Đã đến lúc cần xem xét nghiêm túc hơn về thuế quan?

Diệu Linh
Junior Editor
Rủi ro không đạt được thỏa thuận thương mại trước hạn chót ngày 1 tháng 8 đang gia tăng, thách thức cách tiếp cận thận trọng của thị trường trong thời gian tới. Giới phân tích nhìn chung cho rằng đồng Đô la Mỹ có thể tiếp tục chịu áp lực nếu mức thuế trung bình của Mỹ bị nâng lên. Tuy nhiên, khả năng đồng euro hưởng lợi từ diễn biến này sẽ phụ thuộc vào việc liệu Liên minh châu Âu (EU) có bị cuốn vào vòng xoáy trả đũa thương mại lớn hay không.

USD: Áp lực từ thuế quan trở lại
Đồng Đô la Mỹ mở đầu tuần mới trong trạng thái suy yếu dù không có một tác nhân cụ thể nào đóng vai trò chất xúc tác. Lợi suất trái phiếu Kho bạc dài hạn - yếu tố từng củng cố sức mạnh của USD thông qua mối tương quan dương - tiếp tục giảm, dù tốc độ giảm không vượt trội so với lợi suất trái phiếu châu Âu.
Diễn biến tích cực gần đây của EUR/USD dường như ít liên quan đến chênh lệch lãi suất mà chủ yếu phản ánh xu hướng phòng thủ của nhà đầu tư trước lo ngại về nguy cơ không đạt được thỏa thuận thương mại trước ngày 1 tháng 8.
Đồng Đô la Mỹ tiếp tục chịu áp lực khi vai trò tài sản trú ẩn an toàn chưa được khôi phục, với các đồng tiền châu Âu vẫn được ưu tiên trong bối cảnh bất ổn về thương mại.
Đồng thời, hoạt động thoát vị thế mua USD/JPY cũng có thể đang góp phần gia tăng áp lực giảm giá lên đồng bạc xanh trên diện rộng. Chúng tôi đánh giá sự phục hồi gần đây của đồng Yên chỉ mang tính kỹ thuật ngắn hạn, nhất là khi vị trí chính trị của Thủ tướng Shigeru Ishiba vẫn còn mong manh, ngay cả khi ông đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Các yêu cầu từ nội bộ nhằm triển khai thêm các biện pháp kích thích tài khóa có thể tiếp tục gia tăng, điều này đã gây áp lực lên thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn dài. Ngoài phản ứng "mua tin đồn, bán sự thật" ban đầu, thị trường trái phiếu Nhật Bản vẫn đối mặt với nhiều rủi ro.
Lịch dữ liệu kinh tế Mỹ tuần này khá thưa thớt. Chỉ số chỉ báo dẫn đầu tháng 6 vừa công bố giảm 0,3% đúng như dự báo, trong khi hai chỉ số sản xuất của Fed Philadelphia và Richmond công bố hôm nay dự kiến sẽ không có tác động đáng kể lên thị trường.
Tuy nhiên, thị trường ngoại hối có lý do để bắt đầu phản ứng mạnh hơn với các tiêu đề về thuế quan khi hạn chót ngày 1 tháng 8 đang đến gần. Dù chúng tôi vẫn kỳ vọng đồng Đô la có thể phục hồi nhờ triển vọng chính sách tiền tệ cứng rắn hơn từ Fed, những diễn biến tiêu cực về thuế quan có thể gây thêm áp lực giảm giá lên Chỉ số Đô la Mỹ (DXY).
EUR: Tìm thấy sự hỗ trợ mới
Dữ liệu CFTC mới nhất cho thấy vị thế mua ròng trên EUR/USD chiếm 15,6% tổng số hợp đồng mở tính đến ngày 15 tháng 7, mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2024. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn ở mức vừa phải khi xét đến việc cặp tiền đã tăng gần 10% so với đầu năm.
