Điều gì có thể đủ sức ngăn cản đà tăng "vũ bão" của đồng bạc xanh?

Điều gì có thể đủ sức ngăn cản đà tăng "vũ bão" của đồng bạc xanh?

Đặng Hải Phú

Đặng Hải Phú

Junior Analyst

17:57 26/07/2022

Rủi ro suy thoái và khả năng Fed đảo chiều kế hoạch thắt chặt vẫn đang là rủi ro lớn nhất đối với xu hướng tăng của đồng USD

Đồng đô la đã có một pha tăng giá ngoạn mục, tăng hơn 10% so với các đồng tiền chính khác kể từ đầu năm. Trên thực tế, không ít chính phủ và ngân hàng trung ương sẽ muốn gọi điều này là "thảm họa" hơn là "ngoạn mục". Bởi đối với các nước đang phát triển, từ Sri Lanka đến Argentina, sự tăng giá của đồng bạc xanh đã khiến việc giải quyết các khoản nợ bằng đồng đô la, vốn đã là một nhiệm vụ khó khăn, về cơ bản trở nên bất khả thi.

Đối với các thị trường mới nổi không có nhiều các khoản nợ như Chile, việc USD tăng giá đã làm tăng lạm phát bằng cách tăng giá năng lượng và thực phẩm. Lạm phát cao và đồng tiền mất giá đã buộc Ngân hàng Trung ương Chile phải tăng lãi suất 9 lần trong năm qua và hiện tại đang triển khai dự trữ của mình nhằm hỗ trợ tỷ giá hối đoái đồng Peso.

Đối với Ngân hàng Trung ương Châu Âu, ​​đồng Euro giảm xuống xấp xỉ ngang bằng với đồng USD. Nhìn sang Nhật Bản, Yên là đồng tiền của quốc gia phát triển mất giá nhiều nhất trong năm nay.

Lý do đồng USD mạnh lên rất rõ ràng. Chứng kiến ​​lạm phát cao và nền kinh tế tăng trưởng vững chắc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất nhanh hơn các ngân hàng trung ương lớn khác, qua đó thu hút dòng vốn về phía Mỹ.

ECB, mặc dù đã bắt đầu chu kỳ thắt chặt một cách thận trọng vào tuần trước, đang đi sau hơn đáng kể. Việc cắt giảm nguồn cung cấp năng lượng của Nga vốn đang đè nặng lên tăng trưởng của Châu Âu, và lãi suất cao hơn sẽ khiến thị trường nợ mong manh của Ý thêm quay cuồng.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chưa có lý do để cho rằng vấn đề "lạm phát thấp" của đất nước đã được giải quyết, và vẫn không có xu hướng từ bỏ chính sách "kiểm soát lợi suất" để duy trì lãi suất ở mức thấp. Cả BoJ và ECB trước mắt sẽ không theo bước Fed khi tăng lãi suất 75 hoặc 100 điểm cơ bản.

Một số người sẽ viện dẫn đến sự gia tăng rủi ro địa chính trị từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine bất tận và vị thế của đồng đô la như một tài sản trú ẩn. Có thể sẽ có thêm dòng tiền trú ẩn với căng thẳng xung quanh eo biển Đài Loan và Iran. Nhưng suy cho cùng, những diễn biến của thị trường tiền tệ gần đây được thúc đẩy chính bởi động thái của các ngân hàng trung ương. Điều này cũng sẽ đúng trong tương lai. Việc Fed đã đi sau lạm phát và hiện nay đang phải cố gắng bắt kịp đà tăng giá cả đã không còn là câu chuyện quá mới. Do đó, thị trường vẫn tiếp tục kỳ vọng những đợt tăng lãi suất hơn nữa từ Chủ tịch Fed Jay Powell.

Nhưng hai diễn biến mới đã làm phức tạp thêm triển vọng thị trường. Đầu tiên, các ngân hàng trung ương khác - ngoại trừ ECB và BoJ - đang ngày càng thể hiện sự sẵn sàng hưởng ứng trong việc tăng lãi suất để giải quyết vấn đề lạm phát đang gia tăng của chính họ. Những ngân hàng này đã bao gồm các ngân hàng trung ương của Canada, Philippines, Singapore, New Zealand và Hàn Quốc, và danh sách này đang ngày một tăng lên.

Nền tảng tài chính của các quốc gia này đủ mạnh để chịu được việc tăng lãi suất và lạm phát hiện là một vấn đề đáng quan tâm. Do đó, các ngân hàng trung ương của họ ít nhất cũng theo kịp Fed. Đồng USD đã thể hiện ít sức mạnh hơn so với một rổ rộng bao gồm tiền tệ của các quốc gia này. Điều này có thể sẽ tiếp diễn trong tương lai gần.

Thứ hai, và đáng ngại hơn, là nguy cơ suy thoái ở Mỹ. Đồng USD hiện tại đang được định giá với kỳ vọng rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Kỳ vọng đó lại dựa trên giả định đầy hy vọng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Nếu sự giảm tốc do Fed định trước lan rộng từ thị trường nhà ở sang doanh số bán lẻ và đầu tư kinh doanh, tác động của chúng sẽ kéo giảm không chỉ chi tiêu của Mỹ mà còn cả lạm phát.

Trong quá khứ, cựu chủ tịch Fed Paul Volcker đã từng tiếp tục tăng lãi suất bất chấp việc đối mặt với suy thoái do lạm phát đeo bám dai dẳng trong nhiều năm, đồng USD theo đó cũng tăng cao trong giai đoạn này. Tuy nhiên tình hình lạm phát ngày nay không giống như trong quá khứ. Vì vậy, nếu nền kinh tế và lạm phát suy yếu, Fed sẽ tạm dừng kế hoạch thắt chặt, và đồng USD sẽ đảo chiều. Đây là một rủi ro mà chúng ta không thể loại trừ.

The Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Báo cáo Phân tích: Tiềm năng Tăng trưởng của Nền Kinh tế Hoa Kỳ (Phần 1)
Kiều Hồng Minh

Kiều Hồng Minh

Junior Analyst

Báo cáo Phân tích: Tiềm năng Tăng trưởng của Nền Kinh tế Hoa Kỳ (Phần 1)

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn (hay tiềm năng tăng trưởng) của một nền kinh tế được xác định bởi nhiều yếu tố. Mặc dù ít được quan tâm do tính học thuật cao, dữ liệu này có tầm quan trọng tương đối lớn. Trong một loạt báo cáo gồm năm phần, chúng tôi sẽ đi sâu vào phân phân tích triển vọng và tiềm năng tăng trưởng kinh tế tại Hoa Kỳ.
Những bất ổn thương mại và căng thẳng địa chính trị thúc đẩy đồng USD tăng giá
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Những bất ổn thương mại và căng thẳng địa chính trị thúc đẩy đồng USD tăng giá

Tâm lý thị trường đã có bước ngoặt quyết định theo chiều hướng xấu hơn vào tuần trước, với tâm lý sợ rủi ro chiếm ưu thế trên khắp các loại tài sản. Sự kết hợp giữa tình hình kinh tế xấu đi ở Hoa Kỳ và tình hình bất ổn toàn cầu gia tăng đã làm dấy lên lo ngại rằng khẩu vị rủi ro có thể suy yếu hơn nữa. Cổ phiếu phải đối mặt với áp lực bán mới trong khi lợi suất giảm mạnh.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