Donald Trump và dự luật cắt giảm thuế khổng lồ: Ai hưởng lợi và ai phải trả giá?

Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiến gần tới việc thông qua dự luật cắt giảm thuế trị giá 4.5 nghìn tỷ USD, một gói luật quy mô lớn đi kèm với việc cắt giảm chi tiêu phúc lợi và trợ cấp năng lượng xanh, đồng thời đẩy thâm hụt ngân sách và nợ công Mỹ lên mức kỷ lục.

Dự luật đã được Thượng viện thông qua hôm thứ Ba sau khi Phó Tổng thống JD Vance bỏ phiếu phá vỡ thế cân bằng. Dự luật cần được Hạ viện thông qua lần cuối trước khi được Trump ký ban hành.
Dù bị chỉ trích bởi các nghị sĩ Cộng hòa theo hướng bảo thủ và cả tỷ phú ủng hộ Trump là Elon Musk vì làm gia tăng nợ công, Nhà Trắng vẫn bảo vệ dự luật, cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ giúp kiểm soát nợ.
Tuy nhiên, dự luật này bị đánh giá là có tác động "lùi" về mặt phân phối thu nhập: nhóm 20% nghèo nhất sẽ mất trung bình 2.3% thu nhập sau thuế (khoảng 560 USD), trong khi nhóm 1% giàu nhất lại tăng thêm 2.1% (khoảng 32.265 USD), theo phân tích của Yale Budget Lab.
Những điểm nổi bật trong “Dự luật Tuyệt đẹp”:
- Cắt giảm thuế lớn: Dự luật kéo dài các biện pháp cắt giảm thuế từ năm 2017 vốn sắp hết hạn và thực hiện lời hứa tranh cử của Trump là miễn thuế cho tiền tip và làm thêm giờ. Tổng giá trị cắt giảm thuế ròng ước tính khoảng 4.5 nghìn tỷ USD, chỉ được bù đắp một phần bởi các biện pháp tiết kiệm chi tiêu.
- Cắt giảm chi tiêu y tế: Dự luật sẽ cắt hơn 1.1 nghìn tỷ USD trong lĩnh vực y tế trong 10 năm tới. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), khoảng 11.8 triệu người sẽ mất bảo hiểm y tế vào năm 2034, chủ yếu do siết chặt tiêu chuẩn hưởng Medicaid — chương trình bảo hiểm y tế cho người thu nhập thấp. Người dân phải chứng minh làm việc ít nhất 80 giờ mỗi tháng để được duy trì quyền lợi.
- Tăng đầu tư quốc phòng và an ninh biên giới: Quân đội sẽ nhận được thêm khoảng 150 tỷ USD trong 10 năm tới, bao gồm 23 tỷ cho hệ thống phòng thủ tên lửa “Mái vòm vàng” và 28 tỷ cho đóng tàu không người lái. Bộ An ninh Nội địa cũng được cấp thêm 129 tỷ USD, bao gồm 45 tỷ để xây tường biên giới và số tiền tương đương cho các cơ sở giam giữ người nhập cư.
- Cắt giảm trợ cấp năng lượng xanh: Dự luật hạn chế nghiêm ngặt các ưu đãi thuế được ban hành trong Đạo luật Giảm lạm phát thời Biden. Các dự án gió và mặt trời phải được đưa vào sử dụng trước cuối năm 2027 mới được hưởng ưu đãi. Một số nghị sĩ Cộng hòa đã buộc phải loại bỏ thuế tiêu thụ năng lượng tái tạo khỏi dự luật để thuyết phục các Thượng nghị sĩ còn do dự.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng mức thâm hụt ngân sách trung bình có thể lên tới 7% GDP/năm, bất chấp mục tiêu 3% của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent. CBO ước tính dự luật sẽ làm tăng hơn 3.3 nghìn tỷ USD nợ quốc gia đến năm 2034. Tỷ lệ nợ/GDP có thể chạm mốc 130%, trong khi lãi trả nợ có thể vượt 1.9 nghìn tỷ USD vào năm 2034.
Trong bối cảnh nước Mỹ đang gần như toàn dụng lao động và lạm phát chưa hạ về mục tiêu, một cú hích tài khóa lớn như vậy sẽ khiến công việc của Fed càng khó khăn hơn. Một số nhà đầu tư lo ngại rằng xu hướng thâm hụt và nợ tăng cao có thể làm giảm sức hấp dẫn của tài sản Mỹ. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu đến nay vẫn chưa phản ứng quá tiêu cực — một phần nhờ vào vị thế “tài sản trú ẩn an toàn” của đồng USD.
Nhưng áp lực chi tiêu cho an sinh xã hội trong thập niên 2030 có thể sẽ trở thành một gánh nặng lớn, và như chuyên gia Innes McFee từ Oxford Economics cảnh báo: “Có vẻ như con tàu đang đi sai hướng.”
Bloomberg