Các số liệu của CFTC cho thấy yếu tố dòng tiền thực tế và hoạt động phòng ngừa rủi ro đang đóng vai trò chủ đạo trong xu hướng suy yếu của đồng Đô la Mỹ, thay vì chỉ các giao dịch đầu cơ ngắn hạn.
Đồng thời, thị trường đang gia tăng đặt cược vào kịch bản không đạt được thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và EU. Một số quốc gia EU được cho là đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả khi triển vọng đạt được thỏa thuận ngày càng mờ nhạt. Với lập trường cứng rắn từ chính quyền Mỹ đối với các hành động trả đũa, nguy cơ bùng phát một vòng xoáy thuế quan trả đũa lẫn nhau vẫn hiện hữu, dù có thể chỉ mang tính tạm thời.
Khả năng duy trì xu hướng tích cực của đồng euro trước đồng Đô la sẽ phụ thuộc vào việc mức độ leo thang căng thẳng thuế quan có gia tăng đến mức nào và liệu EU có trở thành bên chịu thiệt tương đối so với các đối tác thương mại khác của Mỹ hay không.
Hiện tại, đồng euro không phải đối mặt với rủi ro thuế quan trong khu vực và thị trường không kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phát đi tín hiệu ôn hòa hơn trong cuộc họp chính sách sắp tới vào thứ Năm. Đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo của ECB vẫn được định giá vào tháng 12.
Chúng tôi cho rằng không có đủ động lực để EUR/USD quay trở lại vùng đỉnh đầu tháng 7 quanh 1,180. Mức 1,160 có thể đóng vai trò như một mốc trụ ổn định hơn, đặc biệt khi xét đến khả năng định giá lại kỳ vọng chính sách tiền tệ của Fed theo hướng cứng rắn hơn.
GBP: Chi phí rủi ro được thể hiện rõ ràng
Các số liệu gần đây của Anh không ủng hộ suy đoán thận trọng của thị trường về việc Ngân hàng
Các dữ liệu kinh tế mới đây của Anh không ủng hộ kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ nhanh chóng nới lỏng chính sách. Lãi suất hoán đổi GBP kỳ hạn 2 năm hiện đã tăng khoảng 8 điểm cơ bản so với mức đáy gần đây, phản ánh khả năng cắt giảm lãi suất chỉ giới hạn ở hai lần trong năm nay, vào tháng 8 và tháng 12, phù hợp với dự báo của chúng tôi.
Mặc dù chênh lệch lãi suất ngắn hạn EUR/GBP đã nghiêng về phía GBP trong những tuần gần đây, sự ổn định của EUR/GBP cho thấy thị trường đang định giá một mức phí rủi ro cho đồng bảng Anh. Theo ước tính của chúng tôi, mức định giá này cao hơn khoảng 0,8% so với giá trị hợp lý, tiến gần đến ngưỡng trên của dải lệch chuẩn 1,5 – vốn báo hiệu tình trạng định giá sai lệch kéo dài.
Một phần phí rủi ro đối với GBP xuất phát từ sự hấp dẫn của đồng euro với vai trò đồng tiền dự trữ, nhưng cũng phản ánh lo ngại về tình hình tài khóa của Anh. Mối lo ngại này được củng cố thêm sáng nay khi dữ liệu cho thấy thâm hụt ngân sách của Anh trong tháng 6 đạt 20,7 tỷ bảng, cao hơn dự báo chính thức.
Dù chưa gây ra phản ứng mạnh trên thị trường ngoại hối, dữ liệu tài khóa mới có thể gia tăng khả năng chính phủ Anh sẽ buộc phải tăng thuế trong mùa thu này – một yếu tố có thể hạn chế tiềm năng tăng giá của đồng bảng Anh trong trung hạn.
Tuyên bố Miễn Trừ Trách Nhiệm: Báo cáo này được ING phát hành với mục đích cung cấp thông tin, không nhằm mục đích đưa ra khuyến nghị đầu tư hoặc lời khuyên tài chính, pháp lý, thuế và không cấu thành đề nghị mua bán bất kỳ sản phẩm tài chính nào.
Investing