Doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc ngày càng khốn đốn vì “đòn phản công” từ Bắc Kinh

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Suốt nhiều thập kỷ, các chính trị gia Mỹ luôn ủng hộ mạnh mẽ doanh nghiệp nước mình đầu tư vào Trung Quốc. Họ thúc đẩy việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho ngân hàng Mỹ, các hãng sản xuất máy bay hay chuỗi thức ăn nhanh. Ví dụ, Boeing – hãng sản xuất máy bay của Mỹ – bắt đầu nhận được đơn hàng từ Trung Quốc ngay sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Nixon vào năm 1972.

Nhưng giờ đây, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đang cảm thấy chính phủ Mỹ đang phá bỏ chính những gì họ từng dày công xây dựng.
Chính sách áp thuế ồ ạt của Tổng thống Donald Trump khiến chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc trở nên khó vận hành. Trong khi đó, Trung Quốc đáp trả bằng những biện pháp khiến hàng chục năm thành công kinh doanh có nguy cơ bị xoá sạch. Ngày 15/4, cơ quan hàng không Trung Quốc yêu cầu các hãng bay dừng nhận máy bay từ Boeing – một động thái mang tính biểu tượng mạnh mẽ.
Các doanh nghiệp Mỹ đang cố gắng đoán định tương lai. Mức thuế của Mỹ đánh vào hàng Trung Quốc hiện đã lên tới 145%. Ngày 11/4, Nhà Trắng công bố miễn thuế tạm thời với một số sản phẩm điện tử tiêu dùng – điều khiến Apple và các công ty công nghệ thở phào. Tuy nhiên, ông Trump sau đó nói rằng đây chỉ là biện pháp tạm thời, chờ kết quả điều tra thêm về các ngành then chốt như chip, điện tử và dược phẩm – có thể sẽ dẫn đến thuế cao hơn nữa với các sản phẩm như điện thoại.
Trung Quốc cũng nâng thuế lên khoảng 125%, nhưng gần đây cho biết sẽ không trả đũa thêm nữa vì giá hàng Mỹ đã cao đến mức người tiêu dùng nước này không còn mặn mà. Thay vào đó, Trung Quốc tăng cường kiểm soát hành chính: điều tra doanh nghiệp, hạn chế hoạt động, đưa các công ty Mỹ vào danh sách “không đáng tin cậy”. Những doanh nghiệp như Boeing có thể đối mặt với việc bị hủy đơn hàng hàng loạt. Một lãnh đạo Mỹ mô tả cuộc chiến này chỉ bằng một từ: “tàn phá”.
Ông Trump cho rằng thâm hụt thương mại 300 tỷ USD với Trung Quốc trong năm 2024 là lý do phải đánh thuế. Nhưng giới doanh nghiệp lại có góc nhìn khác: riêng doanh thu từ thị trường Trung Quốc của các công ty Mỹ niêm yết đã đạt gần bằng con số đó. Apple, Nike, Starbucks đều rất phổ biến; Tesla bán 40% số xe tại Trung Quốc chỉ trong quý I/2025. Những công ty này tạo ra hàng chục nghìn việc làm tay nghề cao tại địa phương – điều mà doanh nghiệp Trung Quốc ở Mỹ chưa thể làm được. Năm ngoái, các công ty Trung Quốc chỉ đạt doanh thu khoảng 50 tỷ USD ở Mỹ, và hiếm khi thấy thương hiệu Trung Quốc trên phố Mỹ.
Giờ đây, hoạt động kinh doanh của người Mỹ tại Trung Quốc khó khăn hơn bao giờ hết. Trong 5 năm qua, nhiều doanh nghiệp đã giảm đầu tư do chính sách không thân thiện, chi phí cao, lãi suất thấp. Giờ đây, chính sách từ chính phủ Mỹ có thể lại trở thành rào cản lớn nhất.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (tỷ USD)
Sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp Mỹ từng tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách chuyển bớt sản xuất sang các nước khác. Nhưng điều đó có thể phản tác dụng. Ví dụ, Việt Nam được cho là đã đề xuất dừng cho hàng Trung Quốc “đi đường vòng” qua nước mình để được giảm thuế từ Mỹ. Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp Mỹ hoạt động giữa hai nước có thể phải gánh thêm chi phí thuế.
