Doanh nghiệp Anh cảnh báo: Gần 1 triệu thanh niên có nguy cơ thất nghiệp

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Các lãnh đạo doanh nghiệp Anh vừa lên tiếng cảnh báo: nếu chính phủ không nhanh chóng hành động, nước Anh sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất đi cả một thế hệ lao động trẻ.

Theo Phòng Thương mại Anh (BCC), gần 1 triệu người trẻ trong độ tuổi 16–24 hiện không học tập, không đi làm và cũng không tham gia đào tạo nghề (nhóm NEET). Điều này diễn ra trong bối cảnh dân số Anh đang già hóa nhanh, và nhu cầu tìm kiếm nhân lực trẻ càng trở nên cấp thiết.
Mặc dù dữ liệu chính thức từ Cơ quan Thống kê Quốc gia (ONS) còn nhiều hạn chế, các số liệu thuế độc lập cũng cho thấy việc làm dành cho giới trẻ đã bị ảnh hưởng nặng nề trong những tháng gần đây, khi chi phí lao động leo thang và tâm lý bất ổn khiến các doanh nghiệp e dè tuyển dụng.
Dữ liệu mới từ trang web tuyển dụng Adzuna cho thấy số lượng việc làm dành cho sinh viên mới tốt nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm tính đến tháng 3, dù thị trường lao động nói chung đang có dấu hiệu phục hồi nhẹ sau đợt tăng thuế doanh nghiệp cuối năm ngoái.
Thế hệ Z đối mặt với rào cản lớn
Bà Shevaun Haviland, Tổng giám đốc BCC, cho biết thế hệ Z (sinh từ năm 1997–2012) đang phải đối mặt với nhiều rào cản hơn khi bước vào thị trường lao động, trong khi số lượng cơ hội việc làm lại ngày càng thu hẹp.
Báo cáo của BCC chỉ ra rằng, trong số những người thuộc nhóm NEET, có tới một phần tư muốn đi làm nhưng không thể vì lý do sức khỏe tâm thần.
“Càng để lâu, nhóm người trẻ này càng khó quay lại với công việc. Nếu không hành động kịp thời, chúng ta có thể đánh mất cả một thế hệ,” bà Haviland nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cũng mang nhiều nỗi lo
Các doanh nghiệp lo ngại rằng họ sẽ phải gánh thêm chi phí trong việc tuyển dụng, đào tạo và hỗ trợ những lao động trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm — nhất là khi luật lao động mới đang siết chặt quyền sa thải nhân viên, khiến việc quản lý nhân sự càng thêm phức tạp.
Chính phủ kỳ vọng rằng các cải cách phúc lợi vừa công bố, như cắt giảm trợ cấp khuyết tật và mở rộng chương trình hỗ trợ tìm việc, sẽ giúp nhiều người trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần sớm quay lại thị trường lao động.
Sir Charlie Mayfield, cựu CEO chuỗi bán lẻ John Lewis, đã được giao nhiệm vụ xây dựng các giải pháp giúp doanh nghiệp và chính phủ phối hợp hỗ trợ người lao động yếu thế. Tuy nhiên, theo ông, hiện nay với nhiều doanh nghiệp, việc thay thế người lao động bị ốm còn rẻ hơn việc đầu tư giữ chân họ.
BCC: Chính phủ cần hành động mạnh mẽ hơn
BCC cảnh báo: nếu muốn doanh nghiệp tham gia tích cực hơn, chính phủ cần tránh gia tăng thêm chi phí, rủi ro và quy định nặng nề cho khu vực tư nhân.
BCC đề xuất:
-
Tăng ngân sách cho chăm sóc sức khỏe tâm thần và giáo dục nghề.
-
Các bộ ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn với doanh nghiệp thay vì làm việc rời rạc.
-
Bảo vệ ngân sách đào tạo nghề của chính quyền địa phương trước áp lực chi phí an sinh xã hội.
-
Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhận thực tập sinh hoặc tuyển dụng nhóm NEET thiếu bằng cấp.
-
Khuyến khích doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nơi làm việc bằng ưu đãi thuế.
-
Yêu cầu các công ty lớn công bố minh bạch chính sách sức khỏe nhân viên.
-
Thúc đẩy mô hình làm việc linh hoạt và đào tạo quản lý để hỗ trợ nhân viên trẻ.
Phản ứng từ chính phủ
Bộ Lao động và Hưu trí Anh khẳng định cam kết “không để thanh niên nào bị bỏ lại phía sau”, thông qua việc mở rộng hỗ trợ sức khỏe tâm thần, cải tổ hệ thống trung tâm việc làm, và cam kết đảm bảo mỗi thanh niên từ 18–21 tuổi đều có cơ hội học nghề, đào tạo hoặc được hỗ trợ tìm việc.
Tuy nhiên, BCC lưu ý rằng còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải: chương trình “Bảo đảm Thanh niên” sẽ được triển khai ra sao, và liệu tám khu vực thí điểm ban đầu có được cấp đủ kinh phí cho suốt nhiệm kỳ hay không.
Financial Times