, từ mức 17,000 tỷ won trước đó. Chính phủ nhấn mạnh rằng việc “bơm vốn quy mô lớn” là cần thiết để giúp các doanh nghiệp bán dẫn nội địa đối phó với chi phí đầu tư ngày càng cao, trong khi vẫn phải duy trì tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Dù Hàn Quốc đang nắm giữ vị trí hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bộ nhớ bán dẫn nhờ hai tập đoàn chủ lực Samsung Electronics và SK Hynix, quốc gia này lại đang dần tụt lại phía sau ở những phân khúc chiến lược như thiết kế chip tiên tiến (fabless) và gia công bán dẫn (foundry) – nơi mà các đối thủ như TSMC (Đài Loan) và nhiều công ty Mỹ đang vượt lên dẫn đầu nhờ lợi thế công nghệ, hệ sinh thái sâu và quy mô tài chính vượt trội.
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu chip của Hàn Quốc đạt 141.9 tỷ USD, tương đương 21% tổng xuất khẩu cả nước – một tỷ lệ cho thấy tầm quan trọng sống còn của ngành bán dẫn đối với nền kinh tế quốc gia. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 46.6 tỷ USD và sang Mỹ đạt 10.7 tỷ USD, cho thấy sự phụ thuộc chiến lược vào hai thị trường lớn nhưng đầy biến động về chính sách.
Bối cảnh quốc tế hiện nay càng làm nổi bật tính cấp bách của các chính sách hỗ trợ. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào Chủ nhật rằng ông sẽ công bố mức thuế mới đối với chất bán dẫn nhập khẩu trong tuần tới, nhưng cũng để ngỏ khả năng linh hoạt với một số doanh nghiệp. Đây được xem là động thái tiếp theo trong chuỗi biện pháp gia tăng áp lực lên chuỗi cung ứng công nghệ châu Á, đồng thời tạo lợi thế cho ngành bán dẫn nội địa Mỹ.
Ngay sau tuyên bố này, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok đã triệu tập cuộc họp khẩn và khẳng định chính phủ sẽ tăng cường đối thoại với Washington liên quan đến cuộc điều tra Mục 232 đối với bán dẫn và dược phẩm sinh học, nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đến doanh nghiệp Hàn Quốc.
Song song với ngành bán dẫn, chính phủ Hàn Quốc cũng đang triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp đối với ngành ô tô, lĩnh vực vốn có tốc độ xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây nhưng hiện đối mặt với rủi ro từ chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Các biện pháp bao gồm hỗ trợ tín dụng, miễn giảm thuế, và trợ cấp tiêu dùng nội địa, kèm theo cam kết đẩy mạnh đàm phán song phương và mở rộng thị trường xuất khẩu thay thế.
Những hành động quyết liệt này phản ánh cách Hàn Quốc đang ứng phó với môi trường thương mại toàn cầu đầy biến động: tăng cường chủ động chính sách công nghiệp, bảo vệ lợi thế cạnh tranh, và không ngừng tái cấu trúc để duy trì vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Reuters