ECB đề xuất thay đổi quy định về vốn trung lập vào cuối năm

Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
ECB dự kiến sẽ đề xuất các biện pháp trung lập về vốn để đơn giản hóa quy định ngân hàng của châu Âu vào cuối năm nay, các bộ trưởng tài chính châu Âu đã được thông báo trong tuần này.

Ccác thống đốc khu vực đồng euro và thành viên ban giám sát Sharon Donnery đang tiến hành rà soát toàn diện nhằm đơn giản hóa bộ quy tắc điều hành ngân hàng của châu Âu, với các đề xuất cụ thể dự kiến được hoàn thiện vào cuối năm nay. Phạm vi công việc bao gồm cấu trúc vốn của các ngân hàng, việc triển khai gói cải cách Basel cuối cùng, các yêu cầu báo cáo và quy trình giám sát, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng hệ thống hiện tại quá phức tạp và tạo gánh nặng không cần thiết.
Dù được kỳ vọng sẽ giảm bớt thủ tục hành chính cho ngành ngân hàng, hướng tiếp cận “trung lập về vốn” – tức không thay đổi mức vốn dự trữ mà các ngân hàng phải nắm giữ – lại khiến một số quốc gia và tổ chức tài chính thất vọng vì không góp phần thúc đẩy cho vay hay cải thiện lợi nhuận. Các đề xuất dự kiến sẽ được trình lên các nhà lập pháp vào đầu năm 2026, đi trước cuộc rà soát quy định tài chính toàn khối EU do Ủy ban châu Âu dự kiến thực hiện vào cuối năm đó.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo rằng châu Âu đang đối mặt nguy cơ tụt lại phía sau so với các nền kinh tế lớn khác trong việc cải tổ các quy định tài chính rườm rà và phức tạp. Trong khi Mỹ đã nhanh chóng cắt giảm nhân sự giám sát, đình chỉ một số quy định và xem xét lại các quy định khác kể từ khi Donald Trump nhậm chức, thì Anh cũng tận dụng cơ hội hậu Brexit để đưa ra nhiều thay đổi thân thiện với ngành tài chính. Trước áp lực này, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu đẩy nhanh tiến độ đề xuất các biện pháp đơn giản hóa quy định trước cuối năm 2025 được coi là bước đi nhằm giải tỏa những lo ngại về sự tụt hậu và củng cố vị thế cạnh tranh của châu Âu trên trường tài chính toàn cầu.
Chủ tịch Cơ quan Ngân hàng châu Âu, Jose Manuel Campa, cảnh báo rằng việc đơn giản hóa quá mức có thể tạo ra những rủi ro nghiêm trọng, nhắc lại bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi các đánh giá rủi ro không minh bạch đã làm gia tăng nguy cơ hệ thống sụp đổ. Động thái của ECB nhằm cân bằng giữa việc giảm bớt gánh nặng hành chính và duy trì các quy định chặt chẽ được xem là bước đi thận trọng nhằm bảo vệ ổn định tài chính đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của ngành ngân hàng châu Âu.
Bloomberg