Ngoài ra, Trung Quốc ngày càng gia tăng sức ép. Từ năm 2019, nước này đã xây dựng nhiều công cụ pháp lý để phản ứng với các nước phương Tây: từ cấm xuất khẩu, xử phạt vì tuân thủ lệnh trừng phạt nước ngoài, cho đến danh sách "thực thể không đáng tin" – khi doanh nghiệp bị đưa vào sẽ bị chặn giao thương, nhân viên có thể bị cấm nhập cảnh. Năm 2024, các biện pháp này được dùng tới 115 lần, tăng mạnh so với chỉ 15 lần năm trước. Riêng quý đầu năm 2025 đã có gần 60 trường hợp.
Ngày 8/4, trên mạng xã hội Trung Quốc lan truyền danh sách 6 biện pháp trả đũa Mỹ: từ cấm nhập thịt gia cầm, đậu tương, tạm dừng đàm phán chống buôn fentanyl, cho đến ngưng nhập phim Mỹ và siết chặt hoạt động của các công ty luật, dịch vụ sở hữu trí tuệ Mỹ. Hai ngày sau, cơ quan điện ảnh Trung Quốc thông báo sẽ giảm số lượng phim Mỹ được phép chiếu – cho thấy danh sách này là có cơ sở.
Một phần trong danh sách còn liên quan đến việc Trung Quốc điều tra tập đoàn hóa chất DuPont (Mỹ) với cáo buộc hoạt động độc quyền. Giới phân tích cho rằng đây có thể là một cách để Bắc Kinh đánh vào quyền sở hữu trí tuệ của công ty này. Nếu Trung Quốc bắt đầu rút lại các cam kết bảo vệ tài sản trí tuệ – vốn là điều kiện tiên quyết để các tập đoàn nước ngoài đầu tư – thì không chỉ doanh nghiệp Mỹ mà tất cả nhà đầu tư quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Hiện Trung Quốc chưa tấn công toàn diện vào lĩnh vực dịch vụ Mỹ như luật, ngân hàng hay tư vấn, nhưng nguy cơ này là có thật. Những ngành này là trụ cột hỗ trợ cho hoạt động thương mại. Bắc Kinh đã siết quy định bảo mật, khiến việc điều tra doanh nghiệp ngày càng rủi ro. Nhiều hãng luật Mỹ đã phải thu hẹp quy mô hoặc rút khỏi Trung Quốc. Một luật sư tại Bắc Kinh nói rằng nếu bị siết thêm, việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc sẽ rất khó khăn.
Trước đây, doanh nghiệp Mỹ thường được chính phủ bảo vệ trong những tình huống như vậy. Nhưng giờ đây, ông Trump lại đang gây áp lực với cả các hãng luật trong nước từng điều tra ông – nên khả năng ông sẽ đứng ra bảo vệ họ ở Trung Quốc là rất thấp.
Tuy vậy, Trung Quốc cũng cần tính toán kỹ khi “ra đòn”. Nếu đánh vào Apple hay Tesla, họ sẽ tự làm tổn thương ngành sản xuất trong nước và có thể gây ra làn sóng sa thải. Những doanh nghiệp nước ngoài khác cũng có thể rút lui nếu thấy Mỹ bị “đánh úp”. Điều này đi ngược lại nỗ lực thu hút đầu tư và duy trì quan hệ với khối tư nhân của chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc có thể hưởng lợi – ví dụ, Huawei có thể “lấy chỗ” của Apple trong mắt người tiêu dùng.
Xét trên một khía cạnh nào đó, cuộc chiến thương mại lại đang giúp chính quyền Bắc Kinh đẩy nhanh việc giảm ảnh hưởng của Mỹ tại thị trường trong nước. Người tiêu dùng Trung Quốc vốn vẫn yêu thích văn hóa và sản phẩm Mỹ. Nhưng sự đối đầu của ông Trump đang tạo điều kiện để Bắc Kinh đẩy mạnh việc “dọn chỗ” cho thương hiệu nội địa.
The Economist